Xe tăng Ukraine ở khu vực Lugansk ngày 26/2. Ảnh: AFP
Trận chiến lớn ở Donbass
Cuộc đua chuẩn bị cho trận chiến ở Donbass vẫn đang diễn ra với việc Nga tập trung lực lượng, di chuyển các phương tiện quân sự về phía Đông Ukraine trong khi Mỹ và các đồng minh tăng cường chuyển vũ khí cho quân đội Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đang đi vào ngõ cụt và trọng tâm hiện nay của Moscow là "giải phóng" toàn bộ Donbass, với 1/3 khu vực này hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn.
Một số nhà quan sát dự đoán Mariupol - thành phố lớn thứ 3 ở khu vực Donbass sẽ rơi vào tay Nga trong một vài ngày tới.
Donbass là một vùng đất tương đối bằng phẳng, không giống như khu vực đô thị gần Kiev. Đây cũng là nơi lý tưởng cho pháo binh và xe tăng Nga hoạt động mặc dù trời mưa sẽ khiến mặt đất biến thành bùn lầy.
Nga cũng ít gặp những vấn đề hậu cần hơn do gần với lãnh thổ của mình cũng như ít gặp khó khăn hơn về liên lạc và tổ chức.
Dù vậy ông Michael Kofman, chuyên gia hàng đầu về quân sự Nga tại CNA cho rằng, Nga cũng có thách thức trong trận chiến này, đó là việc tái tổ chức và triển khai lực lượng trên quy mô lớn.
Theo chuyên gia này, các chỉ huy của Nga sẽ trì hoãn chiến dịch cho tới khi họ có đủ thời gian để xây dựng toàn bộ lực lượng. Trong khi đó, các nước phương Tây sẽ tăng cường vận chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
Phương Tây đẩy mạnh hậu thuẫn và hỗ trợ vũ khí
Mỹ và các đồng minh NATO đã tăng cường vận chuyển xe tăng, trực thăng và các vũ khí hạng nặng cho Ukraine giữa bối cảnh các lực lượng của nước này đang chuẩn bị cho cuộc chiến trên quy mô lớn với Nga ở khu vực Donbass.
Những đợt vận chuyển vũ khí mới đây đã cho thấy sự dịch chuyển về mức độ ủng hộ của phương Tây với Ukraine so với những ngày đầu.
Những đợt vận chuyển này cũng cho thấy sự dịch chuyển về tính chất của các hệ thống vũ khí từ các hệ thống phòng thủ như các tên lửa chống tăng sang các hệ thống vũ khí thiên về tấn công hơn.
Đầu tháng này, Cộng hòa Séc đã quyết định vận chuyển xe tăng cho Ukraine, trở thành quốc gia NATO đầu tiên có động thái này kể từ Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2. Cộng hòa Séc cũng cung cấp các xe chiến đấu bộ binh và các hệ thống pháo binh cho Ukraine.
Các quốc gia NATO khác cũng có bước đi tương tự khi vận chuyển vũ khí quân sự hạng nặng cho Ukraine dọc biên giới NATO. Slovakia đã cung cấp cho Ukraine một hệ thống phòng không S-300 tiên tiến trong khi ngày 13/4, Mỹ thông báo sẽ cung cấp thêm cho Ukraine các thiết bị quân sự có giá trị khoảng 800 triệu USD.
Đợt vận chuyển vũ khí này bao gồm 11 trực thăng MI-17, 200 xe thiết giáp M113, 100 xe Humvee, 300 máy bay không người lái "thần phong" Switchblade, các lựu pháo hạng nặng, hàng nghìn đạn pháo cùng các loại đạn dược khác.
Việc Ukraine cần nhiều xe tăng hơn là bởi chiến trường ở khu vực Donbass thuộc miền Đông Ukraine có địa hình bằng phẳng hơn nên các xe tăng sẽ hoạt động thuận lợi hơn.
Mỹ đã bắt đầu xem xét mở rộng sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong đợt vận chuyển vũ khí mới. Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết các kế hoạch đang được thực hiện nhằm đưa các lực lượng của Ukraine tới các nước NATO ở Đông Âu để đào tạo về cách sử dụng các hệ thống vũ khí mới như lựu pháo và radar đối kháng.
Washington cũng đang tái trang bị cho các đồng minh NATO ở Đông Âu khi những nước này cung cấp các hệ thống vũ khí của họ cho Ukraine. Sau khi Slovakia cung cấp hệ thống S-300 cho Ukraine, Mỹ đã triển khai một trong những hệ thống phòng không Patriot tới nước này. Mỹ cũng ký hợp đồng vũ khí lớn với Ba Lan đầu tháng này để cung cấp cho quân đội Ba Lan 250 xe tăng chiến đấu Abrams.
Một số chuyên gia nhận định, Mỹ sẽ đi xa hơn trong việc hỗ trợ cho các đồng minh NATO như Ba Lan bằng cách tái trang bị cho các lực lượng không quân của họ các tiêm kích F-16 để những nước này chuyển giao các tiêm kích MiG cho Ukraine.
Khó khăn về hậu cần
Tuy nhiên, việc vận chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine không hề đơn giản.
Ngoài sự cồng kềnh của bản thân các vũ khí và phương tiện thì bất kỳ đợt vận chuyển nào cho Ukraine đều cần nhiều quy trình hậu cần phức tạp theo sau, bao gồm việc huấn luyện, các phụ tùng thay thế và bảo trì để đảm bảo các phương tiện hoạt động trên chiến trường.
"Xe tăng không phải là một chiếc ô tô cho thuê", ông Ben Hodges - cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu nhận định.
"Bất kỳ khi nào tính đến việc vận chuyển các phương tiện cơ giới hoặc bọc thép, bạn đều phải nghĩ tới các linh kiện thay thế, các gói bảo trì, huấn luyện, nhiên liệu, đạn dược... để đảm bảo mọi thứ vận hành".
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết ngày 11/4 rằng một số quốc gia vẫn đang cân nhắc về việc vận chuyển xe tăng cho Ukraine, chủ yếu là các biến thể xe tăng thời Liên Xô mà quân đội Ukraine đã được đào tạo để sử dụng.
"Đây là các thiết bị mà Ukraine đã quen sử dụng, vì thế thời gian huấn luyện sẽ tương đối nhanh chóng".
Sự phức tạp trong khâu hậu cần khiến một số chính phủ phương Tây trì hoãn các đợt vận chuyển vũ khí hạng nặng lớn hơn cho Ukraine, mặc dù các quan chức cấp cao Ukraine kêu gọi phương Tây hỗ trợ nhiều hơn cho các lực lượng của nước này.
Nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Đức Rheinmetall đầu tuần này cho biết Berlin sẵn sàng cung cấp tới 50 xe tăng chiến đấu Leopard 1 đã qua sử dụng cho Ukraine nhưng chính phủ Đức vẫn chưa bật đèn xanh cho việc này. Một số quan chức đã phản đối ý tưởng trên, cho rằng việc huấn luyện sử dụng xe tăng này cho quân đội Ukraine sẽ mất nhiều thời gian khi các hệ thống vũ khí thời Liên Xô ở Đông Âu phổ biến với Ukraine hơn là những xe tăng chiến đấu do phương Tây sản xuất. Dù vậy, giám đốc điều hành Rheinmetall, ông Armin Papperger đã phủ nhận lập luận trên và nói rằng việc huấn luyện chỉ mất một vài ngày.
Ukraine mặc dù hoan nghênh sự dịch chuyển quan điểm của phương Tây về việc vận chuyển vũ khí nhưng cho rằng điều đó vẫn chưa đủ. Các quan chức và cựu quan chức Ukraine cho rằng phương Tây vẫn có thể làm nhiều hơn để vận chuyển vũ khí tới Ukraine giữa bối cảnh cuộc chiến tại nước này sắp bước vào giai đoạn mới mang tính quyết định.
Olena Tregub, người đứng đầu Ủy ban chống tham nhũng quốc phòng độc lập của Ukraine nhận định, các đợt vận chuyển mới từ phương Tây vẫn chưa đủ để Ukraine giành được ưu thế trong cuộc chiến với Nga.
Nguy cơ xung đột lan rộng
Hiện nay, một số chính trị gia ở Đức lo ngại việc tăng cường cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine có thể biến phương Tây thành mục tiêu của quân đội Nga. Điều này thậm chí đã gây chia rẽ trong chính liên minh đảng cầm quyền ở Đức.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cũng cảnh báo trong một cuộc trả lời phỏng vấn công bố ngày 13/4 rằng Nga sẽ coi những đoàn vận chuyển vũ khí từ các nước NATO sang Ukraine là mục tiêu quân sự hợp pháp.
Ông Sergey Ryabkov giải thích, mục tiêu hiện nay của Moscow là tuyên bố rõ với Mỹ và các đồng minh của Washington rằng Nga sẽ sử dụng những công cụ cứng rắn nhằm phản ứng trước những nỗ lực cản trở quân đội Nga ở Ukraine.
"Chúng tôi đang cảnh báo rằng những đoàn vận chuyển vũ khí của Mỹ và NATO trên lãnh thổ Ukraine sẽ bị coi là những mục tiêu quân sự hợp pháp".
Nga đã duy trì lập trường này từ những ngày đầu cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin quân đội Nga đã phá hủy 4 hệ thống phòng không S-300 được một nước châu Âu vận chuyển tới Ukraine.
Trong khi đó, ông Hodges lo ngại việc các nước phương Tây cung cấp sự hỗ trợ quân sự này cho Ukraine có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột lớn hơn giữa NATO và Nga.
Mới đây, Washington Post đưa tin hôm 15/4 rằng, Nga đã gửi công hàm ngoại giao chính thức cho Mỹ trong tuần này, cảnh báo việc Washington và đồng minh tiếp tục vận chuyển vũ khí cho Ukraine có thể dẫn đến "những hậu quả khó lường”.
Chính Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cũng nhận định, việc Mỹ và các đồng minh phương Tây tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine chỉ khiến xung đột trở nên tồi tệ hơn và có nguy cơ dẫn đến đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Nga.