Ở giữa một vùng đất xa xôi hẻo lánh của xứ sở chuột túi kangaroo, có một thị trấn kỳ lạ nằm dưới lòng đất, nơi có những ống khói mọc lên từ cát và cả những tấm biển lớn màu đỏ cảnh báo mọi người về "những cái hố miệng rộng".
Đây là lối đi dẫn tới một thị trấn ngầm tuyệt đẹp dưới lòng đất.
Nhiều tấm biển cảnh báo về những cái hố được đặt ở mọi nơi để tránh gây tai nạn cho mọi người.
Đó không phải là hố tử thần mà chính là con đường dẫn đến một thị trấn ngầm tuyệt đẹp mà bất cứ ai đến thăm cũng chẳng muốn về - thị trấn Coober Pedy.
Và chính những cái hố trông có vẻ "rợn người" kia sẽ là đường dẫn bạn đến một thế giới ngầm, nơi cư dân của thị trấn xây dựng nhà cửa, khách sạn, nhà hàng, quán bar, nhà thờ...
Tất cả đều tiện nghi, hiện đại và đẹp đẽ không kém gì thế giới trên mặt đất.
Vị trí của thị trấn Coober Pedy trên bản đồ nước Úc.
Nhìn từ trên cao, thị trấn này trông như một vùng hoang mạc.
Những ống khói của các hộ gia đình.
Coober Pedy là một thị trấn nhỏ nằm ở phía Bắc miền Nam nước Úc, cách Adelaide 850 km về phía Bắc.
Thị trấn này ban đầu được đặt tên theo tên nhà thám hiểm người châu Âu John McDouall Stuart, người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này vào năm 1858, sau đó đến năm 1920 được đổi tên thành Coober Pedy.
Bởi theo ngôn ngữ của những người thổ dân địa phương, Coober Pedy có nghĩa là “cái hố của người da trắng”.
Chuyện bắt đầu từ năm 1917, khi một cậu bé 14 tuổi tình cờ phát hiện ra một mỏ đá opal (hay còn gọi là ngọc mắt mèo) lớn khi đang đi cắm trại cùng nhóm tìm vàng của cha.
Vài năm sau đó, hàng trăm người đã đổ về đây để khai thác đá quý. Tuy nhiên, vào mùa hè, nhiệt độ ở Cooper Pedy thường vượt quá 40 độ C.
Trong những ngày nóng nực này, độ ẩm của không khí không bao giờ vượt qua 20%, cây cối không thể sống được.
Thậm chí, vào những tháng mùa hè, nhiệt độ ở thị trấn này có thể đạt tới 50 độ C. Ngay cả khi đứng trong bóng râm, người ta cũng cảm thấy nóng bức ngột ngạt vô cùng khó chịu.
Sau Thế chiến I, những người lính trở về nhà và bắt đầu khai thách đá opal.
Nhiều người đã biến các hầm mỏ mà họ đã đào bới để tìm đá thành những ngôi nhà tạm để thoát khỏi cái nóng bức. Dần dần, người ta biến chúng thành nơi cư trú vĩnh viễn và thành lập cộng đồng dân cư, ngày một đông đúc.
Một cửa hàng sách bên trong thị trấn.
Nhà hiện đại hơn thì phải xây dựng bằng cách đào sâu về phía các sườn đồi.
Những ngôi nhà này sang trọng không khác gì một ngôi biệt thự bình thường, có đầy đủ hệ thống điện, nước, Internet, các ngôi nhà có cả phòng khách, bếp, tủ đứng, quầy bar nhỏ, cột nhà…
Tất cả các phòng đều được lắp đặt các ống thông hơi dẫn lên trên để giữ được nhiệt độ mát mẻ bên dưới.
Khách du lịch cũng có thể trải nghiệm cuộc sống ở Coober Pedy với gia giá 150 đô la Úc (hơn 2 triệu đồng) một đêm.
Một điểm đặc biệt khác là thị trấn này có tới 250.000 hầm lò các loại cùng các biển hiệu để cảnh báo du khách đến thăm về sự nguy hiểm khi đi lại mà không nhìn dưới chân.
Những biển hiệu cảnh báo này nổi tiếng đến nỗi chúng còn được in lên áo phông, cốc cà phê, cờ, túi xách và rất nhiều vật dụng mà du khách có thể mua làm quà tặng ở nơi đây.
Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng sống ở những hầm ngầm như vậy không an toàn chút nào cả nhưng những ngôi nhà tuyệt đẹp này được dựng bằng bức tường đá sa thạch kiên cố.
Cho tới bây giờ người ta vẫn sống yên bình ở đó mà không gặp phải bất cứ sự cố nào.
Một khách sạn hạng sang trong thị trấn ngầm.
Nhà hàng với thiết kế vô cùng độc đáo.
Có cả cửa hàng trang sức.
Vì ở sâu dưới lòng đất nên dù nhiệt độ trên mặt đất có lên tới 50 độ C vào mùa hè hay dưới 0 độ vào mùa đông thì nhiệt độ ở những ngôi nhà trong lòng đất luôn luôn ở mức 24 độ C, quá hoàn hảo.
Ngày nay Coober Pedy là nơi cung cấp đá quý opal chất lượng hàng đầu thế giới, là nơi sản xuất số lượng lớn opal trắng của thế giới.
Thị trấn có hơn 70 điểm khai thác opal và là khu vực khai thác đá quý lớn nhất thế giới. Cooper Pedy hiện cũng thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước Úc đến thăm quan.