Trung Quốc thế chân Mỹ
Quá khứ của châu Phi là những trạm xe lửa cũ kĩ tại trung tâm Addis Ababa - thủ đô của Ethiopia, nơi những đầu máy xe lửa đã bong tróc lộ cả bên trong và đường ray gỉ sắt ẩn sau những đám cỏ dại. Tuyến đường sắt tốt nhất tại Châu Phi, do Pháp xây dựng những năm 1910, kéo dài hơn 450 dặm từ Tây Bắc xuống gần Djibouti, nơi giao giữa sa mạc và biển.
Tương lai của châu Phi là nhà ga xe lửa mới cách đó không xa, một tòa nhà hai màu vàng trắng với những cột trụ lớn, cửa số hình vòng cung và nền được lát gạch rộng rãi. Tuyến đường sắt mới là dự án tiêu tốn đến 4 tỷ USD, dài 470 dặm và là hệ thống đường sắt xuyên biên giới đầu tiên ở châu Phi.
Tuyến đường mới do các doanh nghiệp xây dựng đường sắt nhà nước Trung Quốc thực hiện, nằm trong kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào châu Phi trong tương lai. Những biểu ngữ màu đỏ treo trên cao trước cửa nhà ga với dòng chữ Trung Quốc in đậm “Quan hệ hợp tác Trung Quốc – Châu Phi muôn năm”.
Zhang Huarong, giám đốc điều hành của Công ty giày Huajian đang kiểm tra dây chuyền sản xuất.
Theo Los Angeles Times (Mỹ), Trung Quốc luôn miêu tả những công trình đường sắt tại châu Phi là đại diện của tinh thần không vụ lợi. Nhưng với Trung Quốc, đầu tư vào Ethiopia – một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới là hành động mang tính chiến lược nhiều hơn là từ thiện.
Trong khi sức ảnh hưởng của Mỹ tại lục địa này đang có dấu hiệu suy giảm cả về kinh tế và chính trị, Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội để cải thiện con đường giao thông qua Vùng sừng Châu Phi (bao gồm các quốc gia Djibouti, Ethiopia, Eritrea và Somalia) và trở thành đối tác kinh tế chi phối lục địa mà dự đoán trong tương lai gần sẽ bùng nổ nguồn lao động giá rẻ, lượng người dùng điện thoại di động và lượng người tiêu dùng tại thành thị.
Trong nhiều thập kỷ qua, đầu tư vào châu Phi của Trung Quốc mục tiêu trước tiên hướng đến các đồng minh về chính trị trên khắp lục địa. Bắc Kinh đầu tư mạnh vào các dự án nhằm chiếm thiện cảm và tư tưởng của người dân như sân vận động bóng đá hay bệnh viện.
Nhưng Trung Quốc đang tiến hành những thay đổi đáng kể. Bây giờ Trung Quốc coi châu Phi như một cơ hội về kinh tế quan trọng. Trung Quốc đầu tư rất nhiều tiền vào cơ sở hạ tầng và thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của mình tại Djibouti.
Theo dự đoán, đến năm 2025, lượng tiêu thụ tại lục địa này có thể sẽ lên đến 2 nghìn tỷ USD/năm. Năm 2034, châu Phi sẽ có khoảng 1.1 tỷ lao động, lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn nhất thế giới.
Mekonnen Getachew, Giám đốc dự án tại Tập đoàn Đường sắt Ethiopia, cũng là người giám sát tuyến đường sắt trên, nói: “Theo tôi, đến năm 2020, Ethiopia sẽ là một trong những nền kinh tế tầm trung thế giới. Tuyến đường sắt sẽ giúp mọi hoạt động kinh tế dễ dàng hơn. Nền kinh tế của chúng tôi sẽ bùng nổ… Tuyến đường sắt này sẽ khiến Ethiopia trở nên thịnh vượng hơn!”.
Những bước tiến của Trung Quốc tại châu Phi bắt đầu khi tác động của Mỹ tại đây giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không đề cập gì đến châu Phi trong các bài phát biểu công khai của ông. Và theo một vài chuyên gia châu Phi, tuyên bố của Trump “Nước Mỹ trên hết” đã đẩy lục địa lại gần hơn với Trung Quốc.
Bên trong nhà máy sản xuất sản tại Ethiopia do người Trung Quốc quản lý
Trong khi các công ty Trung Quốc tìm kiếm các cơ hội kiếm lời tại châu Phi và cũng giúp người dân nơi đây có thêm một số việc làm, đóng thuế cho quốc gia, đầu tư về cơ sở hạ tầng, thì Mỹ tập trung vào cải thiện cuộc sống cho người châu Phi thông qua viện trợ, các chương trình xã hội và các khoản vay ưu đãi.
Các quốc gia phương Tây thường lo ngại khi đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng châu Phi những chi phí duy trì bảo dưỡng trội lên. Trong nhiều trường hợp, họ có thể đơn giản là xây những dự án mới rẻ hơn.
Reuben Brigety, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Phi, nói: “Người Mỹ vẫn luôn coi châu Phi là nơi mà chính trị bất ổn, chiến tranh và nạn đói. Họ không hiểu rõ những gì về kinh tế và nhân khẩu đang diễn ra tại lục địa này".
Tại Ethiopia, các nhà điều hành đường sắt cho rằng Trung Quốc có vẻ phù hợp với nhu cầu của châu Phi.
Getachew nói: “Trung Quốc không chỉ viện trợ một cách đơn thuần. Họ cho vay. Bạn làm việc rồi trả nợ. Đó là một chính sách tốt. Viện trợ chỉ là biến nước khác thành nô lệ”.
Trong nhiều thập kỷ, quan hệ Trung Quốc – châu Phi gần như là giao dịch toàn diện: Trung Quốc cho các nước châu Phi vay vốn một cách dễ dàng, giúp các nước xây dựng cầu đường và sân vận động; đổi lại, các nước này cho Bắc Kinh tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, gỗ, niken, góp phần tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Nhưng khi chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang dần trở nên phức tạp và nhiều tham vọng hơn, quan hệ hai bên cũng phát triển sâu sắc hơn, không đơn thuần như trước, có những ý nghĩa lớn lao với tương lai của lục địa này.
Vươn dài chân rết tại châu Phi
Các công dân Trung Quốc tại châu Phi – từng là quan chức, điều hành khai thác mỏ hay xây dựng – đang cùng nhau tập hợp lại cùng với khách du lịch, lực lượng giữ gìn hòa bình, quân nhân và các doanh nhân, tạo nên một lực lượng có quyền lực chính trị và giàu có cho Bắc Kinh, giúp thay đổi cách nhìn về Trung Quốc như một cường quốc mới của thế giới.
Với Ethiopia, đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc là yếu tố thiết yếu trong kế hoạch vực dậy lại đất nước sau một chu kỳ dài ngập trong hạn hán, nghèo khổ, nạn đói và chiến tranh. Tuyến đường sắt mới chỉ là sự khởi đầu.
Công nhân Ethiopia làm việc 13 giờ mỗi ngày trong nhà máy đóng giày của người Trung Quốc. Ảnh: Noah Fowler / For The Times
Các quan chức Ethiopia cho biết tuyến đường sắt sẽ phát triển thành một mạng lưới đường sắt dài 3000 dặm nối với các nước láng giềng Sudan, Nam Sudan, và Kenya – nơi mà Trung Quốc vừa hoàn thành một tuyến đường sắt chi phí 3.8 tỷ USD.
Tuyến xe lửa Ethiopia-Djibouti với những toa tàu gần như là bản copy của tàu hỏa ở Trung Quốc thời kỳ trước khi chính phủ Trung Quốc cho thay thế chúng bằng những tuyến xe lửa cao tốc cách đây một thập kỷ. Chúng cũng có những chiếc ghế ngồi thẳng, bình đun nước nóng như trong những chiếc xe hơi để pha trà và ăn mì gói.
90% kim ngạch thương mại của Ethiopia phụ thuộc vào các cảng tại Djibouti. Nhưng từ khi tuyến đường sắt cũ đổ sập năm 2009 sau nhiều thập kỷ xuống cấp, hàng tỷ USD hàng nhập khẩu và xuất khẩu của quốc gia không giáp biển này, gồm dầu mỏ, cà phê, gia súc gia cầm, phải vận chuyển bằng xe tải suốt hành trình dài 3-4 ngày trên những con đường đầy bụi bẩn.
Tuyến đường sắt mới, được hoàn thành vào tháng Mười, sẽ rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn 12 tiếng.
Yehualaeshet Jemere, quan chức cấp cao của Tập đoàn Đường sắt Ethiopia nói: “Những toa tàu rất mới, hiện đại và thoải mái. Bạn có thể thưởng thức quang cảnh dọc theo hành lang. Với chúng tôi, nó giống như giấc mơ đã thành sự thật vậy”.
Tại Addis Ababa, thủ đô Ethiophia, Trung Quốc đang hướng tới sự phục hưng đô thị. Trung Quốc xây dựng hệ thống tàu điện 475 triệu USD tại đây và thậm chí là xây dựng cả trụ sở của Liên minh châu Phi, một khu phức hợp với số vốn 200 triệu USD. Tại những vùng sâu vùng xa, một vài khu công nghiệp cũng mọc lên, chuẩn bị cho sự bùng nổ ngành sản xuất công nghiệp.
Căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của Bắc Kinh được đặt gần trạm cuối tuyến đường sắt tại Djibouti. Khu phức hợp rộng 90 mẫu Anh (khoảng gần 370.000m2) bao gồm nhà ở cho binh lính và bến đỗ cho các tàu thương mại và quân sự.
Nhưng tầm nhìn của Bắc Kinh không chỉ là Djibouti và Ethiopia. Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi năm 2009 và các chỉ số vẫn tiếp tục tăng.
Trung Quốc có thể đạt được rất nhiều từ sự đầu tư này. Các doanh nghiệp Trung Quốc - bị chững lại vì sự tăng trưởng kinh tế chậm lại ở trong nước - đang ngày càng quan tâm đến châu Phi như một thị trường quan trọng bên ngoài.
Tại Bắc Kinh, mục đích chính trị với những dự án như trên đang được đẩy lên hàng đầu. Thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường được nhà lãnh đạo Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013, Trung Quốc đã đầu tư 1 nghìn tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng và thương mại tại châu Á, Trung Đông và châu Phi. Tháng 12/2015, ông Tập đã gặp các lãnh đạo châu Phi tại Johannesburg, Nam Phi, và cam kết tài trợ 60 tỷ USD cho các dự án phát triển của lục địa trong ba năm tới.
Ông Tập nói trong bài phát biểu: “Châu Phi ngày hôm nay là một lục địa của sự phát triển đầy hứa hẹn và năng động. Động lực phát triển tại đây là không thể ngăn cản”.
Tại khu công nghiệp do người Trung Quốc xây dựng dọc theo tuyến đường sắt mới, trong một nhà máy của Trung Quốc, hàng ngàn công nhân của Công ty Giày Huajian – tất cả đều là người Ethiopia – làm việc 13 tiếng một ngày, đang kiểm tra và đóng gói giày nữ. Bên trên là những tấm biểu ngữ tuyên truyền bằng tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Amharic (ngôn ngữ chính của Ethiopia), nhắc nhở các công nhân “mang lại vinh quang cho quốc gia” và “tuyệt đối trung thành”.
Dân làng Lugo bức xúc vì tiến độ xây dựng chậm chạp của các nhà đầu tư Trung Quốc
Zhang Huarong, giám đốc điều hành của công ty, đi dọc theo những hàng công nhân để giám sát, phía sau là đoàn nhân viên đi theo ông. Ông này nói: “Châu Phi quá nghèo. Họ cần những doanh nghiệp như chúng tôi để cân bằng với nền kinh tế toàn cầu, để nhiều người có cuộc sống hạnh phúc hơn”.
Zhang rất tự hào về sự đầu tư vào Ethiopia của mình. Ông ta cũng cho biết, tuyến đường sắt mới đã giúp chi phí vận chuyển hàng hóa giảm từ 5000 USD/container xuống còn 3000 USD/container. Và với chi phí để thuê một nhân công người Trung Quốc, ông có thể thuê 5 người Ethiopia. Ông dự định sẽ thuê 50.000 nhân công trong vòng 8 năm.
Ông nói: “Ethiopia giống với Trung Quốc cách đây 40 năm. Mặc dù bây giờ vẫn còn rất khó khăn, nhưng chúng tôi nghĩ trong 5-10 năm nữa, nền kinh tế ở đây sẽ trở nên tốt đẹp”.
Khi mặt trời lặn, khoảng chục nhân viên Ethiopia xếp hàng theo đội hình, kết thúc một ngày làm việc. Một quản lý người Ethiopia giơ tay như đang chỉ đạo dàn hợp xướng, và tất cả họ cùng nhau hát bài hát quân đội Trung Quốc từ những năm 1950.
Họ hát bằng tiếng Trung: “Đoàn kết là sức mạnh. Chống lại phát xít. Loại bỏ các hệ thống phi dân chủ”.
Adama, một thành phố với 300.000 dân, nằm cách Addis Ababa 60 dặm đang chuẩn bị cho sự bùng nổ kinh tế, nhưng không phải ai cũng coi đó là một bước phát triển tiến bộ.
Những chiếc xe kéo nhỏ màu xanh chen chúc trên đường với những xe tải Trung Quốc, các dãy nhà bê tông đang xây dang dở với gạch vữa ngổn ngang. Cuối con đường chưa hoàn thiện là nhà ga xe lửa mới của thành phố - tòa nhà lớn phủ đầy bụi bên trong.
Shambel Worku, quản lý nhà ga, cho biết, từ khi nhà ga bắt đầu xây dựng 6 năm trước, giá đất tại Adama đã tăng gấp 7 lần.
Tuy nhiên tiến độ thi công chậm, người dân địa phương gặp nhiều khó khăn, lật tẩy những bất ổn đằng sau sự phát triển kinh tế nhanh. Cuối tháng 1 vừa qua, tuyến đường vẫn còn là một đống hỗn độn. Những người bảo vệ an ninh và trông coi máy móc ở nhà ga phải chịu cảnh thiếu nước, khiến họ phải đi bộ mấy tiếng đồng hồ để lấy nước.
Những nông dân tại làng Lugo, gần khu vực nhà ga, nói rằng dự án đường sắt làm cuộc sống của họ trở nên khó khăn, một phần vì những người dân địa phương không thể đi qua khu vực xây dựng, mà phải đi đường vòng.
Tashoma Kafani, 72 tuổi, nói: “Công trình đường sắt đã chia đôi ngôi làng”. Trước khi khởi công, anh có thể đi bộ đến cánh đồng lúa mạch chỉ trong hai tiếng đồng hồ, còn bây giờ cần 5 tiếng.
Ông nói: “Chúng tôi đã trao đổi với chính quyền địa phương nhiều lần. Chúng tôi trình bày những vấn đề của mình và đề nghị có một cây cầu. Nhưng cho đến nay, nguyện vọng đó không được đáp ứng”.
Đối với những nhà quy hoạch thiết kế dự án người Trung Quốc, Kafani thậm chí còn không biết nên làm như thế nào để giao tiếp với họ.
Tuyến đường sắt từ Ethiopia Djibouti kết thúc tại thủ đô Djibouti- nơi mà Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự mới – một kế hoạch chưa từng có trước đây nhằm mở rộng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Căn cứ quân sự của Trung Quốc đặt rất gần trại Lemonnier, căn cứ quân sự của Mỹ tại châu Phi. Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản cũng duy trì các căn cứ tại Djibouti. Từ năm 1999 khi Tổng thống Ismail Omar Guelleh lên nắm quyền, Djibouti là điểm nóng về khủng bố tại châu Phi và Trung Đông.
Những quan chức Trung Quốc gọi căn cứ này là “trung tâm hậu cần”, chủ yếu nhằm hỗ trợ những chiến dịch chống cướp biển trong vịnh Aden – tuyến giao thông quan trọng – và bảo vệ những lợi ích thương mại.
Thủ đô Djibouti. Ảnh: Noah Fowler / For The Times
Xu Guangyu, một Thiếu tướng về hưu trong quân đội Trung Quốc tại Bắc Kinh nói: “Mọi người rất nhạy cảm về căn cứ Djibouti, và tôi nghĩ điều đó là không công bằng", ông này cho rằng Mỹ cũng có hàng trăm căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Peter Dutton, Giáo sư Nghiên cứu chiến lược tại Trường Naval War ở Đảo Rhode, nói rằng căn cứ quân sự mới của Trung Quốc thể hiện sự thúc đẩy về kinh tế hơn là những tham vọng về chính trị. Ông nói: “Cái mà chúng ta đang nói là về địa kinh tế, chứ không phải địa chiến lược”.
Ngoài ra, Trung Quốc “đang bắt đầu từ những cơ sở đã củng cố cho chính sách đối ngoại của đất nước này suốt 60 năm. Họ đang bắt đầu hành động như một cường quốc nắm giữ vai trò về an ninh và chính trị thế giới. Và đây là một thay đổi đáng kể với Trung Quốc”.
Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD cả dưới hình thức cho vay và đầu tư cho chính quyền Djibouti, xây dựng những cảng mới, hai sân bay và đường ống dẫn nước sạch từ Ethiopia. Trung Quốc cũng đang dự định đầu tư xây dựng hàng loạt nhà máy điện và khu sản xuất miễn thuế. Gần một phần tư dân số Djibouti sống dưới mức nghèo, tỷ lệ thất nghiệp năm 2014 là 60% và người dân cho biết đất nước đang rất cần sự giúp đỡ.
Djibouti khánh thành tuyến đường sắt vào tháng 1 bằng một buổi lễ lớn long trọng có sự xuất hiện của nhiều người nổi tiếng Djibouti và lãnh đạo các nước châu Phi. Đến đầu tháng 2, tuyến đường sắt vẫn chưa hoạt động và không khí của buổi lễ đã dần lắng xuống, nhưng dân địa phương vẫn cảm thấy lạc quan.
Ở trạm ga áp chót chặng cuối, Degan Mohamed – 31 tuổi đang đứng một mình cùng 5 người bảo vệ, quét dọn sạch bụi bẩn. Cô được thuê làm người trông coi nhà ga từ tháng 10 năm ngoái, và đây cũng là công việc đầu tiên của cô.
Cô nói: “Tôi không có sự lựa chọn khác. Tôi đang kiếm được tiền, nên rất vui vẻ”.