Chiến đấu cơ F-15 của Mỹ sẽ có phiên bản "made in Triều Tiên"?

Hải Vy |

Tin tặc Triều Tiên được cho là đã xâm nhập mạng máy tính của một công ty hàng không vũ trụ Hàn Quốc và đánh cắp các bản thiết kế F-15 Eagle.

Đây là mẫu chiến đấu cơ do Mỹ phát triển và đã trở thành "xương sống" của lực lượng Không quân Mỹ, cũng như Hàn Quốc.

Tuy nhiên, theo tờ Daily Beast, đừng vội hoảng hốt. Các kỹ sư của Bình Nhưỡng không thể làm được gì nhiều với bản thiết kế đó. Chắc chắn chúng ta sẽ không phải chứng kiến những chiếc F-15 "ra lò" từ các nhà máy của Triều Tiên và khoác trên mình màu sơn ngụy trang của Không quân nước này.

Triều Tiên "chưa đủ trình" tự chế tạo máy bay chiến đấu

Phi vụ xâm nhập bắt đầu từ năm 2014 và giới chức Hàn Quốc lần đầu tiên phát hiện ra vụ việc vào tháng 2 năm nay. Trong thời gian đó, các tin tặc Triều Tiên đã xâm nhập vào mạng máy tính của 2 tập đoàn công nghiệp-quốc phòng Hàn Quốc và đánh cắp khoảng 42.000 tài liệu.

Trong số những tài liệu này có bản thiết kế cánh của tiêm kích 2 động cơ F-15.

Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KAI) chịu trách nhiệm sản xuất bộ phận cánh cho các máy bay Eagle theo hợp đồng với Boeing - công ty quốc phòng lớn thứ 2 của Mỹ.

Không quân Mỹ hiện vận hành hàng trăm chiến đấu cơ F-15, còn Hàn Quốc đã mua 61 chiếc máy bay loại này từ năm 2005 đến nay.

Chiến đấu cơ F-15 của Mỹ sẽ có phiên bản made in Triều Tiên? - Ảnh 1.

Tiêm kích F-15 Eagle

Mặc dù thiết kế cơ bản của F-15 đã hơn 50 năm tuổi nhưng nó vẫn tinh vi hơn nhiều so với bất cứ mẫu máy bay nào mà lực lượng không quân Triều Tiên sở hữu.

Và trong khi Bình Nhưỡng có thể tự chế tạo một số loại súng, pháo, xe bọc thép và tàu chiến, nước này chưa từng làm chủ được nghệ thuật thiết kế và chế tạo máy bay quân sự.

Không quân Triều Tiên hiện vận hành hàng trăm máy bay chiến đấu nhưng phần lớn trong số đó là tiêm kích 1 động cơ MiG-21 mua từ Liên Xô vào những năm 1960, 1970 và 1980.

Mặc dù có khả năng cơ động cao trong một số trường hợp nhất định nhưng MiG-21 đã trở nên cổ lỗ và lép vế trước những loại máy bay chiến đấu hiện đại như F-15.

Vì thế, trên lý thuyết, Bình Nhưỡng sẽ chào đón một loại chiến đấu cơ mới và liều mình tìm kiếm các bản thiết kế để chế tạo nó.

Song, trên thực tế, nước này không biết cách và cũng không có nguồn lực để sao chép F-15 hoặc thậm chí là áp dụng thiết kế của F-15 vào sản phẩm riêng của họ.

"Triều Tiên sẽ không bao giờ xây dựng được lực lượng không quân đáng gờm" - Tiến sĩ Robert Edwin Kelly, phó giáo sư tại Đại học quốc gia Pusan, Hàn Quốc nhận định trong email gửi tới Daily Beast.

Chiến đấu cơ F-15 của Mỹ sẽ có phiên bản made in Triều Tiên? - Ảnh 2.

Triều Tiên muốn có máy bay chiến đấu mới, nhưng sẽ không đủ khả năng chế tạo từ các dữ liệu đánh cắp.

Lịch sử đã chứng minh điều này. Trong những năm 1980, Triều Tiên từng thành lập một nhà máy sản xuất máy bay chiến đấu - Viện Công nghiệp máy số 7 tại Panghyon và thậm chí còn mua từ Liên Xô các thành phần của tiêm kích 2 động cơ MiG-29, công nghệ máy bay chiến đấu thuộc hàng tiên tiến nhất lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, Viện Công nghiệp máy số 7 chỉ lắp ráp được 3 chiếc MiG-29.

"Đây là kế hoạch quá tham vọng đối với Triều Tiên" - hai chuyên gia quân sự độc lập Stijn Mitzer và Joost Oliemans giải thích.

Sẽ bán dữ liệu cho Trung Quốc?

Tất nhiên, cũng có khả năng Triều Tiên tuồn bản thiết kế F-15 cho một quốc gia khác, có thể là Trung Quốc.

"Lựa chọn duy nhất (của Triều Tiên) là tìm cách bán thông tin và chỉ có Trung Quốc được xem là 'ứng viên' phù hợp" - chuyên gia Oliemans chia sẻ với Daily Beast trong email.

Trước đó, các tin tặc của Bắc Kinh được cho là có dính líu tới một số vụ đánh cắp thiết kế vũ khí Mỹ, trong đó có tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 - hai thành viên kế nhiệm hiện đại hơn của F-15.

Vụ đánh cắp thông tin F-35 có vẻ gây tổn hại lớn nhất cho nước Mỹ. Năm 2007, tin tặc Trung Quốc bị cáo buộc đột nhập vào hệ thống của tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) và đánh cắp thông tin thiết kế của F-35.

Chỉ vài năm sau, một công ty Trung Quốc đã ra mắt nguyên mẫu tiêm kích tàng hình mang tên J-31. Giới quan sát nghi ngờ mẫu máy bay này phần nào được thiết kế dựa trên dữ liệu bị đánh cắp của F-35.

Tuy nhiên, chuyên gia Oliemans nghi ngờ khả năng Trung Quốc quan tâm nhiều tới thiết kế cánh của F-15, bởi đây không phải đích xác dữ liệu hiện đại nhất mà nhiều bên muốn có được về mẫu máy bay này.

"Trên thực tế, xét tới số lượng các bản thiết kế và dữ liệu về F-35 và F-22 mà tin tặc Trung Quốc được cho là đã đánh cắp thì tôi không ngạc nhiên nếu họ đã tiếp cận được thiết kế cánh của F-15 rồi" - chuyên gia Oliemans cho hay.

Tất cả những điều này nhằm nhấn mạnh rằng Mỹ và Hàn Quốc đừng nên quá lo lắng về các bản thiết kế cánh của F-15. Trung Quốc có lẽ không muốn sao chép chúng và Triều Tiên thì càng không thể. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa họ có thể xem nhẹ lực lượng tin tặc của Triều Tiên.

Theo Oliemans, đây là một bước phát triển "đáng lo ngại" của Bình Nhưỡng.

Chuyên gia Kelly cũng đồng tình với nhận định này. "Họ (tin tặc Triều Tiên) sẽ tìm mọi cách để xâm nhập được" - ông Kelly nói.

Trong lần tấn công tới, rất có thể tin tặc Triều Tiên sẽ đánh cắp được dữ liệu đáng giá hơn bản thiết kế cánh đã hơn 50 năm tuổi này.

Sức mạnh "đại bàng" F-15

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại