Chiếc xe đạp cũ của ngoại

LƯƠNG HÒA |

Từ hai đứa trẻ nghèo đã nhiều lần muốn từ bỏ con đường đến trường, nhờ có chiếc xe đạp cũ của ngoại, chị em tôi chạm được vào ước mơ của mình. Đó chính là tình yêu to lớn mà ông dành cho chúng tôi.

Buổi sớm mai thức dậy, mở nhẹ cánh cửa bên hiên, một làn gió mát thổi vào, hít một hơi thật sâu, cảm giác thật dễ chịu. Ngồi nhìn chiếc xe đạp của con được treo lên vách tường, gợi lại trong tôi chiếc xe đạp cũ của mình - kỷ vật của ông ngoại. Từ ngày có chiếc xe đạp cũ của ông, những cuộc phiêu lưu của tôi và em trai trong hành trình tuổi thơ lại càng khó quên. Ôi kể sao cho hết những ngày tháng tuổi thơ đẹp đẽ ấy.

Tuổi thơ nghèo khó và chiếc xe cũ

Hơn hai mươi năm qua, với những đứa trẻ vùng trung du miền núi phía Bắc (xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) như chúng tôi, để có một chiếc xe đạp đi học là điều xa xỉ. Vốn sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em nên các anh chị tôi thôi học sớm, khi chưa xong tiểu học và vì đám trẻ trong xóm đứa nào cũng bỏ học sớm theo bố mẹ lên nương.

Chỉ có tôi và cậu em trai là được đến trường. Hai chị em tôi ước ao có được một chiếc xe đạp để chở nhau đi học nhưng đó chỉ là ước mơ. Hồi học cấp một, hai chị em tôi phải thức từ tờ mờ sáng để đến trường. Mấy năm ròng dắt tay nhau đi bộ từ nhà đến trường, ngôi trường xa tít. Con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu như hành trang đến lớp của chị em tôi.

Những lúc mưa giông nó như một "đám ruộng sụt", còn những ngày nắng tháng 5 đổ lửa con đường về nhà như dài thêm. Con đường đến trường chẳng mấy dễ dàng với chị em tôi nhưng chúng tôi vẫn kiên trì việc học…

Chiếc xe của ông tôi theo năm tháng đã già nua, cũ kỹ như chính cái tuổi của ông. Những con ốc đã lung lắc như muốn rời ra khỏi chiếc xe. Sườn xe đầy vết trầy xước, bạc thếch, loang lổ vết hoen ố. Cái cổ xe cong cong phủ dày một lớp sét gỉ, lệch sang một bên. Bụi và bùn đất bám khắp thân xe, khiến khối sắt trở nên cũ kỹ. Mỗi lần đạp, tiếng xe kêu lên tưởng như đang nghe những hơi thở khô khốc của chú ngựa già quặt quẹo, thoi thóp trong bụi thời gian.

Vì muốn viết tiếp ước mơ đến trường của hai đứa cháu nhỏ mà biết bao buổi trưa hè nóng nực, ông cặm cụi đem đồ nghề ra gốc cây vải trong vườn để sửa chiếc xe. Ông tôi khéo tay lắm! Với đôi bàn tay gân guốc của ông, từng con ốc đã được lau sạch, bắt vít cẩn thận, xích líp được tra thêm dầu mỡ, chiếc xe như được lột xác trở thành một chàng thanh niên khỏe khoắn, rắn rỏi.

Chẳng phải là thợ sửa xe chuyên nghiệp nhưng những đồ dùng được sửa bởi bàn tay ông lại trở nên hoàn hảo. Bà vẫn thường kể cho chúng tôi nghe về tuổi thơ của ông. Bà bảo ông cháu khổ lắm, mẹ mất sớm, nhà có hai anh em. Mọi việc lớn nhỏ ông đều cáng đáng. Lên tám tuổi ông phải đi ở cho nhà địa chủ trong vùng. Đó là những năm tháng cơ cực nhất trong đời ông, vì thế việc gì ông cũng biết làm.

 Chiếc xe đạp cũ của ngoại  - Ảnh 1.

Ông bà ngoại của tác giả

 Chiếc xe đạp cũ của ngoại  - Ảnh 2.

Một thời bao học sinh nghèo như chúng tôi đi học với chiếc xe đạp cũ như thế này Ảnh: LƯƠNG HÒA - INTERNET

"Báu vật" tiếp bước đến trường

Trải qua tuổi thơ cơ cực nên ông càng thương cháu nhiều hơn! Khi chiếc xe sửa xong, ông đạp đi mười mấy cây số mang lên cho cháu ngoại. Ở cái tuổi ngoài bảy mươi mà trông ông tôi còn khỏe lắm.

Tôi vẫn còn nhớ vào một ngày cuối thu, chị em tôi mắc võng bên cây mít trước nhà, nằm đọc những cuốn sách cũ của anh chị để lại chuẩn bị cho năm học mới, bỗng nghe âm thanh "cút kít" ở đầu ngõ, nhìn ra thì thấy ông ngoại đang ngồi trên chiếc xe đạp chạy vào ngõ nhà. Đứa em trai tôi kêu to: "A! Ông ngoại. Chị ơi, ông ngoại kìa". Hai đứa trẻ vui mừng tíu tít, bỏ cuốn sách trên tay chạy đến đón ông.

Chưa kịp cho ông thở, chúng tôi đã hỏi ông dồn dập: "Ông ơi, ông có mệt không ạ! Ông có xe đẹp thế ạ! Ai mua cho ông vậy?". Ông tôi cười hiền lành, rồi xoa đầu hai đứa cháu. Ông mở cái làn cói đưa ra một túi kẹo rồi nói: "Kẹo của hai cháu đây, đem chia cho các bạn nữa nhé!" Được cho kẹo hai chị em tôi vui lắm, vì đối với chúng tôi kẹo là món quà xa xỉ chỉ dành cho những đứa trẻ thành phố mà thôi. Họa hoằn lắm mới được ăn.

Tôi theo sau ông, nhìn dáng người cao, gầy, gương mặt hốc hác, rám nắng, khắc khổ nhưng lại toát lên vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát. Ông nói: "Chiếc xe này thưởng cho hai cháu đi học. Ông già rồi không đi đâu nhiều". Lên nhà tôi, ông chỉ kịp ăn vội bữa cơm chiều rồi bố lại chở ông về bằng chiếc xe đạp cũ ấy. Nhìn dáng ông khuất dần trong bóng chiều tà, tôi thương ông lắm. Tự hứa phải học thật giỏi để không phụ tấm lòng của ông.

Nhìn chiếc xe đạp dựng bên hiên nhà, niềm sung sướng hiện rõ trên gương mặt tôi và cậu em trai, vì bao ngày ao ước giờ đã trở thành hiện thực. Chị em tôi thay nhau lau chùi chiếc xe, coi nó như báu vật. Và những ngày hè đã kết thúc, năm học mới cũng tới, tôi chờ đến ngày này để được ngồi trên chiếc xe đạp bon bon đến trường.

Được lao vèo vèo xuống con dốc mà không phải đạp, cho gió lùa vào từng kẽ tóc, cảm giác thật thích. Hay lúc đạp xe từ từ ngang qua cánh đồng lúa mới trổ bông mùi sữa non thơm ngào ngạt còn vương vấn mãi. Rồi cả những ngày mưa con đường lầy lội, trơn tuột, quần áo hai đứa trẻ lấm lem bùn đất vì mới "đo đường". Tuổi thơ cứ thế trôi qua thật êm đềm, chiếc xe như người bạn của hai chị em chúng tôi trên từng chặng đường.

Rồi thời gian trôi đi, giờ đây ông không còn nữa nhưng chiếc xe cũ vẫn còn đó. Nó như một chứng tích của thời gian, cùng chị em tôi lớn lên và trưởng thành. Từ hai đứa trẻ nghèo đã nhiều lần muốn từ bỏ con đường đến trường, nhờ có chiếc xe đạp cũ của ngoại tiếp bước, chị em tôi chạm được vào ước mơ của mình.

Đó chính là tình yêu to lớn mà ông dành cho chúng tôi. Giờ đây, em trai tôi đã là một giảng viên đại học, còn tôi đã trở thành một cô giáo. Chúng tôi đã trưởng thành nhưng ông không còn để chúng tôi đền đáp công ơn! Ông ơi, chúng cháu nhớ ông nhiều lắm! Tôi tin ở thế giới bên kia, ông vẫn luôn dõi theo và động viên chị em tôi. Chắc hẳn ông sẽ rất vui vì chúng tôi đã trưởng thành và viết tiếp ước mơ đến trường của bao lớp trẻ hôm nay.

Bao năm trôi qua, chiếc xe đạp giờ đây chỉ còn là hoài niệm nhưng nó là dấu ấn khó quên về ngoại tôi một thời khốn khó. Giờ đây, trên dòng đời vội vã, có nhiều chiếc xe đạp đẹp và hiện đại nhưng với tôi, chiếc xe cũ của ngoại đẹp nhất. Những ngày giãn cách, mọi con đường ở thành phố nơi tôi ở trở nên vắng vẻ, ký ức tuổi thơ lại ùa về, cảm giác ngồi trên xe đạp phóng thật nhanh đến trường trên con đường quê, tận hưởng cái mát lạnh của sớm mai vẫn còn mới nguyên như hôm qua.

"Cho hai cháu đi được an toàn"

Yêu ông và trân quý chiếc xe bao nhiêu, chị em tôi càng ráng sức học hành. Những ngày cuối tuần, chị em tôi lại chở nhau về thăm và phụ giúp ông bà. Ngoài bảy mươi tuổi nhưng ông bà vẫn làm ruộng, nuôi gà trồng rau để tự lo cho cuộc sống... Lúc này, bàn tay run run của ông lại siết từng con ốc, tra từng miếng dầu mỡ và tăng sên cho chiếc xe đạp.

Ông nói "Vậy cho hai cháu đi được an toàn". Tôi biết ông rất quý chiếc xe đạp ấy nên tôi sẽ cố gắng giữ gìn nó. Còn nhớ ngày hè nắng nóng, ông cởi trần mặc chiếc quần đùi ngồi gốc cây vải để hai đứa cháu gãi lưng cho rồi ông kể chuyện ngày xưa. Ông kể chuyện hay lắm! Những chuyện từ Đông Tây kim cổ ông đều nhớ, cả những câu chuyện nối dài trong sự nghèo khó của người dân nơi đây qua lời kể của ông đã trở thành thước phim ngắn mà đến giờ tôi vẫn nhớ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại