Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới thăm Nga vào mùa Hè năm ngoái, Mặt Trời tỏa ánh nắng chan hòa trong lúc ông chia sẽ những que kem mát lạnh với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Hai người còn cùng nhau chiêm ngưỡng những máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Nga trong bầu không khí thắm tình hữu nghị.
Năm nay thì ngược lại, mây đen đã kéo đến bao phủ trước thềm cuộc gặp giữa ông Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin khi họ cùng nhau họp bàn ở Moscow để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Idlib, Syria.
Các cuộc giao tranh ác liệt vẫn diễn ra ở vùng Tây Bắc Syria giữa một bên là lực lượng phiến quân nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và một bên là Quân đội Chính phủ Syria được Nga bảo trợ. Ankara và Moscow ủng hộ các bên đối lập nhau ở Syria và tỏ ra cương quyết với lập trường của mình.
Hai bên đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn sau cuộc hội đàm kéo dài 6 tiếng đồng hồ ở Moscow hôm thứ Năm vừa qua (5/3) nhưng thực chất ông Erdogan chưa thể xoay chuyển được ý chí của nhà lãnh đạo Nga trong quyết tâm ủng hộ Chính phủ Syria tái chiếm thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy ở Idlib.
Với Tổng thống Putin, chiến thắng ở Syria không chỉ mang ý nghĩa chính trị mà nó còn là dấu ấn cá nhân. Ảnh: AFP
Theo một số nhà quan sát, với ông Putin thì chiến thắng ở Syria không chỉ mang ý nghĩa chính trị mà nó còn là dấu ấn cá nhân.
"Quá trình ông Putin nổi lên như một chiến lược gia bậc thầy gắn bó chặt với những diễn biến ở Syria", Yury Barmin, nhà phân tích Trung Đông thuộc Hội đồng các Vấn đề Quốc tế của Nga bình luận.
"Chiến thắng ở Syria đã trở thành vấn đề danh dự không chỉ đối với Nga mà còn đối với cả cá nhân Tổng thống Putin", chuyên gia Barmin nhấn mạnh.
Nga bắt đầu can dự vào cuộc xung đột ở Syria năm 2015 theo đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad. Các chiến dịch không kích của Quân đội Nga sau đó đã làm xoay chuyển cục diện trên chiến trường, mang lại lợi thế cho chính quyền Damascus.
Sự can thiệp kịp thời của Nga đã giúp Tổng thống Bashar al-Assad lấy lại phần lớn diện tích lãnh thổ mà trước đây đã để rơi vào tay các phần tử khủng bố cực đoan và những nhóm đối lập do phương Tây hậu thuẫn.
Là một điệp viên KGB kỳ cựu, người từng miêu tả sự sụp đổ của Liên Xô là một thảm họa to lớn, ông Putin đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội để khôi phục lịch sử chiến đấu vẻ vang của Quân đội Nga đồng thời gửi đi một thông điệp thách thức phương Tây.
Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động ở Syria. Ảnh:AFP
Moscow đã đầu tư xây dựng hai căn cứ trên bờ biển Syria - căn cứ hải quân ở Tartus và căn cứ không quân ở Hmeimim để cho các tàu chiến và máy bay Nga có thể khuếch trương sức mạnh ra khắp Địa Trung Hải.
Nhà phân tích quân sự Nga Pavel Felgenhauer cho rằng, "Moscow không chỉ quan tâm tới bản thân đất nước Syria mà điều quan trọng hơn là phải đảm bảo ông Assad vẫn nắm giữ quyền lực để chắc chắn Nga được sử dụng những căn cứ này".
Ngoài việc giữ được vị trí và khả năng ảnh hưởng ở Địa Trung Hải, cuộc xung đột Syria còn giúp Moscow huấn luyện và rèn giũa quân đội với hàng nghìn binh lính Nga đã được luân chuyển trải nghiệm thực tiễn trên chiến trường cùng hàng trăm loại vũ khí mới được thử nghiệm tại đây.
Bình luận về kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Recep Erdogan với ông Vladimir Putin hôm 5/3 vừa qua, giới quan sát cho rằng có thể nhà lãnh đạo Nga đã vui vẻ nhượng bộ một số yêu cầu nào đó với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thực tế, hai bên đều muốn tránh xảy ra các cuộc đụng độ trực tiếp làm ảnh hưởng tiêu cực tới các mối quan hệ thương mại và quốc phòng giữa hai nước.
"Tổng thống Putin hiểu rất rõ những lợi thế quân sự và chính trị của mình nếu đặt lên bàn cân với ông Erdogan nhưng sẽ tìm ra cách xử lý để giữ thể diện cho nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ", chuyên gia Trenin bình luận.
"Ông Putin chắc chắn đã tìm cách thỏa hiệp với Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Syria nhưng đó phải là một thỏa thuận được hoạch định theo các điều kiện do Nga đặt ra".