Trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng vẫn còn dai dẳng, năng lực quân sự của Bắc Kinh vẫn là chủ đề được bàn luận thường xuyên. Mới đây, tờ EurAsian Times đăng tải bài viết đề cập tới năng lực tác chiến của phi công Trung Quốc, trong đó gợi lại kinh nghiệm bẽ bàng của Không quân Trung Quốc khi tham gia tập trận chung với Thái Lan.
Kinh nghiệm đáng xấu hổ
Theo EurAsian Times, Trung Quốc đã gây hấn đồng thời với nhiều cường quốc trên thế giới và luôn khoe khoang về khả năng đánh bại đối thủ của mình. Bắc Kinh thường khoa trương về các loại máy bay chiến đấu ưu việt của mình, tuy nhiên, dấn thân vào một cuộc chiến tranh đòi hỏi nhiều thứ hơn là máy bay chiến đấu tiên tiến.
Trong một thời gian dài, các chuyên gia đã phải đặt dấu chấm hỏi về năng lực tác chiến của các phi công Trung Quốc.
Tại cuộc tập trận Falcon Strike năm 2015 giữa Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và Không quân Thái Lan tổ chức tại căn cứ Korat, các phi công Trung Quốc đã cho thấy năng lực yếu kém khi không chiến chiến thuật, mặc dù trong tay họ là các chiến đấu cơ tiên tiến J-11.
Trang tin hàng không Alert 5 cho hay, trong cuộc tập trận này, các phi công Trung Quốc thể hiện tương đối tốt trong ngày đầu tiên, ở các trận không chiến trong tầm nhìn. Trong đó, các tiêm kích J-11 của họ đã "bắn hạ" 16 tiêm kích Gripen Thái Lan mà không hứng chịu thiệt hại nào.
Tuy nhiên, trong những ngày còn lại của cuộc tập trận, các phi công PLA đã gặp nhiều khó khăn. Bước sang ngày thứ 3, tốp phi công Thái Lan "bắn hạ" được tới 19 chiếc J-11, trong khi chỉ thiệt hại 3 chiếc Gripen.
Tiêm kích J-11 của Trung Quốc (bên phải) cuối cùng đã phải hứng chịu thất bại trước các tiêm kích Gripen (bên trái) của Thái Lan.
Nguyên nhân do đâu?
"Các phi công Trung Quốc nhận thức tình huống kém. Họ tập trung quá nhiều vào phía trước máy bay, thay vì xung quanh" – Alert 5 bình luận về kết quả tồi tệ của Trung Quốc trong cuộc tập trận.
Cũng theo trang tin này, "phía Trung Quốc còn thiếu sự phối hợp giữa máy bay tấn công và các máy bay hộ tống. Các phi công Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm trong việc tránh tên lửa. Phản ứng của họ quá máy móc và không thể đánh giá chính xác các kỹ thuật vòng tránh đối với các tên lửa có tầm bắn khác nhau".
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã nhận thức được những thiếu sót này và đã thừa nhận điều đó trong một bài báo năm 2018 đăng trên tờ PLA Daily – tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc. Theo bài báo, quân đội Trung Quốc đang mắc phải "căn bệnh hòa bình", khiến khả năng chiến đấu của họ suy yếu.
Trong khi đó, theo tổ chức tư vấn RAND, PLA phải vật lộn với di sản của hệ thống chỉ huy lỗi thời, nạn tham nhũng tràn lan cùng nhiều vấn đề khác.
"Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo những nỗ lực lớn nhằm giải quyết từng khuyết điểm này, cải thiện khả năng chiến đấu, cũng như khả năng chiến thắng chiến tranh của quân đội Trung Quốc. Từ năm 2016, các chương trình cải cách và cải tổ đã có thêm động lực" – Báo cáo của RAND cho hay.
Một báo cáo tương tự của Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ đề cập rằng, việc huấn luyện phi thực tế ở nhiều phương diện đã cản trở khả năng tác chiến trên không của Không quân Trung Quốc.
"PLA nhận thấy rằng có một khoảng cách giữa kỹ năng của các phi công Trung Quốc với phi công đến từ lực lượng không quân của những quốc gia hùng mạnh.
Để giải quyết những điểm yếu trong huấn luyện, một cựu chỉ huy không quân Trung Quốc cho rằng, khi huấn luyện, Trung Quốc cần tập trung ‘huấn luyện để chiến đấu’, thay vì tập tành chỉ để trình diễn hoặc thực hiện các chuyển động.
Một vị tướng đã về hưu của PLA nói rằng, ông rất hối tiếc vì đã không được tham gia vào bất cứ cuộc chiến nào trong suốt sự nghiệp của mình. Giới chuyên gia Ấn Độ và Mỹ cho rằng đây chính là điểm yếu lớn nhất của PLA" – Báo cáo của Cơ quan tình báo Mỹ nêu rõ.
Mặc dù PLA tự hào về các máy bay chiến đấu tiên tiến của mình nhưng tình trạng thiếu huấn luyện chiến đấu và chiến lược tác chiến trên không đã khiến Không quân Trung Quốc tụt lại phía sau những đối thủ có phi công được đào tạo bài bản, sẵn sàng chiến đấu và có kinh nghiệm chiến đấu.