Chiến sự Gaza: Tình cảnh trớ trêu của các công dân Mỹ kẹt giữa hai làn đạn

Kiều Anh |

Giữa bối cảnh dải Gaza đang chìm trong "mưa bom lửa đạn", người Mỹ gốc Palestine ghé thăm hoặc sinh sống ở đây cho biết họ đang tuyệt vọng tìm cách thoát khỏi khu vực nhưng hầu như nhận được rất ít hoặc không có sự hỗ trợ nào từ Đại sứ quán Mỹ.

Trong khi đó, họ được Đại sứ quán Mỹ thông báo rằng các tuyến đường ra khỏi dải Gaza thu hẹp lại chỉ còn một con đường: Đó là con đường đi qua Bán đảo Sinai của Ai Cập, tuy nhiên tuyến đường này đã bị tạm dừng một khoảng thời gian ngày 9/10 do tình trạng ném bom.

Một cảnh báo an ninh mới từ Đại sứ quán Mỹ ngày 9/10 cho biết: "Các công dân Mỹ ở dải Gaza muốn rời đi và có thể rời đi an toàn, được khuyên rằng nên kiểm tra tình trạng Cửa khẩu Rafah vào Ai Cập".

Chiến sự Gaza: Tình cảnh trớ trêu của các công dân Mỹ kẹt giữa hai làn đạn - Ảnh 1.

Một gia đình người Palestine chạy khỏi căn nhà bị ném bom trong cuộc không kích của Israel vào dải Gaza ngày 9/10/2023. Ảnh: AFP

Said Shaath, 64 tuổi ở California - người đang làm việc tại một tổ chức cứu trợ nhân đạo ở Gaza cho biết các nhân viên Đại sứ quán Mỹ đã nói rằng hãy vượt biên vào Ai Cập nếu có thể thực hiện điều đó an toàn.

"Tôi không biết an toàn nghĩa là gì? Chúng tôi đang sống ở Rimal, việc đi về hướng Cửa khẩu Rafah ở phía Nam là vô cùng rủi ro. Nơi này không được đảm bảo an ninh bởi suốt dọc con đường này bạn đều có nguy cơ bị trúng bom đạn", giữa bối cảnh Israel liên tục tiến hành các cuộc không kích, Said Shaath cho hay. Trong điều kiện thông thường, việc đi từ Rimal tới Rafah có thể mất tới 1 tiếng.

"Nhà tôi đang rung chuyển. Các cột nhà đang bắt đầu nứt ra", Shaath nói.

Lena Beseiso, 57 tuổi ở Salt Lake City, Utah cảm thấy vô cùng kinh hoàng khi bị mắc kẹt ở dải Gaza. Beseiso đã không ở đây 12 năm và bà mới đến đây hồi cuối tháng 3 để thăm và dành thời gian với chồng, con gái và các cháu. Bà cảm thấy vô cùng thất vọng khi không có nhiều lựa chọn sau khi nhiều lần gọi cho đường dây khẩn cấp của Đại sứ quán Mỹ để tìm kiếm sự hỗ trợ.

"Khi cuối cùng đã có ai đó nhấc máy, chúng tôi khẩn cầu họ. Con gái tôi bật khóc khi nói rằng cần sự giúp đỡ của họ" nhưng người phụ nữ ở đầu dây bên kia nói rằng cô ấy không thể giúp gì, Beseiso cho hay.

"Cô ta chỉ liên tục nói rằng: 'Xin lỗi, chúng tôi không được thông báo về việc hỗ trợ bạn, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về việc này. Cô ta nói với con gái tôi rằng đường dây khẩn cấp này là cho Israel", Beseiso nói.

CNN đã gọi cho Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem tối 9/10 và một người đã trả lời rằng họ không được bình luận ngoài những gì được công bố trên trang web của Đại sứ quán.

Phản hồi câu hỏi của CNN, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Chúng tôi tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình an ninh đầy biến động ở đây", đồng thời gợi ý các công dân Mỹ nên truy cập vào trang web travel.state.gov của họ để tìm kiếm sự hỗ trợ.

Abdulla Okal, 34 tuổi đang ở New Jersey nhưng vợ và 3 con của anh đều đang mắc kẹt tại Gaza. Tất cả họ đều là công dân Mỹ.

"Thú thực thì tôi không biết phải làm gì. Đây là lần đầu tiên vợ con ở xa tôi và đó là một cuộc chiến tranh, thực sự là một cuộc chiến", Okal chia sẻ.

Okal đã nói vợ anh gọi điện cho Đại sứ quán Mỹ ngày 7/10. Họ đưa cho cô một đường link để điền mẫu đơn và yêu cầu cô chờ họ gọi lại. Vợ Okal gọi lại một lần nữa vào ngày 9/10 sau khi không nhận được phản hồi và câu trả lời mà cô nhận được là họ chưa thể sớm hỗ trợ cô.

Cô ấy đã không nghe được thêm bất kỳ điều gì nữa, Okal cho hay.

Okal cảm thấy vô cùng tuyệt vọng và nói rằng, ý nghĩ gia đình anh sẽ đi tới cửa khẩu còn lại cuối cùng ở Rafaht thật đáng sợ.

"Điều này thực sự nguy hiểm, bạn sẽ đi từ phía Bắc tới phía Nam. Các tuyến đường đều đã bị ném bom, có những hố sâu mà ô tô cũng không thể đi qua".

Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó đã cảnh báo công dân Mỹ không nên tới Gaza do "khủng bố, nội chiến và xung đột vũ trang".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại