Chiến dịch tại Syria phơi bày điểm yếu khiến Nga bẽ bàng

Hải Vy |

Quyết định triển khai tàu chiến tới hỗ trợ chính quyền tổng thống Syria Assad đã vô tình phơi bày điểm yếu của lực lượng không quân hải quân và khả năng tác chiến của tàu sân bay Nga.

Nhiều hạn chế

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), một đội tàu chiến Nga ở Địa Trung Hải đang có màn phô diễn lực lượng công khai để ủng hộ chính phủ Syria. Tuy nhiên, đợt triển khai này đã bộc lộ nhiều hạn chế trong lực lượng chiến đấu thông thường của Moscow.

Đài truyền hình nhà nước Nga đã phát đi cảnh oanh tạc "theo phong cách Top Gun" của các máy bay ném bom cất cánh từ tàu sân bay Admiral Kuznetsov. Giới quan sát nước ngoài được dịp chứng kiến MiG-29, một trong những loại vũ khí xuất khẩu quan trọng nhất của Nga, thể hiện khả năng tác chiến.

Tuy nhiên, theo các quan chức NATO, chiếc tàu sân bay với tuổi đời dài 1/4 thế kỷ không được trang bị hệ thống máy phóng hiện đại như trên tàu sân bay Mỹ, khiến các tiêm kích hạm trên tàu mang được ít nhiên liệu và vũ khí hơn khi cất cánh.

Chiến dịch tại Syria phơi bày điểm yếu khiến Nga bẽ bàng - Ảnh 1.

Tàu sân bay Admiral Kuznetsov của Nga nhả khói đen mù mịt khi đi qua eo biển Anh hồi tháng 10 năm nay.

Bên cạnh đó, các quan chức phương Tây cho biết, tình trạng khan hiếm phi công được đào tạo chuyên nghiệp, có khả năng cất/hạ cánh thành thạo trên tàu sân bay cũng khiến tàu Kuznetsov mang theo được ít phi công hơn.

Moscow đã thiệt hại một chiếc máy bay trong sự cố xảy ra vào tháng này, khi chiếc MiG-29 chuẩn bị hạ cánh xuống tàu Kuznetsov sau chuyến bay huấn luyện.

"Hải quân Nga không có nhiều kinh nghiệm thực chiến trong những năm gần đây" - Eric Wertheim, tác giả tài liệu Guide to Combat Fleets of the World của Viện Hải quân Mỹ nhận định.

Theo WSJ, máy bay Nga đang ném bom vào những lực lượng đối lập với chính phủ tổng thống Syria Bashar al-Assad. Các đợt tấn công nhằm vào thành phố Aleppo đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Washington và nhiều nước phương Tây khác.

Quân đội Nga không đưa ra thông báo nào về việc tàu Kuznetsov sẽ tham gia đợt tấn công vào Aleppo nhưng các quan chức cấp cao NATO cho rằng đó là mục đích chính trong đợt triển khai lần này của Moscow.

Hiện Nga còn có nhiều máy bay đóng tại căn cứ không quân trên bộ ở Syria.

Các quan chức phương Tây xem đợt triển khai của tàu Kuznetsov, cùng với tuyên bố gần đây của Nga về việc triển khai thường trực các tên lửa đạn đạo Iskander tại Kaliningrad là một phần trong chiến lược song hành của Tổng thống Vladimir Putin, nhất là từ khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Một quan chức phương Tây cho rằng, điều này nhằm đề phòng trường hợp chính quyền của ông Trump duy trì lập trường của phương Tây đối với những hành vi "sai trái" của Nga.

Sau khi vào Địa Trung Hải, đội tàu Nga do tàu sân bay Kuznetsov dẫn đầu đã đi về phía đông và thả neo ngoài khơi đảo Crete hồi đầu tháng 11. Các hình ảnh vệ tinh do DigitalGlobe cung cấp cho thấy đội tàu của Nga đã thả neo tại đó vào ngày 5/11.

Chiến dịch tại Syria phơi bày điểm yếu khiến Nga bẽ bàng - Ảnh 2.

Tàu sân bay Admiral Kuznetsov là tàu sân bay duy nhất của Nga hiện nay. Con tàu không được trang bị máy phóng.

Chiến dịch tại Syria phơi bày điểm yếu khiến Nga bẽ bàng - Ảnh 3.

Tuần dương hạm Peter Đại đế là kỳ hạm của Hạm đội phương Bắc. Con tàu được đưa vào biên chế từ năm 1998.

Chiến dịch tại Syria phơi bày điểm yếu khiến Nga bẽ bàng - Ảnh 4.

Tàu khu trục săn ngầm lớp Udaloy I.

Chiến dịch tại Syria phơi bày điểm yếu khiến Nga bẽ bàng - Ảnh 5.

Tàu tiếp dầu Sergey Osipov.

"Nga đang bắt chước Hải quân Mỹ"

Theo WSJ, ở nhiều khía cạnh, Nga đang "bắt chước" Hải quân Mỹ, dù với quy mô nhỏ hơn nhiều.

Các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ có lẽ là biểu tượng mạnh mẽ nhất cho khả năng triển khai sức mạnh của Washington. Mỹ hiện duy trì 10 tàu sân bay hạt nhân, cho phép chính phủ nước này điều động nhiều nhóm tác chiến tới bất cứ khu vực nào trên thế giới.

Giới chuyên gia hải quân và các quan chức quân sự phương Tây cho rằng kinh nghiệm tác chiến viễn chinh của Nga vẫn còn hạn chế.

Moscow đã hủy bỏ đề nghị tiếp nhiên liệu tại cảng Ceuta, Tây Ban Nha khi đội tàu của họ đang hành trình tới Syria. Điều đó có nghĩa Hải quân Nga sẽ phải điều động tàu hậu cần để tới tiếp tế cho những con tàu này.

Cùng thời điểm đó, Nga đã thử nghiệm khả năng phóng và thu hồi máy bay từ boong tàu Kuznetsov trong điều kiện tác chiến thực tế. Đây là kỹ năng mà phi công rất khó để làm chủ, nhất là trong điều kiện đêm tối hoặc biển động.

Điều này mang lại những lợi ích nhất định cho Moscow. "Hải quân Nga có dịp biểu dương quốc kỳ và thu hút sự chú ý", Norman Polmar, một chuyên gia phân tích hải quân nhận định, "việc triển khai tàu Kuznetsov đã giúp họ gia tăng thanh thế".

Tuy nhiên, ông Polmar cho rằng Nga vẫn còn nhiều hạn chế nếu so với Hải quân Mỹ về lực lượng không quân hải quân và các hoạt động từ tàu sân bay.

Các phi công trên tàu của Nga sẽ phải rất khó khăn để duy trì kỹ năng tác chiến khi tàu Kuznetsov được đưa vào đại tu và tân trang sau chiến dịch ở Syria.

NATO đang theo dõi chặt chẽ đội tàu của Nga thông qua các tàu chiến mặt nước của Na Uy, Anh, Tây Ban Nha và tàu ngầm của Hà Lan.

Một quan chức Anh cho biết, tàu khu trục và khinh hạm của nước này đi theo đội tàu Nga đã luôn giữ khoảng cách đủ gần để ngăn tàu sân bay Nga tiến hành một số hoạt động huấn luyện mà họ muốn giữ bí mật với NATO.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại