Chiến hạm Mỹ áp sát đá Chữ Thập, Vành Khăn, Trung Quốc bất ngờ "la làng" là bị bắt nạt

Hải Võ |

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer của Mỹ ngày 28/8 đã di chuyển vào phạm vi 12 hải lý của đá Chữ Thập và đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Phát ngôn viên Hạm đội 7 hải quân Mỹ bà Reann Mommsen cho biết đây là chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) nhằm "thách thức những yêu sách hàng hải quá quắt và bảo vệ quyền tiếp cận với các vùng nước theo quy định của luật pháp quốc tế".

"Mỹ sẽ lưu thông hàng không, hàng hải và vận hành ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép," bà Mommsen nói, bổ sung rằng các chiến dịch FONOP "không nhằm vào một nước nào, cũng như không phải để đưa ra những tuyên bố về chính trị".

Cho đến nay, Mỹ đã lên án Trung Quốc về hành vi lắp đặt các cơ sở quân sự một cách phi pháp trên đá Chữ Thập và đá Vành Khăn - những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Quan chức quốc phòng Mỹ trả lời CNN, cho biết một tàu quân sự Trung Quốc đã đeo bám tàu USS Wayne E. Meyer trong khi chiến hạm Mỹ di chuyển trong khu vực ngày 28. Người này cho hay tất cả tương tác giữa hai bên đều an toàn và chuyên nghiệp.

Các chiến dịch FONOP trên vùng nước quốc tế ở biển Đông đã được hải quân Mỹ tiến hành thường kỳ. Hồi cuối tháng 5, hai tàu chiến Mỹ cũng di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Theo CNN, Bắc Kinh thường phản ứng với các chiến dịch tương tự của hải quân Mỹ bằng thông cáo của chính phủ đòi hỏi Washington "chấm dứt ngay những hành động khiêu khích xâm phạm chủ quyền và đe dọa an ninh Trung Quốc" - như phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đe dọa sau chiến dịch của Mỹ vào tháng 5.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Chiến khu miền Nam Quân giải phóng nhân dân (PLA) Lý Hoa Mẫn ngày hôm nay (29/8) cáo buộc hoạt động của USS Wayne E. Meyer là "bá quyền hàng hải", "làm tổn hại nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở khu vực biển Đông". 

Bà Lý tuyên bố các lực lượng Trung Quốc đã "bám theo giám sát [tàu Mỹ] trên toàn hành trình và kiểm tra nhận dạng, đồng thời cảnh cáo trục xuất".

Hôm thứ Hai (26/8), Lầu Năm Góc ra thông cáo "bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hành vi tiếp diễn của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vi phạm trật tự quốc tế dựa trên quy tắc", đồng thời chỉ trích Bắc Kinh "tái diễn can thiệp cưỡng ép vào hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở biển Đông".

"Trung Quốc sẽ không có được lòng tin của các láng giềng hay sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế bằng việc duy trì chiến thuật bắt nạt của họ," thông cáo của Bộ quốc phòng Mỹ nói.

Trong khi đó, nhà chức trách Trung Quốc đã từ chối đề nghị mới đây của hải quân Mỹ về việc cho tàu chiến Mỹ cập cảng Thanh Đảo.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 22/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, những ngày qua, tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, được xác lập tại Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu khỏi EEZ của Việt Nam, không có hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hinh, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như khu vực.

Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và của Việt Nam. Với quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp hợp với luật pháp quốc tế, bà Hằng nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại