Khi cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan bùng nổ, một câu hỏi lớn được đặt ra là ai sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này? Giờ đây khi chiến sự đã kết thúc thì câu hỏi đặt ra lúc này là ai thực sự đã giành chiến thắng ở hậu trường và tại sao điều đó lại quan trọng?
Trên thực địa, rõ ràng, Azerbaijan là bên giành chiến thắng khi lấy lại được phần lớn lãnh thổ mong muốn của mình ở Nagorno-Karabagh, vùng lãnh thổ biên giới mà họ đã mất vào tay quân ly khai Armenia cách đây 30 năm.
Giờ đây, lệnh ngừng bắn do Nga bảo trợ cuối cùng đã được thực hiện vì vậy câu hỏi đặt ra là kết quả sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cán cân quyền lực tổng thể trong khu vực và trên thế giới?
Một số người cho rằng do Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp hỗ trợ quân sự cho Azerbaijan nên cán cân nghiêng về phía Ankara và vai trò bá chủ khu vực không thể tranh cãi của Nga đã giảm đi khá nhiều.
Quân nhân Azerbaijan nã pháo về phía lực lượng Armenia trong xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh ngày 20/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Có một nhân tố mới trong phương trình xuất hiện đó là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Sức mạnh của các máy bay không người lái mà ông Erdogan cho triển khai đã phá hủy gần như toàn bộ hệ thống phòng thủ của Armenia.
Do đó, Nga khó còn có thể đứng vững với tư cách là nước giữa quyền ảnh hưởng và chi phối duy nhất ở không gian hậu Xô Viết. Bong bóng đã vỡ. Các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác thậm chí có thể bị kích động thách thức Moscow theo nhiều cách khác nhau.
Ngược lại với lập luận trên là những ý kiến cho rằng do Ankara không được tham gia chính thức ký kết thỏa thuận ngừng bắn ở Nagorno-Karabagh nên Thổ Nhĩ Kỳ là nước đã bị gạt sang bên lề.
Lính gìn giữ hòa bình Nga được triển khai tới Nagorno-Karabagh
Về phần mình, Armenia chắc chắn không phải nước giành thắng lợi. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã thất bại nặng nề và gần như mất hết quyền lực khi dân chúng phẫn nộ tràn ra đường phố biểu tình về sự yếu kém của quân đội và chính phủ cầm quyền. Điều đó không thể chối cãi.
Trong cuộc xung đột lần này, Moscow đã quyết định không đưa quân tới Armenia như đã làm ở Georgia và Ukraine. Họ không cần phải hành động như vậy. Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện công việc đó bằng cách di chuyển đến Karabakh và thay Nga, “làm bẽ mặt” Thủ tướng Pashinyan!
Trong một tháng rưỡi, suốt thời gian diễn ra chiến tranh, Moscow đã kiên quyết ngoảnh mặt để Armenia dần dần thua trận. Về mặt kỹ thuật, tất nhiên, đây là một cuộc chiến bên trong Azerbaijan. Armenia đúng là không hề bị tấn công. Vì vậy, ông Putin có quyền "nhìn đi chỗ khác".
Còn một khía cạnh khác, bất cứ ai nghĩ rằng Điện Kremlin đã mềm lòng với Thổ Nhĩ Kỳ thì một vụ việc rất đáng chú ý đã xảy ra ở Syria khi các máy bay ném bom Nga tấn công một thành trì dân quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, tiêu diệt khoảng 80 tay súng Syria. Tổng thống Putin không ngần ngại đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ, nếu và khi nào ông ấy muốn.
Sau chốt, Điện Kremlin vẫn giữ vai trò là bên chủ trì việc dàn xếp xung đột và kiến tạo hòa bình ở Nagorno-Karabagh. Vì vậy, Nga thực sự mới là nước đã chiến thắng trong cuộc chiến tại đây.