Chiến công vang dội của nhóm đặc công nước

KIẾN NGHĨA - ĐỨC ANH |

Ba chiến sỹ đặc công nhận nhiệm vụ ôm 450kg thuốc nổ bơi dưới mặt nước, tiếp cận, làm nổ tung cây cầu có vị trí trọng yếu ở tỉnh Vĩnh Long. Sau gần 50 năm, chiến công hiển hách đó vẫn còn in đậm trong tâm trí người chiến sỹ.

Chiến công vang dội của nhóm đặc công nước - Ảnh 1.

Thương binh Thắng tại Trung tâm thương binh Thuận Thành

Lên kế hoạch

Chiến sĩ Vũ Văn Thắng SN 1954 quê xã Nga Thành (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) là đặc công nước . Trước khi miền Nam giải phóng khoảng một tháng, chiến sĩ Thắng cùng 2 đồng đội được lệnh phá huỷ cầu Mong Thị Hội, nằm trên tuyến đường huyết mạch tại tỉnh Vĩnh Long. Đây là nhiệm vụ khó khăn khi nơi đây luôn được địch canh phòng cẩn mật.

Trong khi đó, để thực thi nhiệm vụ, kíp chiến đấu của chiến sĩ Thắng phải bơi dưới sông và đưa một lượng thuốc nổ lớn tới buộc ở chân cầu trước khi cho phát nổ. Qua quá trình đấu trí căng thẳng, cuối cùng, kíp chiến đấu đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng một đồng đội của ông đã hy sinh. Câu chuyện đầy bi tráng đó, chúng tôi được nghe kể lại nhân chuyến ông Thắng được mời về Hà Nội tham gia chương trình “Ánh lửa từ trái tim” do báo Tiền Phong khởi xướng và tổ chức vào tháng 9 vừa qua.

Sinh ra trên vùng đất đồng bằng phía Bắc huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), nơi tiếp giáp sông Hoạt và sông Chính Đại, ông Thắng đã thuần thục bơi lội từ bé. Năm 1972, vừa đủ 18 tuổi, cũng như bao thế hệ cha anh, ông xung phong vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Với khả năng bơi lội vượt trội, ông được tuyển vào đơn vị lính đặc công thuộc Tiểu đoàn 2, Bộ tư lệnh 305. Ông được đưa về Thủy Nguyên (Hải Phòng) huấn luyện hơn 1 năm.

Ông kể rành rọt về khóa huấn luyện đầy gian khổ của lính đặc công. “Hàng ngày chúng tôi được huấn luyện bơi lần lượt qua cầu Giá, cầu Đá Bạc, Bến Phà Rừng… Những ngày đầu thì tập bơi xa chừng 1km, rồi đến bơi 2km cho đến ngày ra trận, mỗi anh em đều phải bơi được từ 35 - 40 km. Và khi bơi cũng phải luyện tập mang vác khí tài theo.

Ban đầu mang hành lý khoảng 2kg, sau dần tăng lên đến 40kg. Sở dĩ phải bơi xa thế vì khi vào trận đánh, tàu sẽ đổ lính từ ngoài khơi xa. Vì thế, lính đặc công nước khi thả xuống nước phải “nổi, chìm tùy ý”. Là lính đặc công nước đánh tổng hợp, nên khi bơi lặn thành thục, đơn vị tôi còn phải huấn luyện đánh các mục tiêu như kho xăng, sân bay, có lúc thì đánh cầu tàu, kho tàng…”, ông Thắng kể.

Sau hơn 1 năm huấn luyện, ông Thắng được đưa vào Quân khu 9 (khu vực Trà Vinh - Vĩnh Long) để chiến đấu. Sau hơn 6 tháng di chuyển bằng ô tô, đi bộ, đơn vị ông đã đến điểm tập kết. Trận đầu tiên ông được tham gia, cũng là trận đánh lớn của đơn vị khiến ông nhớ nhất.

Chiến công vang dội của nhóm đặc công nước - Ảnh 2.

Ông Thắng (người ngồi xe lăn bên trái) về Hà Nội tham dự chương trình “Ánh lửa từ trái tim” do báo Tiền Phong tổ chức tháng 9/2023

Ông Thắng vinh dự đi cùng Đại đội trưởng Nguyễn Văn Lai và một đồng đội nữa để đánh “mật tập” một mục tiêu có vị trí trọng yếu. Đó là cầu Mong Thị Hội nêu trên. Đây là nút thắt quan trọng trên tuyến đường huyết mạch tại tỉnh Vĩnh Long. Đó là một điểm được canh phòng cẩn mật, xung quanh cầu được rào dây thép gai, ban đêm có điện cao áp sáng choang.

Để phá hủy cây cầu cần phải dùng đến 450kg thuốc nổ TNT và hợp chất C4. Nhiệm vụ của 3 người là vận chuyển 450kg thuốc nổ tiếp cận từ dưới nước để phá hủy cầu. Bản đồ địa hình được thiết lập, mục tiêu được xác định, thời gian bơi, di chuyển dưới nước để tiếp cận cầu được tính toán chi tiết. Và, để đảm bảo bí mật, nhóm của ông Thắng phải bơi 30 phút dưới nước.

Để đảm bảo nhiệm vụ thành công, nhóm của ông phải đánh nhanh, rút gọn. Kế hoạch được vạch ra: 450kg thuốc nổ TNT phải được áp vào trụ cầu, cách mặt nước chừng 20cm; ông Thắng và một đồng đội bơi trước có nhiệm vụ ôm thuốc nổ. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Lai (quê ở Nghệ An) bơi sau có nhiệm vụ gắn kíp nổ và rút sau cùng. Theo kế hoạch, đây là trận cuối của anh Lai, sau đó anh sẽ chuyển lên Sư đoàn để nhận nhiệm vụ khác.

Ngày 29/4/1976, ông Thắng được đưa về an dưỡng ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành. Năm 1978, ông lấy vợ và sinh 3 người con đều đã trưởng thành. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Mai, người xã Song Hồ huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cũng là bộ đội, đóng quân ở đoàn 255 sau chuyển về Trung tâm để phục vụ.

Trận đánh đêm Mùng 4 Tết

Đêm Mùng 4 Tết năm 1974, nhóm của ông Thắng lên đường đánh mục tiêu. Sau 30 phút bơi, nhóm đặc công đã tiếp cận hàng rào thép gai để quan sát. An ninh cây cầu được bảo vệ nghiêm ngặt, cứ 15 phút lính canh lại đổi gác. Nhóm xác định, chỉ có thời gian ngắn giữa 2 ca gác là địch sơ hở, ta lợi dụng vào đó.

“Lợi dụng sơ hở lúc địch thay ca, chúng tôi tiếp cận vào chân cầu và nổi dần lên. Thuốc nổ được luồn dây thừng buộc vào chân cầu, anh Lai là người gắn 3 kíp nổ hẹn giờ. Kíp nổ được hẹn khoảng 2h đồng hồ sau mới phát nổ. Mọi hành động của chúng tôi đều tuyệt đối bí mật. Hai chúng tôi bơi ra trước, anh Lai bơi sau cách khoảng 10m. Nhưng ở các vị trí trọng yếu, lính gác hay bắn vu vơ hoặc ném lựu đạn. Không may, anh Lai bơi sau bị dính lựu đạn trước mặt và hi sinh”, ông Thắng kể, giọng trầm buồn.

Biết đồng đội hi sinh nhưng không thể quay lại mang ra được, 2 người đành rút ra xa để quan sát. 2 tiếng sau, một tiếng nổ xé toang màn đêm. Cầu Mong Thị Hội nổ tung. Đất đá bay cao hơn 10m. Ba ngày sau, xác anh Lai mới trôi theo dòng nước ra khỏi khu vực đó, anh em mới vớt đưa ra ngoài được.

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông Thắng tham gia hơn chục trận đánh lớn nhỏ. Khi chuẩn bị giải phóng, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ đánh vào Chi khu Cái Nhum (tỉnh Vĩnh Long). Đây là trận đánh cuối cùng trong chiến dịch và ông bị thương nặng. “Đêm đó, chúng tôi được đưa vào khu vực bờ sông Măng Thít (nối sông Tiền và sông Hậu), địa phận tỉnh Vĩnh Long. Một bên của ta, một bên là Chi khu Cái Nhum, địch đang kiểm soát. Tiểu đội đặc công của chúng tôi gồm 12 người có nhiệm vụ đánh thọc sâu vào lòng địch”, ông Thắng kể.

Đây là trận đánh ác liệt. Tiểu đội của ông có 4 người hi sinh, 8 anh em còn lại đều bị thương. Vừa kể, ông vừa chỉ tay xuống đôi bàn chân bị liệt, rồi nói: “Bây giờ, chân còn ngọ nguậy được chứ lúc mới bị thương thì nằm liệt hẳn”. Sau trận đó, ông Thắng được đưa về hậu cứ trong rừng Long Thới, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh), điều trị hơn một tháng. Sau giải phóng miền Nam, ông được đưa về K52 Sài Gòn điều trị tiếp rồi được đưa ra miền Bắc bằng máy bay. (Còn nữa)


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại