Trang tin United Daily News (Đài Loan) ngày 11/12 đưa tin, tối ngày 9/12, Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố cùng ngày có 5 máy bay quân sự Trung Quốc (gồm 4 máy bay ném bom H-6K, 1 máy bay trinh sát điện tử Y-8) đã bay qua eo biển Miyako, lực lượng phòng vệ Nhật Bản lập tức điều động các máy bay chiến đấu cất cánh để tiến hành giám sát chặt chẽ.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã cho hay, đây là hoạt động huấn luyện quân sự biển xa theo hệ thống của các loại hình chiến đấu cơ thuộc lực lượng không quân Trung Quốc, biên đội bay trong đó có máy bay ném bom H-6K bay qua eo biển Miyako để nâng cao khả năng chiến đấu thực tế trên biển.
Ảnh Tân Hoa Xã
Truyền thông Đài Loan nhận xét, những bức ảnh do Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố về loạt máy bay ném bom H-6K cho thấy, chiến đấu cơ của quân đội Trung Quốc đã mang theo hai tên lửa hành trình Trường Kiếm-10 (CJ-10) với tầm bắn đạt 2.000km. Đây là loại vũ khí tấn công tầm xa chủ lực của H-6K.
United Daily News dẫn lời cơ quan quốc phòng Đài Loan, lần diễn tập này của PLA còn có sự tham gia của máy bay chiến đấu Su-30 nhưng máy bay này lại không xuất hiện trong loạt ảnh do Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố.
Có khả năng Su-30 không vượt qua "chuỗi đảo thứ nhất" hoặc vượt qua không lâu đã qua trở lại nên phía Nhật Bản không chụp được, trang tin Đài Loan viết.
Theo Thời báo Hoàn cầu, báo Đài Loan chỉ ra, thời gian trước đây, do Bắc Kinh bận rộn tổ chức Đại hội 19 và đón chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump nên hoạt động huấn luyện quân sự biển xa tạm dừng, tần suất tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện tại khu vực tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng giảm đáng kế.
Nhưng từ ngày 18/11, PLA tiếp tục khôi phục hoạt động bay qua chuỗi đảo thứ nhất. Cùng ngày, một máy bay trinh sát TU-154 đã từ biển Hoa Đông bay qua eo biển Miyako, đồng thời bay vòng quanh đảo Đài Loan. Tiếp đó sáng các ngày 19-22-23/11, cơ quan quốc phòng Đài Loan liên tục đưa các thông tin tương tự.
Ảnh Tân Hoa Xã
United Daily News dẫn lời của người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan, ông Phùng Thế Khoan nhận định, động thái trên chứng tỏ PLA đã chuẩn bị "tuyến đường tấn công rất thực tế".
Truyền thông Đài Loan còn chỉ ra, cùng với hoạt động của lực lượng không quân, PLA còn cử chi đội tàu hộ tống thứ 28 của Hải quân Trung Quốc xuất phát từ Thanh Đảo tới Vịnh Aden tham gia thao diễn. Chi đội này là sự kết hợp của tàu hộ vệ và tàu tiếp tế của Hạm đội Bắc Hải.
Học giả Vương Cao Thành thuộc Đại học Tamkang (Đài Loan) bình luận, việc hải quân, không quân PLA thường xuyên vượt qua "chuỗi đảo thứ nhất" là để tạo áp lực trên thực tế cũng như tác động tới các mối quan hệ kinh tế, ngoại giao của đảo này.
Trong khi đó chuyên gia Đài Loan Đường Tương Long lại cho rằng, chính quyền Thái Anh Văn không nên quá lo lắng bởi những hành động thường xuyên này của PLA hiện tại chưa mang tính đe dọa và đội bay này cũng chưa lần nào vượt qua eo biển Đài Loan từ Phúc Kiến - đảo Đài Loan nằm phía Đông tỉnh Phúc Kiến.