Kinh thành Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, bắt đầu vào mùa hè năm 1805 và kết thúc vào năm 1832. Kinh thành Huế là sự kết hợp của các bộ phận kiến trúc bao gồm hệ thống thành giai, phòng lộ (đường bộ) và hệ thống Hộ Thành hà, Hộ Thành hào (đường thủy), tạo thành một pháo đài phòng thủ kiên cố. Đặc biệt, ở vòng thành thứ nhất, chúng ta dễ dàng nhận thấy hệ thống các pháo đài (24 pháo đài), giác bảo (pháo đài gốc ở mỗi mặt thành), pháo xưởng (có khi được gọi là hỏa dược khố, hỏa dược diêm tiêu khố, tức nơi chứa đạn pháo), pháo môn (cửa đặt pháo, có khi gọi là pháo nhãn) được thiết lập và bố trí rất chỉnh bị, tương ứng với chức năng vốn có của nó.
Qua những biến thiên của thời gian, lịch sử, đặc biệt là sau khi triều Nguyễn cáo chung, rồi chiến tranh, binh lửa nhiều năm, Thượng thành Huế dần trở nên hoang phế và trở thành nên cư ngụ của nhiều hộ gia đình, vì nhiều lý do phải quần cư về đây. Trong ảnh là nhà cửa san sát, cây cối um tùm "ký sinh" và hủy hoại các pháo đài cổ quý giá trên Thượng thành Huế. Ảnh Văn Đình Huy
Thực hiện đề án di dân Kinh thành Huế, đến nay đã có hàng trăm hộ gia đình ngụ cư trên Thượng thành Huế di dời về nơi ở mới để trả lại không gian, giá trị kiến trúc nguyên thủy cho các pháo đài cổ. Trong ảnh là một bức tường thành cạnh các ô pháo nhãn từng được người dân ngụ cư "trưng dụng" làm tường một công trình lưu trú tạm bợ.
Giờ đây, khi Thượng thành đã trở nên phong quang, thoáng đãng sau khi nhà cửa được giải tỏa, các vật kiến trúc, cây dại được lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên dọn dẹp, các pháo đài cổ lần lượt lộ ra mang đến một sức hút mạnh mẽ cho nhiều người tìm đến đây chiêm ngưỡng, khám phá.
Sau khu vực pháo đài Nam Xương mặt nam Kinh thành Huế được trùng tu, giờ đây, nhà cửa xây lấn chiếm đất đai trên nhiều pháo đài cổ khác đã lần lượt được giải tỏa, người dân và du khách có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tham quan, khám phá, chiêm ngưỡng những công trình độc đáo, cổ xưa tại Thượng thành mà họ khó tìm thấy ở một nơi nào khác trong cả nước, ngoài Huế.
Dù trải qua hàng trăm năm, với tác động mạnh mẽ của con người và thời gian, khí hậu khắc nghiệt, chiến tranh..., nhưng các kết cấu kiến trúc trên pháo đài xưa vẫn vững chãi.
Thanh đá lớn len chèn phía dưới cửa đặt pháo (pháo nhãn, pháo môn) vẫn còn như mới.
Những lỗ đục trên các khối đá ở các pháo nhãn vẫn nguyên vẹn. Tuy nhiên, vẫn có những khối đá đã bị nứt, hỏng có thể do tác động của con người, bom đạn chiến tranh.
Tấm bia "Đông Trường đài" đặt gần pháo đài cổ phía Đông của Kinh thành Huế, cách cửa Đông Ba không xa, hiện vẫn vẹn nguyên đính vào mặt trong tường thành phía đông Kinh thành Huế. Chữ viết trên bia cổ vẫn còn sắc nét.
Một hỏa dược khố (kho đạn pháo) phát lộ sau khi di dời nhà cửa, phát dọn cây cối, bụi rậm hoang hóa trên Thượng thành Huế.
Đại pháo môn (cửa đặt đại bác) ở Đông Thành thủy quan cũng vừa "phát lộ" sau khi giải tỏa nhà dân gần cầu Lương Y.
Theo tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: những công trình trên Thượng thành Huế hết sức có giá trị. Nơi đây nên sớm tái tạo lại không gian cổ xưa và hình thành tour du lịch khám phá Thượng thành Huế để phát huy giá trị di tích; mang đến "món ăn" mới về tham quan, khám phá di sản Huế phục vụ du khách, người dân.