Theo những thông tin được công khai, Hải quân Israel sẽ nâng cấp với toàn bộ 8 chiến hạm lớp Sa'ar 4.5 trong khoảng thời gian dự kiến từ 2 - 3 năm. Mục đích chính của quá trình nâng cấp là trang bị cho chúng hệ thống phòng không trêm hạm Barak 8 cùng hệ thống radar Elta EL/M-2248 MF-STAR.
Quá trình nâng cấp hệ thống tên lửa phòng không trên hạm Barak 8 trên các tàu hộ vệ Sa'ar 4.5 (có lượng giãn nước không tải khoảng 500 tấn) dự kiến sẽ được tiến hành ngay sau khi các tàu hộ vệ Sa'ar 5 của Hải quân Israel hoàn tất việc trang bị hệ thống tên lửa phòng không trên hạm này.
Chiến hạm lớp Sa'ar 4.5
Việc các tàu lớp Sa'ar 4.5 được tích hợp hệ thống phòng không trên hạm Barak 8 được xem là một trong những giải pháp của Israel nhằm đối phó với "sát thủ diệt hạm" siêu thanh P-800 Yakhont có trong biên chế của Hải quân Syria.
Loại tên lửa đối hạm trên được đánh giá là một trong những vũ khí chống tàu mặt nước đáng sợ nhất thế giới với tốc độ hành trình siêu âm, tầm bắn cực xa, quỹ đạo bay hỗn hợp.
Barak 8 do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) hợp tác phát triển. Tên lửa được phát triển dựa trên nền tảng loại tầm ngắn Barak 1 và dự kiến trang bị đầu tự dẫn mạnh hơn, tầm bắn xa hơn với khả năng tác chiến tương đương tên lửa tầm trung RIM-162 ESSM và SM-2 của Mỹ.
IAI miêu tả Barak 8 là “hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tiến tiến” với đặc điểm chính gồm: tầm bắn xa; trang bị đầu tự dẫn radar chủ động; phóng thẳng đứng; tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng lúc. Barak 8 được thiết kế để đối phó với nhiều mối nguy hiểm trên không như tên lửa hành trình chống tàu, máy bay có người lái và không người lái.
Đạn tên lửa Barak 8 dài 4,5 m, đường kính thân 0,54 m, sải cánh 0,94 m, trọng lượng 275 kg với đầu nổ 60 kg. Đạn được trang bị 2 tầng động cơ đẩy không khói, cho phép đạt tầm bắn tối đa 70 km, độ cao diệt mục tiêu 16 km, tốc độ hành trình Mach 2, giúp đánh chặn mục tiêu cơ động cao. Đạn tên lửa có thể tăng tầm bắn nếu lắp thêm động cơ đẩy phụ trợ.
Về phương thức dẫn đường, sau khi phóng tên lửa liên tục cập nhật thông tin dữ liệu mục tiêu từ tàu mẹ qua kênh liên kết để hiệu chỉnh đường bay, ở pha cuối tên lửa sử dụng đầu tự dẫn radar chủ động để tự “tìm - diệt” mục tiêu mà không cần sự can thiệp từ tàu phóng.
Khi kết hợp với hệ thống radar bám bắt và điều khiển hỏa lực đa năng của hệ thống radar mạng pha MF-STAR, Barak 8 có khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu cùng lúc trước một cuộc tấn công dồn dập. Thậm chí, hệ thống radar này có thể bao quát khu vực 360 độ và cho phép đánh chặn tên lửa địch ở cự ly cách 500 m tính từ tàu.
Vì vậy, xét trên lý thuyết thì hệ thống Barak 8 hoàn toàn có đủ khả năng để đối phó với P-800 Yakhont - tên lửa chống hạm hàng đầu thế giới hiện nay. Tuy nhiên, nhiệm vụ này của Barak 8 chưa bao giờ là dễ dàng. Và đây có thể chính là lý do tại sao Israel phải không kích một kho vũ khí của Syria tại Safira hồi giữa năm 2013.
Vụ tấn công này đã phá hủy khoảng 50 tên lửa chống hạm P-800 Yakhont do Nga sản xuất, vốn đã được Moscow vận chuyển cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad hồi đầu năm 2013.
Theo truyền thông Syria, vụ việc này cho thấy phần nào sự “bất lực” của Israel trong việc tìm cách đối phó với “sát thủ” P-800 Yakhont của hải quân nước này.