"Quốc gia ma túy"
Theo BBC, cây thuốc phiện gắn liền với cuộc chiến tại Afghanistan-hiện là cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hằng năm, sản xuất heroin từ cây thuốc phiện đem lại 200 triệu USD cho lực lượng Taliban.
Đây cũng là nguồn thu dồi dào cho các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Al-Qaeda. Heroin chính là nguyên nhân của nạn tham nhũng tràn lan, làm xói mòn xã hội Afghanistan.
BBC cho biết, theo luật, trồng cây thuốc phiện ở Afghanistan phải đối mặt với án tử hình. Thế nhưng trên thực tế, cảnh tượng những cánh đồng thuốc phiện nằm ngay bên cạnh quốc lộ không phải là hiếm ở Afghanistan.
Khi Mỹ đưa quân đến Afghanistan vào tháng 10-2001, diện tích trồng thuốc phiện tại đây là khoảng 74.000ha. Chỉ trong vòng 15 năm, con số này đã tăng gấp hơn 4 lần lên 328.000ha. Afghanistan hiện là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới.
Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan John Sopko đã gọi Afghanistan là "quốc gia ma túy". Ông John Sopko cho biết, cây thuốc phiện đem lại 1/3 GDP, là nguồn thu tiền mặt lớn nhất của Afghanistan và tạo gần 600.000 "công ăn việc làm" cho người dân nước này.
Theo quân đội Mỹ, 90% lượng heroin trên thế giới được sản xuất từ cây thuốc phiện trồng tại Afghanistan. Heroin của Afghanistan chiếm 95% thị trường châu Âu, 90% thị trường Canada và chỉ 1% thị trường Mỹ.
"Tuy nhiên, như với bất kỳ mặt hàng nào, nếu nguồn cung trên thị trường tăng, giá cả sẽ giảm. Cơ quan phòng, chống ma túy Mỹ ngày càng lo ngại rằng, việc gia tăng sản xuất heroin ở Afghanistan sẽ làm tăng nguồn cung trên thế giới và đẩy giá hạ xuống, khiến người Mỹ càng dễ tiếp cận hơn", BBC viết.
Lính Mỹ đi tuần tra ngang qua một khu vực trồng cây thuốc phiện ở tỉnh Helmand, miền Nam Afghanistan. Ảnh: AP.
Theo BBC, tháng 11-2017, Mỹ bắt đầu triển khai chiến dịch mang mật danh Iron Tempest. Quân đội Mỹ đã điều máy bay ném bom chiến lược B-52, chiến đấu cơ tàng hình F-22 tham gia Iron Tempest.
"Mục tiêu của Iron Tempest rất đơn giản. Chúng tôi nhắm vào yếu điểm của Taliban, đó là nguồn thu tài chính", BBC dẫn lời tướng John Nicholson, chỉ huy quân đội Mỹ tại Afghanistan giải thích trong cuộc họp báo một ngày sau đợt không kích đầu tiên mở màn chiến dịch.
Khoảng 60% nguồn thu tài chính của Taliban là nhờ buôn lậu ma túy nên quân đội Mỹ kỳ vọng việc tấn công vào các mạng lưới buôn lậu ma túy hoạt động trên khắp Afghanistan sẽ làm giảm doanh thu của lực lượng này, cũng như giảm nguồn cung heroin trên toàn thế giới.Hành động quân sự
Chỉ vài tháng sau đó, bài toán chi phí của Iron Tempest đã khiến giới chức quân đội Mỹ không khỏi lo lắng. F-22 là chiến đấu cơ tàng hình hiện đại hàng đầu thế giới. Mỗi chiếc F-22 trị giá 140 triệu USD và 1 giờ bay của chiến đấu cơ này cũng tốn ít nhất 35.000USD.
"Chúng ta không nên sử dụng F-22 để phá hủy một nhà máy sản xuất ma túy ở Afghanistan", BBC dẫn lời Bộ trưởng Không quân Mỹ Heather Wilson. Đến ngày 2-9-2018, tướng John Nicholson bị thay thế bởi tướng Austin Scott Millar và chiến dịch Iron Tempest cũng kết thúc.
Sau chiến dịch Iron Tempest, báo cáo của quân đội Mỹ khẳng định "việc sản xuất ma túy ở Afghanistan vẫn ở mức cao". Theo kết quả khảo sát mới nhất của Liên hợp quốc, diện tích trồng cây thuốc phiện tại Afghanistan trong năm 2018 là 263.000ha-giảm 20% so với năm 2017.
Tuy nhiên, con số giảm 20% này lại không phải nhờ chiến dịch Iron Tempest mà do nạn hạn hán nghiêm trọng ở miền Bắc Afghanistan và giá heroin trên thị trường giảm sau vụ mùa bội thu vào năm 2017.
Quân đội Mỹ đã cho công bố 23 đoạn video về các cuộc không kích trong chiến dịch Iron Tempest nhằm vào các "phòng thí nghiệm" heroin.
Theo Tiến sĩ David Mansfield thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (Anh), chỉ cần nhìn vào những đoạn video là biết được phần lớn các "phòng thí nghiệm" này không hoạt động tại thời điểm bị quân đội Mỹ không kích.
Trong một nghiên cứu mới đây, Tiến sĩ David Mansfield-người đã nghiên cứu ngành công nghiệp thuốc phiện Afghanistan trong hơn hai thập niên cho biết, sản xuất heroin ở Afghanistan không phải là một quy trình công nghiệp.
Theo ông, cái gọi là "phòng thí nghiệm" heroin ở Afghanistan thực chất chỉ là những xưởng sản xuất tạm thời có thể được dựng lên trong vòng vài ngày bằng số tiền nhiều lắm là 10.000-20.000USD.
"Không có nhiều các kho chứa heroin, các chất hóa học và trang thiết bị để sản xuất heroin tại những xưởng sản xuất tạm thời này. Do đó, giá trị của các mục tiêu trong chiến dịch Iron Tempest chẳng đáng là mấy. Không quân Mỹ đã sử dụng các chiến đấu cơ của thế kỷ 21 để ném bom những túp lều bùn", BBC dẫn lời Tiến sĩ David Mansfield.
Ngoài con số 1.000 tỷ USD đổ vào cuộc chiến tại Afghanistan, tính từ năm 2001, Mỹ đã chi gần 9 tỷ USD cho cuộc chiến chống ma túy tại quốc gia Nam Á này. "Nói thẳng ra là những con số này đồng nghĩa với thất bại", ông John Sopko khẳng định với BBC.