Để bày tỏ tình đoàn kết với Anh, nước cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái của ông tại Salisbury, Anh, đến nay 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và một số nước thân phương Tây đã quyết định trục xuất hơn 140 nhà ngoại giao Nga.
Kịch bản Iraq 2003 có trở lại?
Trong mấy năm trở lại đây, quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây trở nên hết sức căng thẳng. Tình hình đối đầu giữa hai phía không còn là chiến tranh lạnh nữa mà là đã lên tới mức một cuộc "chiến tranh băng giá". Nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc đối đầu chính trị hiện nay là màn dạo đầu cho một cuộc đối đầu quân sự giữa phương Tây và Nga.
Thời gian gần đây, mặc dù còn nhiều khó khăn, Liên bang Nga đã vươn lên mạnh mẽ, khôi phục lại vị trí siêu cường của Liên bang Xô viết trước đây. Thông điệp Liên bang mạnh mẽ ngày 1/3/2018 của Tổng thống Vladimir Putin và thắng lợi tuyệt đối của ông trong cuộc bầu cử ngày 18/3 đã đưa ông trở thành ông chủ của điện Kremlin thêm một nhiệm kỳ mới đến năm 2024.
Mỹ và phương Tây hết sức lo ngại về một nước Nga do Putin cầm lái sáu năm nữa, với các tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có sức công phá gấp 2.000 lần quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Hiroshima và có thể bắn đến bất cứ nơi nào trên trái đất mà không có loại vũ khí nào có thể đánh chặn được.
Việc Nga tăng cường sự có mặt quân sự, thiết lập các căn cứ tại Syria Syria và xây dựng các mối quan hệ đồng minh với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác ở Trung Đông đang làm thay đổi bàn cờ chiến lược tại khu vực này. Tại Đông Bắc Á, Nga ngầm ủng hộ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong vấn đề hạt nhân và đang cùng với Trung Quốc đóng vai trò tích cực đưa ra sáng kiến nhằm giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên.
Theo tôi, sự trở lại thế giới của Nga đang thách thức vai trò siêu cường số một của Mỹ, góp phần của Nga vào quá trình làm thay đổi cục diện đơn cực sang đa cực mới là nguyên nhân chính để Mỹ và các nước phương Tây chĩa mũi nhọn chống lại Moscow.
Việc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal bị ám sát chẳng qua chỉ là giọt nước tràn ly và là cái cớ để gây căng thẳng và trừng phạt Nga. Ngoài ra, châm ngòi cho chiến dịch trừng phạt Nga lần này, bà Theresa May còn muốn đánh lạc hướng những mâu thuẫn nội bộ trong chính trường Anh xung quanh quyết định Anh rút khỏi EU (Brexit) và để tranh thủ EU trong các cuộc đàm phán sắp tới, đặc biệt là khoản tiền chừng 86 tỷ đô la mà Anh buộc phải thành toán trước khi rời khỏi Liên minh.
Trong khi các chuyên gia của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) còn đang tiến hành điều tra vụ đầu độc này và chưa đưa ra được kết luận nào, việc bà May đã quả quyết rằng Anh có đầy đủ bằng chứng - nhưng đến nay vẫn không chịu cung cấp cho OPCW và Nga bất cứ thông tin nào -đang làm cho nhiều người nghi ngờ và nhớ lại sự bịa đặt của Mỹ và Anh về việc Iraq sở hữu vũ khí hóa học để tấn công nước này tháng 3/2003.
Chính Washington đã thừa nhận rằng lúc đó đã dựa vào các thông tin sai lệch do London cung cấp. Điều này cho thấy Mỹ và phương Tây không từ bất kỳ thủ đoạn nào để tạo cớ trả thù Nga.
Phương Tây tự chia rẽ và quyết định khôn ngoan của Putin
Sau Anh và Mỹ, một loạt nước châu Âu hùa theo "đánh hội đồng" nước Nga. Đến nay tổng cộng đã có 27 nước quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga, biến đây thành vụ trục xuất các nhân viên ngoại giao lớn nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, Thủ tướng Theresa May đã không tập hợp được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên EU trong vụ này. 11 nước EU từ chối tham gia vào vụ trục xuất các nhà ngoại giao Nga gồm Áo, Bỉ, Bồ Đào Nha, Luxemburg, Hy Lạp, CH Síp, Bulgaria, Malta, Slovenia và Slovakia. 160 quốc gia không thuộc khối phương Tây đang ủng hộ Nga, yêu cầu Anh đưa ra bằng chứng về việc Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal.
Như vậy, quan điểm của EU trong quan hệ với Nga vốn đã không thống nhất thì vụ trục xuất các nhà ngoại giao Nga lại đang chia rẽ châu Âu.
Một bộ phận quyết định trục xuất, một bộ phận khác thì không. Đáng lưu ý, tuy quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga, nhưng không nước nào muốn hủy hoại hoàn toàn quan hệ với Nga. Trong khi quyết định trục xuất hai nhà ngoại giao Nga, Bộ Ngoại giao Đan Mạch lại tuyên bố quyết định này không ảnh hưởng đến việc xem xét dự án đặt đường ống "Dòng chảy phương Bắc-2" cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu qua lãnh hải của mình.
Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga vì vụ ám sát cựu điệp viên Skripal
Quyết định vội vã trục xuất các nhà ngoại giao Nga không chỉ gây chia rẽ các nước châu Âu mà còn trong nội bộ nước Anh và nội bộ trong chính các nước châu Âu.
Ai cũng nghĩ rằng Nga sẽ có các biện pháp đáp trả tương ứng đối với tất cả những nước quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga theo thông lệ quốc tế, nhưng điều đó đã không xảy ra. Mặc dù, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ có các biện pháp trả đũa mạnh mẽ đối với những nước này và trình lên Tổng thống Putin một danh sách các nhà ngoại giao của các nước đề nghị trục xuất khỏi Nga, nhưng đến nay ông Putin mới chỉ quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao của Anh và rút giấy phép hoạt động của Tổng lãnh sự quán của Anh tại Petersburg.
Đây là quyết định khôn ngoan của ông Putin, không áp dụng các biện pháp "ăn miếng trả miềng" mà chỉ tập trung ra đòn với đối thủ chính của mình. Có lẽ ông là một võ sĩ Judo nên ông biết cách ra đòn như thế nào và vào thời điểm nào. Quyết định này đã đưa bà Theresa May vào thế việt vị.
Ngày 29/12/2016, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga do tình nghi Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Putin cũng đã không thèm đáp trả.
Các nước vẫn muốn giữ quan hệ với Nga
Trong quan hệ ngoại giao giữa các nước, khi xảy ra khủng hoảng, tùy mức độ mà các nước có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt khác nhau, từ việc triệu hồi đại sứ, hạ thấp quan hệ, cắt đứt quan hệ ngoại giao, trục xuất Đại sứ, trục xuất nhân viên ngoại giao....Việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga chưa phải là mức cao nhất chứng tỏ các nước vẫn muốn duy trì quan hệ với Nga.
Một số nhà phân tích chính trị cho rằng, việc trục xuất ồ ạt các nhà ngoại giao Nga có thể dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa phương Tây và Nga. Không ai dám loại trừ khả năng này, nhưng tình hình hiện nay, theo tôi không cho phép Mỹ và phương Tây tiến hành một cuộc chiến tranh trực diện với Nga.
Năm 2014, khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga sáp nhập Crimea. Năm 2015, Nga mở chiến dịch quân sự tại Syria giúp chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad. Mặc dù tình hình lúc đó căng thẳng hơn bây giờ rất nhiều nhưng đối đầu quân sự phương Tây-Nga đã không xảy ra.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây chống Nga từ nhiều năm nay đã không đem lại kết quả mong đợi thì các biện pháp trừng phạt ngoại giao này sẽ chỉ làm cho Nga tăng thêm quyết tâm theo đuổi chính sách đối ngoại của mình.
Nước Nga ngày nay không còn là nước Nga những năm 1990 của thế kỷ trước sau khi Liên Xô tan rã. Nước Nga đang khôi phục mạnh mẽ vị thế của mình trên trường quốc tế cần phải được được đóng vai trò xứng đáng trong các vấn đề của thế giới.