Hiện tượng Mặt Trăng che Mặt Trời tại thị trấn Exmouth, Australia. Ảnh: AP
Dưới bầu trời không một gợn mây, 20.000 người theo dõi nhật thực ngày 20/4 đã tập trung về một phần bờ biển phía Tây Bắc Australia để chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực lai hiếm có kéo dài vỏn vẹn 1 phút.
Thị trấn xa xôi Exmouth, nơi sinh sống của chưa đầy 3.000 cư dân, là một trong những điểm thuận lợi nhất ở Australia để xem nhật thực. Người xem đã tụ tập trong nhiều ngày, cắm lều trại quanh rìa thị trấn và đặt các thiết bị quan sát như máy ảnh, háo hức trước hiện tượng hiếm có 10 năm mới diễn ra một lần.
"Không thể tin được? Cảnh tượng thực sự tuyệt vời. Nó thổi bay tâm trí bạn. Mọi thứ hiện ra sắc nét và sáng rõ. Mọi người có thể nhìn thấy ánh hào quang phát ra xung quanh Mặt Trời", nhà thiên văn học làm việc tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Henry Throop miêu tả.
Hình ảnh nhật thực tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: AP
Ngày 20/4, nhật thực lai bắt đầu từ vị trí trên biển, nằm gần giữa đường chéo nối mũi Hảo Vọng của châu Phi với bờ biển Nam Cực bên dưới Australia và Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, chỉ một số tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam có thể quan sát được hiện tượng này và tỷ lệ che khá thấp. Đây là hiện tượng rất hiếm đối với người quan sát tại Việt Nam trong thập kỷ này.
Nhật thực lai là hiện tượng kết hợp giữa nhật thực toàn phần và nhật thực hình khuyên.
Nhật thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời, trong đó Mặt Trăng che khuất hoàn toàn Mặt Trời. Nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt Trăng đi qua Trái Đất và Mặt Trời, nhưng Mặt Trăng ở vị trí khá xa nên kích thước có vẻ nhỏ hơn Mặt Trời và không thể che hoàn toàn.
Do độ cong của Trái Đất, một số khu vực nhìn thấy nhật thực hình khuyên, còn một số khu vực khác chứng kiến nhật thực toàn phần.