Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP News.
“Cơ hội tốt nhất mà chúng ta có được”
Bất cứ ai quan tâm đến nền chính trị Mỹ đều có chung một nhận định rằng, tân Tổng thống Joe Biden khó có thể một mình chấm dứt “cuộc nội chiến” mà ông đề cập trong bài phát biểu nhậm chức ngày 20/1. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc ông không thể kiềm chế xung đột và thu hút sự hợp tác của đảng Cộng hòa đối với các mục tiêu của mình. CNN đã viện dẫn một loạt lý do chứng minh tân Tổng thống Joe Biden hoàn toàn có cơ hội làm điều đó.
Theo cây bút John Harwood của CNN, điều quan trọng nhất là ở tân tổng thống Mỹ có sự hội tụ của những phẩm chất và kinh nghiệm phù hợp với cương vị mà ông đảm nhận. Trong nửa thế kỷ hoạt động trong chính trường Mỹ, ông Biden đã xây dựng được mối quan hệ cá nhân với các đồng nghiệp ở cả hai đảng phái.
Ông Biden đặt chân vào Thượng viện ở thời điểm mà sự khác biệt về ý thức hệ giữa các đảng phái gây ra nhiều mâu thuẫn và chia rẽ, nhưng ông vẫn giữ nguyên lập trường không phán xét động cơ của các đối thủ chính trị. Joe Biden đã làm việc với Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện McConnell hơn hai thập kỷ và hai bên thường có các cuộc đàm phán để tìm kiếm những thỏa thuận chung khi ông Biden còn làm phó tổng thống trong chính quyền Barack Obama.
Dù đóng vai trò sứ giả, ông Biden vẫn không ngăn được việc ông McConnell phản đối quyết liệt gần như tất cả chương trình nghị sự của chính quyền Obama và nỗ lực đó ngày càng mạnh mẽ hơn sau khi đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Thượng viện vào năm 2014. Trước khi đảng Dân chủ chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện bổ sung tại bang Georgia ngày 5/1/2021, ông McConnell nhiều lần công khai ý định phản đối các chương trình nghị sự của tân tổng thống.
Hiện tại, việc đảng Dân chủ giành được 50 ghế tại Thượng viện đã làm thay đổi cán cân quyền lực. Trong thời gian tới, sự kiểm soát của đảng này đối với lưỡng viện Quốc hội sẽ tạo thuận lợi cho chính quyền Biden thực hiện chương trình nghị sự, và tối đa hóa cơ hội của ông trong việc thu hút sự ủng hộ của các thành viên ôn hòa trong đảng Cộng hòa.
CNN cho rằng, những ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông Biden, chẳng hạn như việc đề xuất gói kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD và phát triển cơ sở hạ tầng, cũng được cho là sẽ thúc đẩy cơ hội này. Đối với các cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động – những người đã giúp ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, kinh tế và các vấn đề “cơm ăn áo mặc” hàng ngày được quan tâm hơn so với các vấn đề như phân biệt chủng tộc hay nạo phá thai. Ông Biden chỉ giành được 10% sự ủng hộ của nhóm cử tri này trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2020. Tuy nhiên, việc trở thành chủ nhân Nhà Trắng tạo cho tân tổng thống cơ hội để thu hút sự ủng hộ của họ nhiều hơn nhờ một số sáng kiến mà chính quyền của ông đưa ra. David Shor, một chiến lược gia bầu cử hàng đầu của đảng Dân chủ nhận xét: “Đây là cơ hội tốt nhất mà chúng ta có được”.
Xuất thân từ tầng lớp trung lưu từ thế hệ trước, ông Biden được cho là đã bổ sung vào chương trình nghị sự của đảng Dân chủ những chính sách thân thiện đối với các cử tri đang cảm thấy bị đe dọa bởi sự thay đổi về kinh tế và văn hóa.
Đảng Dân chủ không thể hành động một mình
Hình ảnh của tân tổng thống Mỹ cũng trở nên gần gũi hơn sau vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội ngày 6/1 – sự kiện khiến ông Trump phải đối mặt với phiên tòa luận tội lần thứ 2 tại Thượng viện. Trước những rạn nứt sâu sắc bên trong đảng Cộng hòa, ông Biden lại càng có cơ hội thu hút những thành viên đi ngược lại đường lối của đảng này.
Theo một cuộc thăm dò của Đại học Quinnipiac tuần trước: 15% thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ luận tội ông Trump, 17% cho rằng người da trắng thượng đẳng đã có ảnh hưởng lớn đối với cuộc bạo loạn, 33% không muốn cựu Tổng thống Trump đảm nhiệm vai trò quan trọng trong đảng phái chính trị này trong tương lai. 67% thành viên đảng Cộng hòa tin rằng ông Biden không chiến thắng hợp pháp trong cuộc bầu cử tổng thống còn 28% thì có quan điểm ngược lại.
Thành công của chương trình nghị sự mà chính quyền ông Biden đưa ra sẽ phụ thuộc vào sự đồng thuận của lưỡng đảng. Dù bày tỏ sự lạc quan nhưng Thượng nghị sỹ Dân chủ Chris Murphy vẫn phải cảnh báo: “Chúng ta phải nhìn nhận bản chất vốn có của Thượng viện, đó là sự chia rẽ nghiêm trọng, không như những gì chúng ta mong muốn. Chính quyền ông Biden có lẽ sẽ muốn dành chút thời gian để xem lưỡng đảng có chấp nhận các ưu tiên của ông hay không, nhưng tất cả chúng ta phải chuẩn bị sẵn cho câu trả lời là “không”.
Mặc dù ông Murphy và các thành viên Dân chủ khác tại Thượng viện hy vọng các nghị sỹ của đảng Cộng hòa sẵn sàng hợp tác với họ, song ông cho rằng chính quyền Joe Biden cần phải chuẩn bị cho kịch bản phe Cộng hòa nhanh chóng thực hiện các nỗ lực cản trở như những gì đã diễn ra thời Obama.
Việc ông Biden từng nhượng bộ đảng Cộng hòa trong các cuộc đàm phán để hai bên có thể tiến tới các thỏa thuận chung trong thời gian ông làm phó tổng thống cũng khiến phe Dân chủ lo ngại. Còn nhớ, nghị sỹ Harry Reid, bang Nevada - người từng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, đã “từ mặt” ông Biden trong nhiều tháng vì cho rằng ông đã quá nhượng bộ ông McConnell.
Theo giới phân tích, dù đưa ra cam kết hàn gắn đất nước, ông Biden nhiều khả năng sẽ không tiếp nối chiến lược giống như của ông Obama. Thay vì tìm kiếm sự ủng hộ của Thượng viện, ông Obama tự đặt bút ký và tham gia Thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu… vì ông biết hành động này khó bị lật lại.
Trái lại, mục tiêu của ông Biden là cố gắng tìm kiếm sự đồng thuận. Đó là lý do tại sao ông từ chối yêu cầu của các thành viên đảng Dân chủ muốn nhanh chóng thông qua dự luật kích thích kinh tế ngay lập tức, bất chấp sự phản đối của đảng Cộng hòa. Nói cách khác, tân Tổng thống Joe Biden không muốn đảng Dân chủ hành động một mình. Nếu phe Cộng hòa thực sự quan tâm đến việc hàn gắn đất nước, ông ấy sẽ khuyến khích họ tham gia. Ngược lại nếu họ muốn tạo ra rào cản, ông ấy sẽ sẵn sàng phá vỡ rào cản đó./.