Chiến sự Azerbaijan và Armenia: 5 ẩn số chính trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh

Bảo Lam |

Kết cục của cuộc chiến Azerbaijan-Armenia đã tạo ra nhiều ẩn số và những âm mưu. Một vài tình tiết vẫn còn rất bí ẩn, hoặc ít ra là khá nghịch lý, theo logic quân sự thông thường.

Tác giả bài viết nhan đề "Пять главных загадок Второй карабахской войны - 5 ẩn số chính trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh" đã bình luận về chiến sự Azerbaijan và Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh và nhận định có vẻ như ban lãnh đạo Armenia tự tạo ra một thảm hoạ chính trị.

Xin được liệt kê những ẩn số nào gây ra các câu hỏi lớn nhất và thúc đẩy sự xuất hiện ở Armenia (và không chỉ) "những thuyết âm mưu".

1. Tại sao tại Armenia không tiến hành tổng động viên đúng nghĩa, còn các đơn vị chiến đấu thực sự không được đưa tới khu vực xung đột?

Bất chấp những tuyên bố mạnh miệng đầy tinh thần yêu nước, nhưng một cuộc tổng động viên thực sự không được tiến hành tại Armenia.

Quân số thường xuyên của quân đội Armenia - gần 50 nghìn người - tăng chủ yếu nhờ những người tình nguyện phục vụ. Trong khi đó, bối cảnh chiến sự yêu cầu cần phải tăng số lượng phòng vệ Karabakh lên thành tối thiểu 80-100 nghìn người.

Đồng thời, quân đội Armenia rất thiếu các chuyên gia (lấy ví dụ như những khẩu đội pháo và pháo phản lực bắn loạt) ngoài mặt trận. Những người đã xuất ngũ không lấy ai để thay thế. Vì nguyên do nào mà Erevan không tổ chức cuộc tổng động viên thực sự - không thể lý giải được.

Ban lãnh đạo Armenia cố lảng tránh đề tài này. Nếu như kế hoạch tổng động viên đã có, thì không ai nỗ lực thực hiện nó. Kết quả là không thể xoay tua những chiến sĩ nơi tuyến đầu, tại một số khu vực, binh lính ngồi trong chiến hào cả tháng trời mà không có người thay thế.

Ở tiền tuyến toàn là những thanh niên khoảng 18-20 tuổi, có lúc các thanh niên chưa hề biết bắn súng chiếm tới 80% đội ngũ chiến đấu. Các binh đội của Karabakh gồm những chuyên gia và cựu chiến binh đã tổn thất lớn trong tuần đầu tiên, và không thể lấy ai và lấy gì bổ sung, bởi vì hoàn toàn không có chi viện.

Các đội lính tình nguyện tại Armenia được thành lập theo đảng phái chính trị. Nỗ lực thành lập một binh đội riêng của đảng "Armenia thịnh vượng" mang tên nhà tài phiệt Gagik Tzarukyan - đối thủ chính của Thủ tướng Armenia, ông Pashinyan, đã khiến cho một vụ bê bối nổ ra.

Hai người đã đối đầu với nhau hơn 10 năm qua. Hiện nay, Thủ tướng Armenia công khai gọi ông Tzarukyan là "kẻ khiến Shusha thất thủ". Những cuộc xung đột này có thể tránh được nếu có một kế hoạch tổng động viên và mong muốn thực hiện nó.

Các lực lượng quân chủ lực của Armenia đã không được đưa tới Karabakh. Để giảm áp lực, mà các UAV của Azerbaijan tạo ra, chỉ cần đưa các radar cảnh báo sớm tới Goris (tỉnh Syunik, Armenia).

Và chỉ một cụm quân là đủ để bảo vệ hướng phía nam ở giai đoạn khi mà những người Azerbaijan vẫn còn dậm chân tại chỗ trước phòng tuyến đầu tiên.

Công tác hậu cậu đã không được tổ chức hợp lý, và sau một tháng giao chiến đã dẫn tới việc thiếu đạn dược cho những tổ hợp pháo phản lực bắn loạt và pháo binh. Và khi thiếu sự yểm trợ của pháo binh, thì bộ binh chỉ còn biết hi sinh "một cách anh dũng".

Tất cả những điều này có thể được lý giải một phần bằng sự e ngại và không mong muốn làm suy yếu khả năng phòng thủ của chính Armenia. Điều cuối cùng là một quan điểm nhiều tranh cãi và trông có vẻ như ban lãnh đạo Armenia đã phó mặc Karabakh cho số phận.

Chiến sự Azerbaijan và Armenia: 5 ẩn số chính trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh - Ảnh 2.

Xe tăng Quân đội Armenia bị Azerbaijan thu giữ.

2. Tại sao mặt trận phía Bắc lại hành động một cách lạ lùng như thế?

Ở phía bắc và đông bắc Karabakh, tại khu vực Madagiz là khu phòng tuyến của Armenia, mà bao gồm cả các đơn vị thiện chiến. Và họ thực sự đã phản kháng mạnh mẽ trước lực lượng tấn công của Azerbaijan và cuối cùng đã chặn đứng được lực lượng này dù mất một vài cứ điểm.

Nhưng sau đó, tiểu đoàn tinh nhuệ "Ehnikner" bất ngờ rút lui, mặc dù tiểu đoàn trưởng đã kịp nhận danh hiệu "Anh hùng Artsakh".

Hơn nữa, từ ngày 03/10, cả "Ehnikner" lẫn bất cứ đơn vị nào đã không hề được rút khỏi mặt trận phía bắc để tới chi viện cho mặt trận phía nam nảy lửa. Đồng thời, Azerbaijan chỉ duy nhất một lần quyết định giả vờ tấn công lại ở phía bắc với mục đích đánh lạc hướng. Việc giữ lại ở phía bắc tận 20 nghìn quân là không cần thiết.

Ban lãnh đạo Karabakh lấy việc thiếu nguồn lực để giải thích một cách không chính thức cho tất cả những thứ này. Nhưng hiện giờ lý do này được mang ra để giải thích cho mọi thứ.

3. Tại sao mặt trận phía Nam tan rã?

Việc Azerbaijan sẽ ra đòn chính ở phía nam, vùng thảo nguyên, đã rõ ngay trong vài ngày đầu chiến sự. Tuy nhiên, các nguồn lực - con người và kỹ thuật - bắt đầu được đưa tới mặt trận phía nam, khi về bản chất mặt trận này còn chưa hình thành.

Vùng thảo nguyên đã bị mất, còn mặt trận đã dừng ở phía rìa những dãy núi kéo dài từ Krasny Bazar cho tới Martuni. Kết quả là chính ở khu vực này đã tập trung tới 30 nghìn người làm nhiệm vụ phòng vệ cho Karabakh.

Chiến sự Azerbaijan và Armenia: 5 ẩn số chính trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh - Ảnh 3.

Các binh sĩ Azerbaijan tham gia chiến dịch tại Nagorno - Karabakh. Ảnh: AFP.

Sự bao vây toàn bộ và cái chết đã đe doạ họ, một trong những lý do để ký thoả thuận ngừng bắn. Bên cạnh đó, trước khi chiếm Jabrayil, các đơn vị quân đội Azerbaijan đã di chuyển rất chậm, phá vỡ cả nhịp độ tấn công của mình.

Điều đó đã mang tới cho người Armenia một khoảng thời gian ngắn ngủi để nhận thức tình hình và tập trung bố trí lại lực lượng.

Sau khi chiếm được Jabrayil, mặt trận bắt đầu tan rã, người Azerbaijan đột ngột tăng tốc tiến quân. Thời điểm đã trôi qua mất.

Vì lý do gì mà lãnh đạo Quân đội Armenia lại không quyết định đưa thêm các nguồn lực tới mặt trận phía nam? Đó là một ẩn số nữa.

4. Tại sao phía Armenia chỉ dừng lại ở việc phòng thủ bị động?

Trong suốt cuộc chiến, phía Armenia chỉ hai lần quyết định phản công nhằm vào các đơn vị tiền tuyến tiến xa lên phía trước của Azerbaijan. Cả hai lần đều diễn ra ở hẻm núi hẹp, đối diện Lachin (Karabakh), với khả năng dễ bị tổn thương nhất của phía quân đội Azerbaijan.

Một lần thậm chí còn mang lại thành công. Nhưng những chiến dịch này chỉ tập trung cho việc tấn công ồ ạt bằng pháo phản lực bắn loạt nhằm vào nơi kẻ địch co cụm. Các chiến dịch nhằm khoá chặt hẻm núi, bao vây địch ở những khu vực khác trên mặt trận phía nam đã được yêu cầu triển khai.

Nhưng không một đơn vị quân đội nào của Armenia nhúc nhích. Một cuộc chiến kinh ngạc, mà trong đó một phe không thực hiện bất cứ chiến dịch tấn công nào trên bộ, khi chỉ dừng lại ở việc phòng thủ bị động.

Cuộc phản công thành công tại hẻm núi trước mặt Lachin có thể đã chôn vùi trong họng kìm này lực lượng của Azerbaijan nhiều tới mức họ phải mất tối thiểu hai tuần mới dám nghĩ tới cuộc tấn công nhằm vào Shusha.

Và sau đó, hoàn toàn có thể tiêu diệt bộ binh của Azerbaijan trong hẻm núi Averatanotz. Nhưng để thực hiện điều này cần phải lên gân cốt.

Không có lời giải thích cho việc tại sao phía Armenia thậm chí còn không cố gắng phản công hoặc bằng những cách nào đó tận dụng ưu thế tác chiến mà họ nhiều lần đã có được.

Chỉ trong những giai đoạn cuối cùng của các chiến sự mới có thể đổ lỗi một cách bất tận cho việc thiếu nguồn lực, nhưng phòng thủ bị động là chiến lược thường xuyên ngay từ đầu cuộc chiến này.

Chiến sự Azerbaijan và Armenia: 5 ẩn số chính trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh - Ảnh 5.

Xe tăng do Nga sản xuất trong quân đội Azerbaijan tham chiến.

5. Tại sao Shusha lại bị giao nộp?

Câu hỏi nhạy cảm nhất và khó hiểu nhất. Cuộc đột kích đầu tiên nhằm vào thành phố này từ phía bộ binh Azerbaijan rất không thành công. Sau đó, đợt đột kích thứ hai đã bị đẩy lui bằng loạt bắn từ pháo phản lực.

Nhờ một vài nỗ lực và sự giúp đỡ từ phía Armenia, lực lượng của Azerbaijan đột kích thành phố đã có thể bị tiêu diệt. Tuy nhiên, bất ngờ một quyết định giao nộp thành phố này, mà không cần giao chiến và không cố gắng giải phóng nó khi có được diễn biến tình hình tác chiến-chiến thuật thuận lợi kéo dài khoảng một ngày, đã được đưa ra.

Người ta cho rằng quyết định bỏ lại Shusha được đưa ra bởi tổng thống nước cộng hoà Nagorny Karabakh, ông Arayik Harutyunyan và thư ký Hội đồng An ninh quốc gia nước này, tướng Samvel Babayan, một huyền thoại địa phương.

Hiện giờ, để phản đối việc ký thoả thuận ngừng bắn, ông Babayan đã rời khỏi chức vụ của mình và từ chối nhận danh hiệu "Anh hùng Artsakh".

Kênh youtube của Armenia là "Lurer" đã đăng tải đoạn ghi âm cuộc nói chuyện của hai ông Babayan và Harutyunyan, mà theo đó tướng Babayan thực sự coi nhẹ khả năng giành lại Shusha, thậm chí sau khi giao nộp triển vọng kháng chiến được ông mô tả rất u ám.

Trích đoạn cuộc nói chuyện:

"Hãy thử tính toán nhiệm vụ. Chúng ta sẽ phủ kín Shusha bằng hai mươi, ba mươi loạt "Smerch". Chúng ta sẽ giết sạch. Chúng ta sẽ lấy lại thành phố. Tiếp đến thì sao?

Hiện trạng quân đội và người dân không cho phép triển khai cuộc chiến. Đánh nhau xong, giành được Shusha xong, tiếp đến là gì?... Chúng ta không thể chiến đấu với quân đội NATO, với lính đánh thuê được vũ trang đầy đủ…

Tôi hôm qua định tổ chức một chiến dịch bằng ba tiểu đoàn. Chúng ta chỉ có 4 khẩu lựu pháo. Nếu chúng ta không được yểm trợ bằng pháo binh, thì làm thế nào anh bảo đảm được cuộc tiến công hoặc cắt đuôi được nó (kẻ địch)?...

Hôm nay chúng ta phải đàm phán xong với Nga rằng hoặc chúng ta sẽ giao lại những lãnh thổ này và rút khỏi. Hoặc họ sẽ giúp chúng ta.

Thử tưởng tượng xem, toàn bộ quân đội chúng ta chỉ có hai tổ hợp "Grad", với vài chục khẩu lựu pháo, mà chúng ta chẳng có đạn".

Nếu như tổng hợp lại, thì tướng Babayan nghĩ rằng ở giai đoạn này của chiến sự phản kháng là vô ích.

Cần phải từ bỏ việc tiếp tục chiến đấu và hoặc là đầu hàng, hoặc là yêu cầu 10 ngày để tổ chức đưa người dân địa phương và 30 nghìn binh lsnh mặt trận phía nam đang nằm trong vòng vây ra ngoài.

Hoặc thay vào đó có thể gấp rút yêu cầu Nga hỗ trợ quân sự trực tiếp thông qua các công ty quân sự tư nhân hoặc lính tình nguyện, khí tài và đạn dược.

Nhưng tất cả những điều này không thay đổi được câu hỏi tại sao một lực lượng lính thuỷ đánh bộ không lớn lắm của Azerbaijan, thiếu khí tài hạng nặng, xộc thẳng vào Shusha lại không bị tiêu diệt trước khi xuất hiện tinh thần hoảng loạn trong quân đội Armenia.

Việc giữ được Shusha tạo nên một cấu trúc thoả thuận chính trị hoàn toàn khác đối với Nagorny Karabakh và Armenia. Nếu đó là quyết định chính trị, thì ai thực sự là người đã đưa ra?

Danh sách những ẩn số của cuộc chiến tranh Karabakh lần II vẫn còn chưa đủ. Ngoài ra, có không ít những câu hỏi như thế đặt ra với lãnh đạo Armenia về công tác chuẩn bị cho cuộc chiến. Cuộc chiến này đã thất bại từ khi nó còn chưa bắt đầu chính vì sự bàng quan hoặc hành xử lạ lùng của Erevan.

Quá trình phán xử sẽ còn kéo dài rất lâu. Tình hình trong khu vực trong 40 ngày này đã thay đổi nhanh tới mức tất cả những cách tiếp cận cũ để giải quyết cuộc xung đột đã tự triệt tiêu. Và một thực tế mới cần những giải pháp mới đối với Armenia. Và tạm thời chưa rõ ai sẽ là người ra quyết định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại