Đội cận vệ
Hiện nay, các tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1 đang được bảo vệ bằng những hệ thống tên lửa tầm thấp Strela-10M và/hoặc pháo tự hành ZSU-23-4M. Về cơ bản những vũ khí này vẫn đáp ứng được yêu cầu vừa bảo vệ những hệ thống phòng không tầm xa, vừa đánh địch độc lập.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tác chiến phòng không trong tương lai, khi đối phương sử dụng đòn tập kích đường không bằng vũ khí hiện đại, có điều khiển chính xác và nhất là có khả năng tàng hình thì rõ ràng các cận vệ của S-300 hiện nay sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Nếu đối phương tấn công ồ ạt cùng lúc, từ nhiều hướng vào trận địa S-300PMU1, thì Strela-10M và ZSU-23-4M khó có thể xoay trở, chống đỡ hiệu quả, nhất là với các vũ khí có đường bay phức tạp, xiên hoặc ngang qua trận địa của 2 loại hỏa lực này.
Hệ thống Strela-10M
Do vậy, tất yếu phải có cận vệ mới, hiện đại hơn, có khả năng chuyển cấp nhanh, đánh được nhiều mục tiêu cùng lúc ở mọi hướng và liên kết với hệ thống chỉ huy tự động của S-300PMU1 - điều vốn là hạn chế cố hữu của Strela-10M và ZSU-23-4M.
Hơn thế nữa, bên cạnh việc bảo vệ trực tiếp cho S-300, cận vệ mới còn phải làm được nhiệm vụ cơ động, phục kích, đón lõng đánh địch trong thế trận phòng không khu vực và phòng không quốc gia.
Đây có thể chính là nguyên nhân khiến Việt Nam quyết định mua tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung SPYDER do Israel sản xuất. Các tổ hợp SPYDER đáp ứng hoàn hảo cho nhiệm vụ đánh mục tiêu bay thấp, là sự bổ sung kịp thời và đúng đắn cho lưới lửa phòng không nhân dân, phòng không tầm thấp vốn chủ yếu dựa vào pháo cao xạ, tên lửa tầm thấp.
Nhưng trên hết, SPYDER còn là một trong những ứng viên sáng giá nhất cho nhiệm vụ cận vệ mới của S-300. Tại sao vậy? Ưu điểm nổi bật nào khiến cho tổ hợp này nếu cặp cùng S-300 sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về chất, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh tương lai?
Thứ nhất, SPYDER tự hành đồng bộ trong đội hình bánh lốp cùng S-300, khai thác tối đa ưu thế cơ động tốc độ cao trên các đường giao thông, thay vì các loại bánh xích phải kèm xe chở tăng như hiện nay. Qua đó giảm bớt sự phức tạp khi chuyển trận địa và rút ngắn thời gian triển khai, thu hồi - yếu tố sống còn, đặc biệt quan trong trong tác chiến phòng không hiện đại.
Thứ hai, SPYDER vừa có thể cơ động phục kích, đón lõng chặn kích mục tiêu từ vòng ngoài vừa có thể cùng lúc đánh được nhiều mục tiêu bay thấp, từ nhiều hướng để bọc lưng cho trận địa S-300.
Thứ ba, liên kết với hệ thống chỉ huy tự động của S-300 nhờ kết nối mạng thông tin chỉ huy và tình báo phòng không qua khí tài vô tuyến mã hoá cự ly xa.
Tổ hợp S-300 có cổng chờ để kết nối dữ liệu, đồng bộ tham số, từ dữ liệu radar cho tới thực lực chiến đấu, phân bổ, giao nhiệm vụ diệt địch cho các đơn vị hỏa lực có trong biên chế. Để làm được điều đó, quan trọng nhất là cần nâng cấp phần mềm và tích hợp, đồng bộ dữ liệu giữa S-300 và SPYDER.
Đây không phải là bất khả thi mà hoàn toàn có thể bởi lẽ bản thân S-300 có thiết kế mở, sẵn sàng cho việc đồng bộ và hiệp đồng tác chiến với các phân đội tên lửa phòng không khác loại. Thứ tư là, khả năng chuyển cấp nhanh rất phù hợp để ứng phó với máy bay hoặc vũ khí có điều khiển chính xác bay thấp tập kích trận địa.
Cả S-300 và SPYDER đều có tính năng triển khai/thu hồi nhanh toàn bộ tổ hợp trong khoảng thời gian dưới 5 phút. Chính vì thế, nếu S-300 có thêm cận vệ mới là SPYDER thì sẽ là điều hoàn toàn hợp lý, đủ sức tạo bất ngờ lớn cho đối phương.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc Việt Nam mua SPYDER để thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có bảo vệ hệ thống S-300.
Nhưng theo tờ Russia Today hồi cuối tháng 6/2016, ngoài tác chiến độc lập, các tổ hợp SPYDER của Việt Nam sẽ đảm nhận nhiệm vụ chính là làm vệ sĩ cho tổ hệ thống phòng không tầm xa S-400. Và chỉ với nhiệm vụ này, SPYDER mới phát huy được sức mạnh của mình.
Chiếc ô phòng không khi có S-400
Và trong tình huống Việt Nam sở hữu những hệ thống S-400 với 4 tiểu đoàn, hệ thống này sẽ tạo thành chiếc ô phòng không hoàn hảo.
Bởi với tầm quan sát mục tiêu lên đến 600 km, S-400 có thể bao trùm lên các cụm sân bay nằm dọc biên giới Việt Nam và trên đảo Hải Nam, dễ dàng phát hiện các cụm không quân tác chiến đường không xuất kích và theo dõi hướng bay.
Ngoài ra, S-400 còn có thể phát hiện và theo dõi mọi phương tiện bay khác nhau bao gồm tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Bất cứ động tĩnh nào trên không trong khu vực này cũng sẽ lọt vào tầm theo dõi của hệ thống radar S-400 và có thể là các hệ thống cảnh báo sớm tầm xa khác của Việt Nam...
Tầm xa chiến đấu của S-400 có khoảng cách lên đến trên 250 km, do đó hai căn cứ không quân của Việt Nam đều nằm trong ô phòng không của hệ thống tên lửa này. Các máy bay tiêm kích đa nhiệm chủ lực Su-30MK2 hoàn toàn có thể phối kết hợp với lực lượng phòng không thực hiện nhiệm vụ xuất kích chiếm ưu thế trên không.
Cùng với các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung và tầm gần khác, trong đó có các tổ hợp SPYDER, Strela-10M, ZSU-23-4M và các tổ hợp pháo, tên lửa phòng không tầm thấp hiện có khác tạo ra một hệ thống phòng không nhiều tầng nhiều lớp.
Hệ thống phòng không với S-400 làm nòng cốt có thể vươn rộng khoảng cách tấn công, đánh chặn các phương tiện bay, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trên nhiều tuyến khác nhau ngay từ khi các nguy cơ này bắt đầu xâm nhập vào không phận hoặc tuyến phân chia ranh giới Vịnh Bắc Bộ.
Từ những suy luận trên, với S- 400 Việt Nam có thể hình thành hệ thống Chống tiếp cận/Chống xâm nhập với tầm xa lên đến 250 km, bao trùm hầu hết biên giới phía bắc và khu vực Vịnh Bắc Bộ, đồng thời đảm bảo phòng không cho căn cứ hải quân chiến lược.
Với S-400, kẻ địch sẽ mất ưu thế số lượng trên Biển Đông, bởi lẽ hệ thống tên lửa đáng sợ này có thể bao phủ tầm giám sát rất rộng, toàn bộ khu vực này sẽ nằm trong tầm không kích của không quân Việt Nam, kể cả cường kích Su-22UM3K - dù chúng không phải là máy bay thế hệ mới.