Chiến lược "thay tướng" tại gã khổng lồ công nghệ Alibaba

Việt Linh |

Chân dung dàn lãnh đạo mới của Alibaba thời hậu Jack Ma đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của gã khổng lồ công nghệ xứ Trung.

Những gương mặt cũ trong vai trò mới

Trong một thông báo đầy bất ngờ, Alibaba công bố chủ tịch và CEO Daniel Zhang sẽ chính thức rời các vị trí này kể từ ngày 10/9/2023. Thay thế ông Zhang ở vị trí chủ tịch là ông Joseph Tsai, trong khi chức vụ CEO sẽ thuộc về ông Eddie Wu.

Cái tên Joseph Tsai không hề xa lạ với Phố Wall, bởi ông Tsai hiện là chủ sở hữu Câu lạc bộ bóng rổ Brooklyn Nets tại Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA), cùng một số đội thể thao chuyên nghiệp khác tại Mỹ. Ông Tsai cũng là một nhà đầu tư quen mặt với thị trường tài sản và tiền kỹ thuật số. Thậm chí theo tờ SCMP, quỹ đầu tư cá nhân của ông cũng là một cổ đông của sàn tiền số FTX do doanh nhân trẻ vừa bị bắt giữ Sam Bankman-Fried điều hành.

Chiến lược thay tướng tại gã khổng lồ công nghệ Alibaba - Ảnh 1.

Ông Joseph Tsai nổi tiếng tại Mỹ với vai trò chủ CLB bóng rổ Brooklyn Nets tại giải NBA (Nguồn: CNBC)

Dù là nhân vật quen thuộc với giới kinh doanh tại Mỹ, nhưng sự gắn bó giữa ông Tsai và Alibaba đã có ngay từ thời điểm khai sinh tập đoàn này. Trong số 17 nhà đồng sáng lập cùng với tỷ phú Jack Ma, Joseph Tsai là người duy nhất được đào tạo tại phương Tây. Ông đóng vai trò là Giám đốc tài chính (CFO) cho Alibaba cho tới tận năm 2013, phụ trách nhiều vụ đàm phán huy động vốn thời kỳ đầu của tập đoàn này, cũng như hoạt động M&A, và đặc biệt là thương vụ IPO kỷ lục 25 tỷ USD của Alibaba tại sàn chứng khoán New York.

Ông Brian Wong, một nhân viên Alibaba thời đầu và là cựu trợ lý của Jack Ma nhận định: "Ghế chủ tịch của Joseph Tsai chính là điều Alibaba cần ở vị thế một tập đoàn lớn có tham vọng quốc tế. Ông ấy có kỹ năng, nền tảng và vị trí tốt để đóng vai trò cầu nối cho công ty từ Trung Quốc ra thế giới và ngược lại".

Trong khi đó, tân CEO Eddie Wu lại là một tên tuổi kín tiếng hơn nhiều. Cũng gắn bó với Alibaba từ những ngày đầu, cựu cử nhân về khoa học máy tính này giữ vị trí giám đốc công nghệ (CTO) và đảm nhận việc phát triển nhiều nền tảng số của Alibaba, như hệ thống quảng cáo và trang mua sắm trực tuyến Taobao. Ông cũng đóng vai trò trong quá trình xây dựng Alipay - ứng dụng thanh toán điện tử hiện thuộc quản lý của Ant Group. Sau khi kế hoạch cải tổ tập đoàn được công bố hồi tháng 3, Wu đảm nhận vị trí chủ tịch của hãng thương mại điện tử Taobao - Tmall, đơn vị duy nhất vẫn sẽ trực thuộc Alibaba sau quá trình tái cơ cấu.

Chiến lược thay tướng tại gã khổng lồ công nghệ Alibaba - Ảnh 2.

Tân CEO Eddie Wu từng dẫn dắt quá trình phát triển các nền tảng Taobao và Alipay (Nguồn: CNBC)

Jacob Cooke, CEO của hãng tiếp thị WPIC nhận định: "Eddie Wu không phải là cái tên gây bất ngờ, bởi anh ấy đóng vai trò lớn cả về phát triển công nghệ lẫn khả năng sinh lời của Taobao và Alipay. Việc đưa Wu trở thành CEO cho thấy thương mại điện tử vẫn sẽ có vai trò không thay thế trong quá trình phát triển của Alibaba".

Nhìn rộng hơn, việc bổ nhiệm cùng lúc 2 tên tuổi "mới mà cũ" này dẫn dắt Alibaba cũng được xem là quyết tâm làm mới mình để vượt qua quá trình "đại tu" chông gai của tập đoàn này.

Từ khi đạt đỉnh hồi năm 2020, giá trị vốn hóa của Alibaba đã mất hơn 500 tỷ USD, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy yếu, cũng như các động thái siết chặt kiểm soát giới công nghệ của chính phủ. Hồi năm 2021, Alibaba nhận án phạt lên tới hơn 2,5 tỷ USD do cáo buộc độc quyền. Sự nổi lên của các đối thủ mới như Pinduoduo và ByteDance cũng được coi là thách thức không nhỏ.

Chiến lược thay tướng tại gã khổng lồ công nghệ Alibaba - Ảnh 3.

Vốn hóa Alibaba sụt giảm hơn 500 tỷ USD từ mức đỉnh năm 2020 (Nguồn: CNBC)

Hồi tháng 3, hãng đã trình làng kế hoạch cải tổ đầy tham vọng, cơ cấu lại tập đoàn thành hình thức công ty mẹ với 6 đơn vị thành viên, trong đó ngoài Taobao - Tmall, các đơn vị khác đều sẽ được huy động vốn và lên sàn trong tương lai.

6 đơn vị thành viên của Alibaba sau quá trình tái cơ cấu:

- Taobao - Tmall (Thương mại điện tử)

- Cloud Intelligence (Dịch vụ điện toán đám mây)

- Cainiao Smart Logistics (Dịch vụ vận tải và hậu cần)

- Local Services (Các nền tảng tiêu dùng: giao đồ ăn, bản đồ, du lịch...)

- Global Digital Business (Thương mại quốc tế)

- Digital Media & Entertainment (Giải trí, truyền thông số)

Dù vậy theo các chuyên gia, việc "thay tướng" cũng chưa phải là điều có thể thuyết phục giới đầu tư rằng, cải tổ sẽ đi đúng hướng. Vey-Sern Ling, giám đốc điều hành ngân hàng tư nhân UBP (Thụy Sỹ) bình luận: "Alibaba vẫn là một công ty Trung Quốc và sẽ chịu ảnh hưởng từ những thách thức địa chính trị và kinh tế của nước này. Hãng cũng đang gặp sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nền tảng mới về thương mại điện tử và video ngắn. Trừ khi Alibaba có thể sớm phục hồi khả năng sinh lời, các nhà đầu tư sẽ không quá quan tâm đến vấn đề thay đổi nhân sự quản lý".

Các cựu lãnh đạo vẫn có vai trò quan trọng

Việc rời bỏ vị trí chủ tịch và CEO không đồng nghĩa với việc ông Daniel Zhang sẽ chấm dứt vai trò lãnh đạo với Alibaba. Thay vào đó, theo kế hoạch do chính ông đề xuất, Zhang sẽ tiếp tục lãnh đạo mảng kinh doanh điện toán đám mây (Cloud Intelligence Group) của tập đoàn - vị trí mà ông đã nắm giữ kể cuối năm ngoái.

"Việc lựa chọn Daniel Zhang chuyên phụ trách mảng đám mây cho thấy sự tín nhiệm cao với anh ấy, với mong muốn dẫn dắt một mảng kinh doanh giá trị nhất của công ty phát triển đúng hướng trong thời đại trí tuệ nhân tạo hiện nay" - ông Brian Wong bình luận.

Chiến lược thay tướng tại gã khổng lồ công nghệ Alibaba - Ảnh 5.

Daniel Zhang hát ca khúc "You raise me up" khi nhận chức vụ chủ tịch Alibaba từ Jack Ma năm 2019 (Nguồn: Alibaba)

Ông Zhang - người kế vị chức chủ tịch của Jack Ma trong một buổi lễ kỷ niệm đầy cảm xúc năm 2019, khi 2 vị lãnh đạo cùng hát ca khúc "You raise me up", cũng từng nhiều lần khẳng định, lĩnh vực đám mây sẽ là một mảng kinh doanh chủ chốt của hãng trong tương lai. Dưới kế hoạch tái cơ cấu, vai trò của ông Zhang với mảng đám mây lại càng quan trọng khi đơn vị này đang nỗ lực để huy động vốn độc lập và tiến hành lên sàn trong thời gian tới.

Trong bản tin nội bộ gửi đội ngũ nhân viên tập đoàn, ông Zhang cho biết: "Cloud Intelligence Group đang tăng tốc tối đa cho kế hoạch chia tách (spin-off) của mình, và sắp tiến đến giai đoạn then chốt của tiến trình này. Bởi vậy đây là lúc thích hợp để tôi tập trung thời gian và tâm sức vào bộ phận này, nhằm đưa nó sớm trở thành một công ty đại chúng".

Chiến lược thay tướng tại gã khổng lồ công nghệ Alibaba - Ảnh 6.

Ông Zhang sẽ tập trung nhằm đưa mảng đám mây của Alibaba trở thành công ty đại chúng (Nguồn: CNBC)

Không chỉ Daniel Zhang, mà vai trò của nhà sáng lập - tỷ phú Jack Ma cũng được xem là không thể bỏ qua. Từ khi trao lại ghế chủ tịch cho ông Zhang, và đặc biệt là sau khi kế hoạch IPO của Ant Group đổ bể, vị tỷ phú từng là người giàu nhất Trung Quốc nhìn chung tương đối lặng lẽ và ít xuất hiện trên truyền thông, chuyển sang nhiều vị trí giảng dạy - công việc cũ của ông.

Chiến lược thay tướng tại gã khổng lồ công nghệ Alibaba - Ảnh 7.

Tỷ phú Jack Ma ít xuất hiện nhưng vẫn có vai trò lớn trong kế hoạch tái cơ cấu Alibaba (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên theo báo chí, ông Jack Ma vẫn là người đóng góp quan trọng cho bản kế hoạch tái cơ cấu của Alibaba. Hồi tháng 5, ông cũng được cho là đã có cuộc họp với các lãnh đạo chủ chốt của hãng, đưa ý kiến cố vấn về một số cải tổ sâu hơn, như việc giảm bớt đội ngũ quản lý cấp trung tại Taobao - Tmall. Quan trọng hơn, việc những cái tên thân cận như Joseph Tsai, Eddie Wu và cả Daniel Zhang tiếp tục giữ những vị trí quan trọng tại tập đoàn và các đơn vị con, là minh chứng rõ ràng việc sức ảnh hưởng không nhỏ của vị tỷ phú này tới tập đoàn công nghệ do ông sáng lập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại