Ngày 8/7, ảnh vệ tinh phát hiện một chiếc MiG-21 tại sân bay Hmeymim ở tỉnh Latakia. Đây là lần đầu tiên một chiếc MiG-21 của Nga xuất hiện tại sân bay này.
Syria hiện đang còn trong trang bị khoảng 50 máy bay MiG-21 (với các biến thể H/J/MF/PF/PFM), chiếc MiG-21 tại Hmeimim được cho là biến thể mới nhất MiG-21-97 của Nga.
Các biến thể của Syria có trong trang bị đa phần chỉ có khả năng đánh chặn và được trang bị các tên lửa không đối không Vympel K-13, Kaliningrad K-5 và pháo GSh-23. Syria chỉ có thể sử dụng MiG-21 để ném các loại bom không điều khiển và kém chính xác.
Tập đoàn máy bay MiG từ lâu đã thực hiện chương trình nâng cấp "gia đình" các máy bay MiG-21 để tăng hả năng chiến đấu của máy bay lên tương ứng với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 (MiG-29, Su-27, F-14, F-15, F-16, F/A-18...).
Từ 1998 đến 2005, Không quân Ấn Độ đã nâng cấp 125 máy bay chiến đấu MiG-21 trên cơ sở dự án MiG-21-93 của Tập đoàn MiG.
Trong quá trình nâng cấp MiG-21-93 Bison của Ấn Độ, hệ thống điều khiển vũ khí mới bao gồm radar đa chức năng "Kopyo". Radar có khả năng theo dõi tới 8 mục tiêu và chỉ định tấn công đồng thời hai mục tiêu nguy hiểm nhất.
Máy bay chiến đấu được trang bị các hệ thống dẫn đường, liên lạc, các hệ thống đo đạc điện tử mới, ghi hình video, hệ thống tích hợp giám sát, ghi và xử lý dữ liệu chuyến bay. Hệ thống cung cấp điện và điều hòa không khí đã được cải thiện .
Bộ vũ khí trên máy bay chiến đấu được mở rộng đáng kể, nó được bổ sung thêm tên lửa tầm trung RVV-AE và R-27R1/T1, Tên lửa tầm ngắn VR-73E "AA" và bom dẫn đường KAB-500Kr biến máy bay đánh chặn MiG-21 trở thành một chiếc cường kích hiện đại.
MiG-21-97 là một gói nâng cấp sâu hơn MiG-21-93, thay động cơ Tumansky R-25-300 bằng động cơ Klimov RD-33 và trang bị các hệ thống máy tính phụ chuyên dụng SVP-24 Gefest, cho phép bom không điều khiển biến thành vũ khí có độ chính xác cao.
Syria hiện đang phải phụ thuộc vào một số lượng nhỏ cường kích Su-22, Su-24 và máy bay huấn luyện L-39 để không kích phiến quân. Việc MiG-21 nhanh chóng được nâng cấp để thực hiện các nhiệm vụ cường kích được cho là "chìa khóa" của chiến thắng trong tương lai.