Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển một kiến trúc chip lai mới có thể đưa thế giới tiến một bước gần hơn tới việc đạt được Trí tuệ Tổng quát Nhân tạo (AGI hay artificial general intelligence) và một tương lai với đầy các cỗ máy suy nghĩ như con người. Và nó cũng cho thấy sự tiến bộ trong năng lực thiết kế chip tiên tiến của Trung Quốc.
Để minh chứng cho những tiến bộ mới trong con chip của họ, các nhà nghiên cứu đã tạo nên một chiếc xe đạp tự lái sử dụng con chip lai mới này. Kết hợp với các bộ phận khác như camera, con quay hồi chuyển, đồng hồ đo tốc độ, các động cơ vận hành và điều khiển tay lái trên chiếc xe đạp, con chip mới – có tên Tianjic – giúp chiếc xe không chỉ tự lái mà còn có thể đi vòng qua các chướng ngại vật, thậm chí còn phản hồi lại các câu ra lệnh bằng giọng nói đơn giản.
Tianjic là thành quả từ công trình nghiên cứu của giáo sư Shi Luping và các đồng nghiệp tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc. Theo các nhà nghiên cứu, Tianjic được thiết kế bằng cách tích hợp giữa các cách tiếp cận theo hướng khoa học điện toán và cách tiếp cận theo hướng khoa học thần kinh, để phát triển AGI.
Đây chính là điểm đặc biệt trong kiến trúc thiết kế của Tianjic, khi nó là sự kết hợp giữa thiết kế của Von Neumann dành cho các con chip thông thường và thiết kế mạng thần kinh nhân tạo dành cho các bộ xử lý được thiết kế cho máy học.
Để làm được điều này, Tianjic mang trong mình kiến trúc đa lõi, với nhiều block bên trên có thể cấu hình lại và một đường dẫn dữ liệu liền mạch cùng các lược đồ mã hóa lai (hybrid coding scheme). Do vậy, Tianjic không chỉ tương thích với các thuật toán máy học trong khoa học máy tính, mà còn dễ dàng thực thi được các thuật toán lấy cảm hứng từ não người, và nhiều lược đồ mã hóa khác.
Chính nhờ sự kết hợp giữa hai kiến trúc này, Tianjic có thể chạy được các phần mềm thông thường, cũng như vận hành các mạng lưới thần kinh nhân tạo để chiếc xe đạp có thể thực hiện các tác vụ như phát hiện các chướng ngại vật, điều khiển động cơ lái và tự cân bằng, và nhận diện giọng nói, thông qua các cảm biến gắn trên xe.
Trả lời trong một cuộc phỏng vấn vào thứ Năm vừa qua, ông Shi, giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu Điện toán Não người thuộc Đại học Thanh Hoa, cho biết: "Con chip dành cho Trí tuệ nhân tạo Tổng quát này có tiềm năng áp dụng trong mọi lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Xe tự lái, robot và tự động hóa sẽ là những lĩnh vực mà con chip này có thể làm nên sự khác biệt."
Ông Shi nói rằng, con chip này thể hiện rõ "khả năng của mình trong việc hỗ trợ nhiều lược đồ code khác nhau và có khả năng thích ứng trong những môi trường phức tạp."
Chiếc xe đạp tự lái trang bị Tianjic và các bộ phận cảm biến khác.
Theo ông Shi, giờ đây các nỗ lực nhằm vào việc ươm mầm các startup tập trung vào việc phát triển các ứng dụng dựa trên thiết kế chip Tianjic của nghiên cứu này. Mục tiêu của họ là sẽ ra mắt một phiên bản chip này có khả năng sản xuất hàng loạt vào đầu năm tới, nhưng không cho biết các chi tiết về đối tác thương mại tiềm năng, cũng như chi phí cho một kế hoạch như vậy.
Con chip này cũng cho thấy sự tiến bộ của Trung Quốc trong việc phát triển năng lực tự thiết kế chip. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng ngành công nghiệp chip riêng của mình, và điểm yếu về năng lực công nghệ này đã bị nước Mỹ khai thác trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra.
Mặc dù năng lực tự sản xuất các con chip máy tính tiên tiến nhất thế giới vẫn đang nằm ngoài tầm tay mình, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang cho thấy họ có thể làm nên các chip AI chuyên dụng có chất lượng không kém bất kỳ nước nào.
Tham khảo Technology Review