Chiến pháp "mượn trời giết giặc" giúp Hưng Đạo Vương đánh bại 100 vạn quân Nguyên

Nhật Minh |

Nhờ vào tài dụng binh kiệt xuất, Trần Hưng Đạo đã sử dụng chiến pháp "mượn trời giết giặc", giúp Đại Việt ba phen đánh bại hơn 100 vạn quân Mông Nguyên.

Cha đẻ của những binh pháp nổi tiếng Đại Việt

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300) một nhà quân sự, một nhà chính trị lỗi lạc dưới thời Trần. Ông đã tạc ghi vào lịch sử vương triều những chiến công hiển hách, tên tuổi còn mãi đến nghìn thu.

Ngay từ nhỏ, Trần Hưng Đạo đã được cha (An sinh vương Trần Liễu) chăm lo giáo dục, mướn những thầy giỏi nhất nhì về văn chương, võ bị trong cả nước về nhà dạy bảo, thêm vào đó, với thiên bẩm của mình, vương đã học và tiếp thu nhanh hơn người.

Quốc Tuấn là người giỏi binh pháp, cũng là 1 tác gia kiệt xuất, cha đẻ của "Hịch tướng sĩ" (tác phẩm được coi là một trong những áng văn hùng hồn, mang âm hưởng nhà binh, khơi dậy ý chí yêu nước, lòng căm thù quân xâm lược của binh sĩ, con dân Đại Việt) và "Binh thư yếu lược" (cuốn sách viết về nghệ thuận quân sự, cách dụng binh và nhiều mưu kế đánh giặc được tổng kết lại thành bài học).

Chiến pháp mượn trời giết giặc giúp Hưng Đạo Vương đánh bại 100 vạn quân Nguyên - Ảnh 1.

Trần Hưng Đạog và "Hịch tướng sĩ" (Nguồn: internet)

Đây là hai công trình xuất sắc, có một không hai trong lịch sử dân tộc. Hai "cuốn binh thư" nổi tiếng không chỉ dưới thời nhà Trần mà còn được nhiều các thế hệ những nhà quân sự, chính trị giai đoạn sau và thời kỳ hiện đại nghiên cứu, sử dụng, đánh giá cao.

Chiến pháp mượn trời giết giặc giúp Hưng Đạo Vương đánh bại 100 vạn quân Nguyên - Ảnh 2.

Tác phẩm Binh thư yếu lược của Hưng Đạo Vương (Nguồn: internet)

Chiến pháp "mượn trời giết giặc"

Trong ba lần kháng chiến chống quân Mông Nguyên (1258, 1285, 1288), Hưng Đạo Vương đã thống lĩnh ba quân dùng kế đoản binh chống tràn trận, khuyên tướng sĩ đừng thấy thế giặc như vũ bão mà hoảng sợ. Vị tài tướng này đã hết sức bình tĩnh, kiên nhẫn hơn người, biết mình, hiểu địch và biết sử dụng triệt để những yếu tố có sẵn.

Một trong những chiến pháp được Hưng Đạo Vương sử dụng, đánh bại vó ngựa Mông Nguyên đó là "Mượn trời giết giặc".

Chiến pháp mượn trời giết giặc giúp Hưng Đạo Vương đánh bại 100 vạn quân Nguyên - Ảnh 3.

Hình minh họa Chiến pháp "mượn trời giết giặc" phát huy hiệu quả. (Nguồn: internet)

Theo tài liệu lịch sử ghi chép, Hưng Đạo Vương là người đọc và thông hiểu nhiều sử sách của Trung Hoa bấy giờ, nắm rõ được sở trường cũng như sở đoản của quân đội địch. 

Ông biết được, Phục Ba tướng quân Mã Viện (thế kỷ I), khi thống lĩnh đại quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-43) đã rất âu lo và rối trí về vấn đề thời tiết, khí hậu của vùng phía Nam (Đại Việt). Chính sự khác biệt về thủy thổ này đã gây ra những cái chết "kỳ lạ", bởi người chết vì chiến trận thì ít, mà chết vì bệnh hoạn thì nhiều.

Tướng Mã Viện phải cay đắng thừa nhận một thực tế "Trên đất Giao Chỉ (tên gọi của Đại Việt trong con mắt của nhà Hán lúc bấy giờ) có cái nóng hun mây cháy đá, chim đang bay trên trời bị khí độc phải sa xuống thì con người đâu có mình đồng da sắt để chịu đựng được nổi nóng lạnh ghê gớm của xứ này".

Hiểu rõ nhược điểm của quân sĩ phương Bắc, Hưng Đạo Vương không ham đánh mà chủ trương lấy nhu chế cương, đánh lâu dài (trì cửu chiến), quan niệm rằng một trận thắng địch chưa kết thúc được chiến tranh. Quân Mông Nguyên muốn đánh, Đại Việt lại không đánh, kéo dài thời gian, đánh vào ý chí chiến đấu và điểm yếu hậu cần của đạo quân khổng lồ này.

Đại Việt chỉ tiến quân khi chắc thắng, đồng thời triệt để sử dụng chiến pháp "mượn trời giết giặc", nghĩa là mượn thời tiết oi ả của mùa Hạ, và lạnh giá của mùa Đông làm quân địch mệt nhọc, đau yếu, từ đó sinh ra chán nản, tinh thần chiến đấu sa sút. Đúng lúc thời cơ thuận lợi đến, tướng sĩ nhà Trần mới dốc toàn bộ lực lượng quyết tử với lực lượng này và giành thắng lợi.

Chiến pháp mượn trời giết giặc giúp Hưng Đạo Vương đánh bại 100 vạn quân Nguyên - Ảnh 4.

Chủ trương "Vườn không nhà trống" trong kháng chiến chống Mông Nguyên. (Nguồn: internet)

Lời bình

Một đế chế thiện chiến nhất thế giới hồi thế kỷ XIII, chưa hề nếm mùi chiến bại, một đội quân đã xâm chiếm đến ¾ diện tích toàn cầu đã ba lần thất bại ở Đại Việt bởi cùng một chiến pháp.

Có ba yếu tố quyết định đến thành bại trong mọi sự, binh pháp cũng không nằm ngoài, đó là: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa. 

Xét về tương quan lực lượng, trong cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt, Mông Nguyên với ưu thế hơn hẳn, lại thiện chiến, thần tốc. Vó ngựa đánh Bắc được Bắc; đánh Tây, thu phục được Tây; đánh Nam bình định được Nam, vậy mà lại thất bại ở Đại Việt đến ba lần.

Tài liệu tham khảo

Ngô Sỹ Liên và các sửa thần nhà Lê (1998), Đại Việt sử ký Toàn thư, Bản Kỷ toàn thư, Quyển V, Kỷ nhà Trần, Nxb Khoa học Xã hội, HN, Tr. 27-63.

Tập san Sử Địa (2016), Đặc khảo về Quang Trung Nguyễn Huệ, Nxb Hồng Đức-Tạp chí Xưa và nay, Tr. 138-140.

Trần Thị Vinh (2013), Lịch sử Việt Nam tập 2 (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX), Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, HN, Tr 511-548.

Trương Hữu Quýnh (2007), Đại cương lịch sử Việt Nam tập I, Nxb Giáo dục, HN, Tr. 218-244.

Ủy Ban Khoa học Xã hội Việt Nam (1985), Lịch sử Việt Nam tập I, Nxb Khoa học Xã hội, HN, Tr 194-216.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại