Theo Interesting Engineering, một dự án đầy tham vọng đang được tiến hành tại Les Sables-d'Olonne, Pháp, dưới sự dẫn dắt của nhà thám hiểm Bertrand Piccard, với mục tiêu chinh phục bầu trời bằng cách sử dụng hydro xanh làm nhiên liệu. Chiếc máy bay có tên Climate Impulse, với thiết kế độc đáo và công nghệ tiên tiến, đang được phát triển để thực hiện một chuyến bay liên tục quanh xích đạo trong vòng 9 ngày, không hề phụ thuộc vào xăng dầu hay năng lượng mặt trời.
Dự kiến chiếc máy bay sẽ thực hiện chuyến bay này vào năm 2028. Việc thử nghiệm sẽ bắt đầu vào năm 2026.
Thiết kế của Climate Impulse bao gồm một khoang trung tâm nhỏ cho các phi công, hai bên là hai bình chứa hydro lỏng lớn. Một chiếc cánh mỏng giúp kết nối các thành phần này. Mỗi bình chứa có một cánh quạt gắn phía trước và đuôi, giúp tạo lực đẩy và sự ổn định.
Climate Impulse hứa hẹn sẽ mở ra một chương mới cho ngành hàng không, khi bộ phận lái thu gọn kết hợp cùng hai bình chứa hydro lỏng lớn, giữ nhiệt độ ở mức -253 độ C, đảm bảo sự ổn định cần thiết cho máy bay. Động cơ điện sẽ hoạt động nhờ hydro, với sự hỗ trợ của các tế bào nhiên liệu, và việc duy trì nhiên liệu ở trạng thái lỏng chính là bài toán lớn nhất mà nhóm nghiên cứu đang phải giải quyết.
Nhóm thiết kế đang hợp tác với công ty khoa học Syensqo để phát triển các hệ thống tiên tiến, với hy vọng rằng Climate Impulse sẽ không chỉ là một bước tiến trong việc giảm thiểu lượng khí thải carbon của ngành hàng không mà còn chứng minh được khả năng thực tế và kinh tế của việc bảo vệ môi trường mà không đòi hỏi sự hy sinh lớn về mặt tài chính hay hành vi.
Được biết, Bertrand Piccard nổi tiếng với các chuyến bay tiên phong vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu và máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời có tên là Solar Impulse. Trong dự án này, một chiếc máy bay sử dụng năng lượng mặt trời đã bay vòng quanh thế giới vào các năm 2015 và 2016.
Tuy nhiên, Piccard lại cho rằng với mục tiêu hành động vì khí hậu và khôi phục niềm tin vào các giải pháp công nghệ vì lợi ích chung. Piccard cho biết máy bay năng lượng mặt trời không thiết thực với ngành hàng không thương mai. Bởi máy bay càng lớn thì càng cần nhiều pin năng lượng mặt trời, khiến một phần năng lượng bị lãng phí để mang theo khối lượng pin nặng nề. Trong khi đó, hydro lại cung cấp mật độ năng lượng cao hơn đáng kể, cho phép bay xa hơn với trọng lượng nhiên liệu nhẹ hơn. Do đó, trong trường hợp này, việc sử dụng hydro sẽ hiệu quả hơn.
Bertrand Piccard tin rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp bách, ngành hàng không đang đối mặt với áp lực lớn để giảm lượng khí thải carbon. Dự án phát triển một chiếc máy bay chạy hoàn toàn bằng hydro này chính là giải pháp đầy hứa hẹn. Thậm chí, nó sẽ là chất xúc tác quan trọng cho sự chuyển đổi của ngành hàng không.
*Nguồn: Interesting Engineering