Pha cứu người trên ngọn cây
Hình ảnh tư liệu mà đội tìm kiếm cứu nạn của Đồn biên phòng Ngư Thủy còn lưu giữ, hình ảnh kỳ lạ nhất, đó là một người phụ nữ được đưa xuống ca nô từ một ngọn cây ở sát hiên nhà.
Ngôi nhà này khá cao ráo, vị trí tránh bão là 2 cánh cửa được kèo chặt trên 4 cây cột cách mặt đất 2 mét. Vậy nhưng tại sao người phụ nữ này lại rơi vào thảm cảnh kỳ lạ? Tôi quyết định tìm đến hiện trường vào ngày nước rút để nghe lại câu chuyện.
Người phụ nữ trèo lên ngọn cây là chị Trần Thị Bích Liên, 31 tuổi, ở thôn Ngô Bắc, xã Sơn Thủy. Ngôi nhà của chị nằm khá biệt lập ở cạnh cánh đồng nước mênh mông.
Ngày thường, đây là vị trí đắc địa để những người nông dân có thể mưu sinh bằng nghề sông nước. Tuy nhiên, trong cơn đại hồng thủy vừa qua, căn nhà nằm cạnh biển nước này lập tức bị sóng đánh sập tường từ tối hôm trước. Sóng tiếp tục ùa vào đánh sập cửa, hất tung nhà dưới, làm sập nhà bếp.
Chị Liên khóc hết nước mắt và kêu gào. Nhưng nhà chị ở vị trí rất khó tiếp cận. Nếu thuyền cứu nạn đi vào sẽ mắc giữa bụi tre, hoặc vướng vào tường rào lật úp và người đi cứu nạn có thể hy sinh.
Cuối cùng, chiếc ca nô chở những người lính trẻ xuất hiện và đưa chị rời ngọn cây. “Bộ đội biên phòng mới có thể tới được những vị trí này để cứu dân” - ông Nguyễn Văn Thục, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết. Còn chị Liên thì luôn nhắc lại rằng “không có bộ đội biên phòng tới nơi thì vợ chồng em coi như thả tay”.
Đã mấy ngày sau khi lũ rút, nhưng khi tôi trở lại ngôi nhà của bà Dương Thị Doát ở gần nhà chị Liên thì ngạc nhiên, vì thấy khung cảnh giường treo lơ lửng, cách mặt đất 2 mét vẫn chưa thay đổi.
Bà Doát kể, trưa ngày 18/10, khi gia đình bà hoảng loạn vì nước đã ngập tới giường thì ca nô biên phòng tới. Những người lính trẻ lao xuống cứu cả 6 người và nhanh chóng rời đi trên biển nước.
Lạc trong đêm lũ
Chiếc ca nô neo tại sông Kiến Giang vẫn ám đầy màu nước phù sa. Thiếu tá Nguyễn Thanh Liêm, nhân viên hàng hải của Đồn biên phòng Ngư Thủy cho biết, anh từng có thâm niên công tác tại Hải đội biên phòng 2 hơn 20 năm với bề dày kinh nghiệm biển cả, từng nhiều lần theo tàu đi cứu nạn ngư dân trong điều kiện thời tiết xấu.
Nhưng trong lần cứu nạn này thì anh nghiệm ra, biển hiểm nguy nhưng vẫn có những thuận lợi khác, đó là cứ kéo ga cho tàu chạy. Còn đường lên rốn lũ thì phải đối mặt với dây điện chằng chịt nằm mấp mé dưới mặt nước.
Trưa ngày 18/10, chiếc ca nô 85 mã lực do Trung tá Nguyễn Ngọc Tú, Đồn trưởng Đồn biên phòng Ngư Thủy trực tiếp chỉ đạo tiến vào một cù lao nằm cuối sông Kiến Giang.
Đây là khu vực nguy hiểm nhất vì nằm giữa biển nước rộng hàng ngàn héc ta, sóng và gió quăng quật như ngoài biển khơi.
Nếu ca nô đi nhanh và mắc vào dây điện thì hầu hết là sẽ bị lật và giữa biển nước rộng hàng ngàn héc ta thì khó bề sống sót. Vậy nhưng đồn trưởng vẫn ra lệnh “cứ đi, cứu càng nhiều dân càng tốt”.
Trung tá Nguyễn Ngọc Tú ra lệnh cắt 2 “hoa tiêu” ngồi trước mũi ca nô và “sự sống chết của cả đội cứu nạn nằm trong tay 2 đồng chí”. Chiếc ca nô từ thị trấn Kiến Giang tới khu vực cứu nạn ở thôn Ngô Bắc thì đi khoảng 25 phút.
Lúc khoảng 10 giờ trưa, rốn lũ hiện ra trước mũi ca nô và ai cũng sững sờ thốt lên “đây là sông hay biển vậy?”. Một vùng nước mênh mông, sóng đập ầm ầm và xô ngã từng mảng tường nhà, đánh sập hàng loạt nhà dân.
Ngày đầu tiên vào rốn lũ cứu được rất nhiều người, làm mãi nên quên cả việc trở về. Chiều tối ngày 18/10, ca nô trở về bến đỗ, trong khi trời đã sập tối, tầm quan sát mù mịt trong mưa. Đó là một tình huống hết sức nguy hiểm.
Ca nô thì không có thiết bị định vị như tàu biển, hướng đi của ca nô không rõ có dính vào đường dây điện hay không? Trên ca nô may mắn vẫn còn một chiếc pin còn tích điện, 2 đồng chí được phân công ngồi trên mũi ca nô soi mặt nước, sau đó anh em mò mẫm dò tìm, sau gần 2 giờ đồng hồ mới đưa được ca nô về bến tạm trên sông Kiến Giang.
Trong hai ngày 18 và 19/10, ca nô cứu nạn của Đồn biên phòng Ngư Thủy đã tập trung di dời, cứu 500 người dân ở các thôn Bình Minh và Dương Thủy, huyện Lệ Thủy. Công việc quần quật suốt ngày, nỗi lo lắng “ca nô vấp dây điện” luôn thường trực trong đầu những người lính. Cứ mỗi khi xong một đợt cứu nạn thì anh em lại bẻ mì tôm nhai sống lấy sức “chiến đấu” lâu dài.