Chậu bon sai trắc dây nguyên khối được anh Tuấn cất công mua về từ Ninh Thuận
Để chậu bon sai thêm giá trị, anh Tuấn đã thuê nghệ nhân đục nổi 8 con cá chép, tạo hình 3 đầu rồng ngậm ngọc lớn cùng nhiều họa tiết khác.
Chủ nhân chậu cây độc đáo này tiết lộ, đã có người ngã giá 70 triệu nhưng anh vẫn chưa gật đầu. Anh Tuấn đang rao bán với giá mong muốn là 100 triệu, hoặc cho thuê trưng trong mùa Tết Canh Tý với giá 30 triệu đồng.
Các nhánh trắc dây được tạo thế “tựa sơn”. Một nửa thân gỗ chạm hình chùa tháp, nửa còn lại là nhánh thân sống đang trổ lộc. Dù gốc bon sai trăm triệu thuộc dạng hiếm ở thị trường cây cảnh tết ở TP. Buôn Ma Thuột nhưng anh Tuấn cho rằng phải mất thêm 1 - 2 năm nữa nó mới thực sự hoàn thiện để bán với giá cao hơn.
Ngoài chậu trắc dây trên, anh Tuấn đang trưng bày một chậu “sanh ôm đá” khoảng 60 năm tuổi, rao bán 100 triệu đồng.
...cùng hơn 20 chậu lộc vừng bon sai, giá không dưới 10 triệu đồng mỗi chậu.
“Chinh chiến” hơn 10 năm ở các mùa cây Tết tại Buôn Ma Thuột, anh Tuấn từng được mệnh danh là “vua ổi”, bởi các năm trước anh nổi tiếng với ổi bon sai. Mỗi mùa Tết, anh bán ra thị trường 5 tỉnh Tây Nguyên hàng trăm chậu ổi với giá trung bình mỗi chậu từ 3,5 triệu đồng. Từ 2 - 3 năm gần đây, anh chuyển qua trồng và buôn các cây cảnh độc, lạ.
Trong năm, anh cùng vợ săn lùng các chậu cây nhiều tuổi ở Đắk Lắk mang về giữ gốc, cắt ngọn và tạo các dáng, thế mới. Anh cho biết, cây bán quanh năm nhưng Tết là lúc anh tung ra thị trường các chậu cây “đinh” nhất: “Mùa Tết tôi bán không nhiều nhưng khách chơi hiểu về bon sai sẽ chịu chi số tiền lớn” .
Gốc lộc vừng được tạo hình “mẫu tử”, như người phụ nữ đang bồng con với giá bán 15 triệu đồng.