Chiến đấu cơ Mỹ mang vũ khí hạt nhân đi khắp thế giới

Tùng Dương |

Quân đội Mỹ sẽ triển khai khắp thế giới cái gọi là “hàng không tính năng kép”, mà một trong những nhiệm vụ trọng tâm là các máy bay chiến đấu có thể mang theo vũ khí thông thường lẫn vũ khí hạt nhân.

Trên đây là một trong những nội dung quan trọng trong học thuyết hạt nhân mới của quân đội Mỹ.

Hôm 2/2, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018 (NPR), trong đó vạch ra chính sách của Mỹ trong tương lai hướng đến mở rộng và phát triển năng lực hạt nhân.

Báo cáo nhấn mạnh nước Mỹ đang đối mặt với một môi trường đe dọa hạt nhân lớn chưa từng có, trong bối cảnh các đối thủ tiềm tàng của Mỹ đạt được những tiến bộ trong việc phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân cũng như các hệ thống phóng đầu đạn hạt nhân.

Nhấn mạnh mối quan ngại của chính quyền Mỹ đối với Triều Tiên, Iran, Trung Quốc và Nga, bản báo cáo dù tái khẳng định cam kết đối với các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân, song vẫn kêu gọi hiện đại hóa, đa dạng hóa vũ khí hạt nhân nhằm tăng khả năng răn đe.

“Mỹ sẽ duy trì và củng cố khả năng tiếp tục triển khai máy bay ném bom hạt nhân và máy bay có tính năng kép trên toàn thế giới theo mức cần thiết.

Mỹ dự định đổi mới những máy bay có tính năng kép với tiềm lực hạt nhân nhờ dựa vào F-35”, nội dung trong học thuyết hạt nhân mới của Mỹ nêu rõ.

Theo giới phân tích, châu Âu sẽ là tâm điểm của học thuyết với số các máy bay chiến đấu được triển khai ở khu vực này, và F-22, F-35 có thể là những chiến đấu cơ của Mỹ thực hiện “hàng không tính năng kép”.

Ngày 3/2, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và an ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Frants Klintsevich khẳng định Moscow hoàn toàn có thể phản ứng nhanh chóng trước khả năng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai vũ khí hạt nhân tại các căn cứ ở Đông Âu và khu vực Baltic, giống như Báo cáo Đánh giá tình hình hạt nhân 2018 (NPR) mà chính quyền Washington vừa công bố.

Ông Klintsevich cho biết nếu Washington triển khai những máy bay mang theo vũ khí hạt nhân tới các căn cứ Mỹ ở Đông Âu, căn cứ của NATO tại khu vực Baltic hay các sân bay quân sự của những nước thuộc Liên Xô cũ và khối Vacsava trước đây, Nga có thể chuyển hướng tới các mục tiêu này một cách nhanh chóng.

Quan chức trên nhấn mạnh Nga khi đó sẽ buộc phải tự bảo vệ mình trước mọi mối đe dọa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại