Hãng thông tấn PNA (Philippines) đưa tin, hai khu trục hạm Đô đốc Tributs và Đô đốc Vinogradov - được trang bị tên lửa và ngư lôi chuyên dùng cho nhiệm vụ săn lùng, tiêu diệt tàu ngầm, cùng tàu chở dầu Đô đốc Irkut, đã cập cảng ở Manila vào sáng hôm nay, 8/4 (giờ địa phương).
Đây là lần thứ hai trong năm nay các tàu Nga ghé thăm Philippines. Hồi tháng 1, ba tàu hải quân Nga cũng cập bến tại thủ đô Philippines để tiến hành chuyến thăm "tăng cường hơn nữa và duy trì việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác hàng hải".
Những chuyến thăm của tàu Nga diễn ra chỉ vài tháng trước khi Nga-Philippines ký kết thỏa thuận hợp tác hải quân, theo dự kiến vào tháng 7, nhằm thúc đẩy thêm các chương trình huấn luyện chung và thăm viếng các cảng biển song phương.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (thứ 4 từ trái) bắt tay chuẩn đô đốc Nga Eduard Mikhailov (3rd L) trên tàu Đô đốc Tributs tại Manila, ngày 6/1/2017 (Ảnh: AFP/Getty Images)
Trong những năm gần đây, Nga còn được ghi nhận đã siết chặt quan hệ với Trung Quốc. Hai nước đã tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự chung và ký nhiều thỏa thuận kinh tế. Moskva và Bắc Kinh đều khẳng định quan hệ song phương đang ở "mức độ tốt nhất trong lịch sử".
Chuyến thăm Philippines của các tàu chiến Nga ngày 8/4 diễn ra giữa bối cảnh đôi bên ngày càng phát triển các mối liên hệ song phương, và tình hình biển Đông thời gian qua xuất hiện một số căng thẳng leo thang.
Chính phủ Philippines cáo buộc hàng trăm tàu thuyền Trung Quốc, bao gồm tàu quân sự, đã xuất hiện xung quanh đảo Thị Tứ - nằm ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện bị Philippines chiếm đóng trái phép.
Các đội tàu của Trung Quốc được ghi nhận xuất hiện gia tăng ở vùng nước gần đảo Thị Tứ từ tháng 12/2018 và tháng 1 năm nay. Trong bài diễn văn hôm thứ Năm tuần trước (4/4), tổng thống Philippines Rodrigo Duterte yêu cầu Bắc Kinh "tránh xa" đảo Thị Tứ, đồng thời đe dọa sử dụng hành động quân sự để phản ứng nếu Trung Quốc có hành động quá khích.
"Hãy làm bằng hữu, nhưng đừng đụng tới đảo Pagasa (cách gọi của Manila đối với đảo Thị Tứ của Việt Nam-ND)," CNN Philippines dẫn lời ông Duterte. "Nếu [Trung Quốc] có hành động ở đó thì sẽ là một câu chuyện khác, tôi sẽ ra lệnh cho các binh sĩ 'Sẵn sàng cho nhiệm vụ cảm tử'."
Trong vài năm qua, Trung Quốc đã tăng cường áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý trên biển Đông bằng cách đẩy mạnh cải tạo và quân sự hóa trái phép trên các thực thể xâm chiếm phi pháp.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila hạ nhiệt sau khi chính quyền ông Duterte theo đuổi quan hệ kinh tế khăng khít hơn với Trung Quốc. Philippines cũng "xoay trục" tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nga, và đưa nước này xa rời dần quan hệ đồng minh mật thiết trước đây với Mỹ.
Đề cập vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Thị Tứ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 14/3 vừa qua khẳng định:
"Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế .
Đồng thời Việt Nam cho rằng trong khi cùng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và để tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các bên liên quan cần tuyệt đối tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), đặc biệt là quy định về việc kiềm chế, không có hành vi gây phức tạp và gia tăng tranh chấp, kể cả không có hành vi chiếm đóng những cấu trúc chưa có người ở tại Biển Đông; hành xử có trách nhiệm và có đóng góp thiết thực, tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực."