Lầu Năm Góc đã thông qua bản cập nhật chiến lược Bắc Cực, sau đó, phần không mật của tài liệu có tên là Giành lại sự thống trị ở Bắc Cực đã được công bố, xác định các mối đe dọa và thách thức chính tại thời điểm hiện nay, cũng như liệt kê các nhiệm vụ và kế hoạch cho tương lai gần.
Các tác giả của chiến lược này lưu ý rằng, Bắc Cực vẫn là đối tượng thu hút sự quan tâm của một số quốc gia và một số quốc gia khác nằm cách khu vực này một khoảng cách nhất định. Mối quan tâm đó liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, tiềm lực hậu cần, các khía cạnh quân sự-chính trị, v.v.
Các đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ ở khu vực Bắc Cực là Nga và Trung Quốc. Moscow có quyền tiếp cận trực tiếp tới Bắc Cực và coi đây là khu vực chiến lược quan trọng vì các lý do kinh tế, quân sự và chính trị.
Đối với Trung Quốc, mối quan tâm chính là vận chuyển hàng hóa dọc theo các tuyến đường ở Bắc Cực, mặc dù các đặc điểm khác của khu vực sẽ không bị bỏ qua.
Trong bối cảnh đó, Mỹ có kế hoạch duy trì và bảo vệ các vị trí lãnh đạo của mình trong khu vực nhờ sức mạnh quân sự, trong khi việc phân nhóm hiện có ở Bắc Cực vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với các nhiệm vụ hiện tại và kế hoạch phát triển đã đề xuất, hiệu quả không cao, khả năng tác chiến bị hạn chế nghiêm trọng.
Theo truyền thống, trọng tâm ở Bắc Cực là các vấn đề phòng không và phòng chống tên lửa; các lực lượng khác có vai trò thấp hơn. Như vậy, lực lượng mặt đất chỉ có ba căn cứ gần Vòng Bắc Cực, tất cả đều đóng ở Alaska.
Tổng số nhân sự dưới 12 nghìn người. 2 nghìn người khác phục vụ trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia, và con số dự bị cũng tương đương; lực lượng Không quân và Hải quân chủ yếu tham gia các cuộc tuần tra.
Các biện pháp đề xuất
Chiến lược Giành lại sự thống trị (“Regaining Arctic Dominance”) ở Bắc Cực đề xuất phát triển và cải thiện cơ cấu tổ chức và nhân sự ở Bắc Cực, bao gồm việc thành lập các đơn vị mới. Cũng cần phải tăng quy mô của các nhóm quân và củng cố chúng với sự trợ giúp của các lực lượng và phương tiện nhất định.
Đặc biệt cần chú ý đến việc chuẩn bị quân đội để hoạt động trong môi trường khí hậu khắc nghiệt. Ý tưởng chính của chiến lược là tạo ra một "đơn vị đa binh chủng" Lực lượng đặc nhiệm đa miền (Multidomain Task Force - MDTF), có thành phần tương tự như một sư đoàn sẽ được triển khai ở Alaska.