Chiến dịch “giải cứu” vỉa hè ở TPHCM: Chuyển biến lớn, nhưng không buông lỏng

ĐÔNG ANH |

Công tác bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè được các cấp chính quyền TPHCM triển khai thực hiện trong suốt hơn 3 tháng qua đã tạo được sự chuyển biến lớn. Thế nhưng, không vì thế, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân chủ quan, buông lỏng… Hơn thế, chiến dịch “giải cứu” vỉa hè, lập lại trật tự lòng đường, hè phố phải không ngừng duy trì thực hiện. Công tác phải đi vào chiều sâu, mới mong đạt kết quả mỹ mãn...

Vỉa hè thông thoáng, người dân đồng thuận

Không phải ngẫu nhiên, ngay tại cuộc họp bàn về công tác bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM tại UBND TP ngày 25.5 vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TPHCM – đã phát biểu trước lãnh đạo 24 quận – huyện: “Tình hình trật tự lòng, lề đường đã có sự chuyển biến tốt.

Một sự lan tỏa rộng rãi của công tác trên trong toàn xã hội suốt hơn 3 tháng qua. Tôi đánh giá cao các nỗ lực của mọi người để mang lại kết quả này, góp phần cải thiện hình ảnh TPHCM mỗi ngày trở nên văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Thật vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban an toàn giao thông TPHCM: “Tình hình trật tự lòng, lề đường có nhiều chuyển biến đáng kể so với trước. Nhiều tuyến đường thông thoáng.

Việc kinh doanh, mua bán lấn chiếm ở một số nơi đã được sắp xếp tương đối ổn định.

Nhiều quận – huyện đã tạo được sự chuyển biến bước đầu như: quận 1, quận 2, quận 3, quận 4, quận 6, quận 7, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức…, trong công tác lập lại trật tự lòng, lề đường.

Nhất là sau các cuộc ra quân quyết liệt của quận 1 đã tạo sức lan tỏa tới các quận- huyện khác.

Trách nhiệm người đứng đầu các địa phương được nâng lên đáng kể so với trước, nhiều địa phương thực hiện nhiệm vụ quyết liệt không ngại đụng chạm, khó khăn…”.

Mặt khác, nhờ tuyên truyền sâu rộng đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân. Rất nhiều hộ dân đã tự giác chấp hành; nhiều mô hình và cách làm hay được áp dụng…

Báo cáo của Ban an toàn giao thông TP cho biết: Qua kiểm tra đợt 1, với 186 tuyến đường trọng điểm của 24 quận – huyện, có 85 tuyến chuyển biến tốt (vỉa hè thông thoáng), có 86 tuyến có chuyển biến (các tuyến kinh doanh theo giới hạn vạch sơn trên vỉa hè hoặc còn lối đi cho người đi bộ), có 15 tuyến ít chuyển biến (còn tình trạng bán buôn phức tạp)…

Ông Tường cũng thừa nhận vẫn còn không ít tồn tại như: tình trạng mua bán, lấn chiếm lòng, lề đường, các chợ tự phát; nhiều tuyến đường xe đậu dưới lòng đường, xe gắn máy chạy trên vỉa hè; một số tuyến đường có vỉa hè bị tái lấn chiếm ban đêm để bán quán nhậu; tình trạng xe 3,4 bánh thô sơ buôn bán dưới lòng đường vẫn tiếp diễn.

Nhiều địa bàn chưa được duy trì, giữ vững sau khi ra quân lập lại trật tự đã bị tái chiếm; một số vỉa hè có tình trạng người dân xây, đặt bục, bệ trái phép, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị…


Chiến dịch “giải cứu” vỉa hè ở TPHCM: Chuyển biến lớn, nhưng không buông lỏng - Ảnh 1.

Phá bỏ bậc thềm lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ. Ảnh: Đ.A

Làm gì để bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè?

Theo Ban an toàn giao thông TPHCM, một trong những giải pháp quan trọng để bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè; đồng thời, giữ vững các thành quả đạt được sau chiến dịch ra quân “giải cứu” vỉa hè; đó là đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương và đội ngũ cán bộ thực thi công vụ trước lãnh đạo TP, trong công tác lập lại trật tự lòng, lề đường.

Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP trong việc bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn quản lý.

Xem xét xử lý trách nhiệm đối với các chủ tịch quận, huyện không hoàn thành nhiệm vụ, để tình hình trật tự lòng lề đường, vỉa hè bị tái chiếm, phức tạp…

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Chủ tịch UBND quận 1 – kiến nghị: “UBND TP sớm có chủ trương thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với các đối tượng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, dân nhập cư hiện đang mưu sinh bằng chiếm dụng lòng, lề đường để mua bán hàng rong, xe đẩy tay…, như giúp đỡ, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề”.

Bà Hường cho biết: Chính quyền quận 1 vừa qua đã tổ chức thống kê các hộ bán hàng rong. Kế đó lên phương án, kế hoạch tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi ngành nghề mưu sinh.

Quận 1 đang nghiên cứu sử dụng 2 khu vực là đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp để các hộ kinh doanh hàng rong vào bán buôn, có đăng ký…

Qua đó, chấm dứt tình trạng bán hàng rong, gây lấn chiếm lòng, lề đường, cản trở lưu thông, gây mất mỹ quan đô thị. Mặt khác, quận 1 cũng tiến hành tổ chức lại các điểm giữ xe đi vào nề nếp.

Tổ chức lại việc kinh doanh trên các tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3m trở lên; làm sao cho các hộ đăng ký kinh doanh mà không lấn chiếm lối đi của người đi bộ.v.v…

Tương tự, các quận Tân Bình, Tân Phú vừa qua cũng tổ chức khảo sát và sắp xếp cho những người buôn bán hàng rong lấn chiếm lòng, lề đường được vào một số chợ hoặc một số khu riêng để buôn bán, vừa đảm bảo ổn định cuộc sống mưu sinh của người dân vừa đảm bảo trật tự lòng, lề đường.

Tiếp tục chiến dịch và không buông lỏng…

Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP HCM – khẳng định: “Thời gian qua, thấy việc ra quân có vẻ trầm lắng, có không ít thông tin cho rằng việc “giải cứu” vỉa hè trở về số… 0.

Tôi khẳng định không có chuyện đó. Công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè; lập lại mỹ quan đô thị phải được tiếp tục duy trì, với quyết tâm, nỗ lực cao nhất.

Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, các cán bộ từ cấp TP xuống đến các cơ sở, phải đeo bám và thực hiện nhiệm vụ đến nơi, đến chốn, không buông lỏng”.

Ông Phong chỉ đạo các quận, huyện phải nỗ lực tìm cách làm hay, phù hợp thực tế để công tác ngày một đi vào chiều sâu, không được đánh trống, bỏ dùi. “Chúng ta phải chung tay thực hiện tới cùng công tác này.

Nói cái gì, phải làm tới nơi, tới chốn. Không làm được, làm sao lấy được niềm tin của nhân dân? Nhân dân cần những cán bộ nói được, làm được”- ông Phong nói.

Trong việc chăm lo an sinh đối với các hộ bán hàng rong, ông Phong biểu dương quận 1 cũng như các quận khác đang nỗ lực thống kê, tìm phương cách tạo địa điểm buôn bán cho các hộ dân này.

“Có những hộ dân, nhờ 1 tủ bán thuốc lá, xe bán bánh mì mà nuôi sống cả nhà trong hàng chục năm qua; thậm chí, còn nuôi con đi học… Chúng ta phải chia sẻ với bà con trong kiếm sống, mưu sinh như thế này.

Vì vậy, chúng ta phải có giải pháp tạo điều kiện cho các hộ dân này có chỗ kinh doanh, mà không lấn chiếm vỉa hè. Tạo điều kiện, nhưng không thể lấy vỉa hè làm nơi… xóa đói, giảm nghèo” – ông Phong chia sẻ.

Dưới góc độ địa phương tiên phong trong chiến dịch “giải cứu” vỉa hè, ông Trần Thế Thuận – Chủ tịch UBND quận 1 – cho biết: “Quận 1 đang tăng cường các giải pháp để duy trì bằng được công tác lập lại trật tự vỉa hè, không để gián đoạn, không để tái chiếm.v.v…

Bằng chứng cho thấy các tuyến đường quận 1 sau đợt ra quân đã trở nên sạch sẽ, thoáng đãng hơn… Chúng tôi đang nỗ lực tuyên truyền đến mọi người dân tuân thủ, chấp hành trật tự lòng, lề đường… Có 195 tổ giám sát đã được thành lập tại các khu dân cư.

Hơn 3.000 vật dụng lấn chiếm vỉa hè đã được người dân tự nguyện tháo dỡ. Con số này gấp 5 lần con số mà chính quyền gửi thông báo yêu cầu đập bỏ, tháo dỡ…

Điều này cho thấy, tinh thần tự nguyện tuân thủ pháp luật, khắc phục sai phạm của người dân sau đợt ra quân đã nâng lên rất nhiều”.

Trong một khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Tường cho rằng: “Công tác lập lại trật tự lòng, lề đường hết sức nặng nề; nhưng thời gian qua, công tác biểu dương, khen thưởng tại cơ sở chưa được quan tâm; nhất là cán bộ trực tiếp tại hiện trường và người dân tích cực tham gia thực hiện và vận động mọi người xung quanh cùng thực hiện.

Mặt khác, thu nhập cho lực lượng làm công tác trật tự đô thị của phường, xã rất thấp (2 triệu đồng/1 người/1 tháng); trong khi đó, yêu cầu phải thường xuyên đeo bám và theo dõi địa bàn cả ngày và đêm.

Các nguyên nhân trên cũng ảnh hưởng phần nào tới chất lượng của công tác lập lại trật tự vỉa hè”. Trước ý kiến này, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu: “Cần phải biểu dương, khen thưởng các nhân tố điển hình trong công tác này”.

Ông Phong chỉ đạo các quận, huyện quan tâm bổ sung nguồn kinh phí hỗ trợ cho lực lượng trật tự đô thị các địa phương, để lực lượng này có điều kiện công tác tuần tra, kiểm tra thường xuyên các khu vực trọng điểm, kể cả ngày nghỉ và ban đêm, nhằm động viên cán bộ, nhân viên lực lượng này an tâm công tác lâu dài.

Chưa bao giờ, công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, từ sau chiến dịch “giải cứu” vỉa hè lại được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng TPHCM quyết tâm, nỗ lực thực hiện với ý chí mạnh mẽ như lúc này.

Song, nói như ông Võ Văn Hoan – Chánh Văn phòng UBND TPHCM: “Quan trọng là công tác trên phải được lan tỏa về các xã, phường, khu phố và mọi người dân. Công tác phải đi vào chiều sâu, với sự tự giác, tự nguyện chấp hành cao nhất”.

Chỉ như vậy, thì chiến dịch “giải cứu” vỉa hè mới tạo được sự đột phá, mang lại kết quả thật sự để TPHCM trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại