Duyên nợ với pháo binh
Dù không phải là cán bộ pháo binh nhưng không biết có duyên nợ gì với pháo mà từ sau đợt hành quân lên Điện Biên cho đến khi chiến dịch mở màn đồng chí Phạm Kiệt vẫn có sự gắn bó công tác đặc biệt với các đơn vị pháo binh.
Sau lúc công binh làm xong đường qua những triền núi cao thì có lệnh cho kéo pháo vào trận địa. Những cỗ pháo nặng nề bắt đầu rời xe ô tô và được kéo bằng tay từ cây số 70 đường Tuần Giáo vào khu rừng phía trong.
Con đường kéo pháo nếu tính ra chỉ hơn mười cây số nhưng lại vắt qua nhiều ngọn núi cheo leo hiểm trở, bò quanh miệng những vực sâu. Đồng chí Phạm Kiệt được Bộ Chỉ huy chiến dịch cử làm phái viên đi đôn đốc, kiểm tra việc kéo pháo. Đại tướng đã giao nhiệm vụ cho ông:
- Anh thay mặt cho Bộ xuống kết hợp với anh Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy 351 động viên tổ chức bộ binh, pháo binh, công binh hợp sức kéo pháo. Phải bàn bạc với anh em cán bộ phụ trách, sống chết cùng chiến sĩ, đem cho được pháo vào trận địa. Ngoài ra, anh kết hợp công tác bảo vệ, bố trí quân báo vũ trang phong toả cho được các ngả đường địch có thể ra.
Đồng chí Trung tướng Phạm Kiệt (1910 - 1975).
Nhận nhiệm vụ xong, đồng chí Phạm Kiệt xuống đơn vị họp bàn ngay với đồng chí Mậu, đồng chí Hoàng cùng một số cán bộ trung đoàn. Lúc này đồng chí Lê Trọng Tấn, Đại đoàn trưởng 312 cũng cử đến hai trung đoàn phụ trách việc kéo pháo. Chỉ còn tám ngày nữa là nổ súng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để kéo pháo cho tốt. Chưa ai có kinh nghiệm về mặt này cả.
Nhưng dù sao vẫn cứ phân công cho công binh bảo đảm đường chuẩn bị tời quay, tời hãm, pháo kéo đến đâu quấn theo đến đấy; còn pháo binh và bộ binh phụ trách kéo pháo. Lúc đầu định kéo một khẩu vào trước để thử đường và thử sức người. Nhưng tính tới, tính lui làm như vậy phải chậm hàng tuần lễ.
Thời gian lúc này rất quý, không thể để lãng phí. Thế là Bộ Chỉ huy kéo pháo quyết định cho kéo pháo ngay, tin rằng anh em chiến sĩ sức lực còn khoẻ, cứ chia pháo cho từng đơn vị, động viên tốt thì mấy đèo, mấy núi cũng qua. Nhưng có một điều chúng tôi chưa lường trước là sức nặng của khẩu pháo lúc lên dốc, vì vậy sau này gặp khó khăn không khỏi lúng túng.
Chặng đầu, đường còn bằng phẳng, chưa gặp dốc cao, pháo 105 ly đi trước, cao xạ theo sau. Kéo suốt đêm đi được một cây số, nói chung chưa gặp trở ngại gì. Trước kết quả ấy, đồng chí Phạm Ngọc Mậu nói với đồng chí Phạm Kiệt:
- Đêm thứ nhất được như vậy là khá. Các chiến sĩ của ta đã biểu lộ một quyết tâm sắt đá đưa pháo vào trận địa. Cứ tình hình này, sẽ không có khẩu nào bị rút lại. Tuy vậy, qua một đêm kéo pháo trên đường bằng mà chỉ đi được một cây số, chúng tôi bắt đầu lo cho những chặng sau. Bao nhiêu là dốc cao đang chờ phía trước.
Bộ đội kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.
Đêm thứ hai có khó khăn hơn nhưng cũng trót lọt. Cho đến đêm thứ ba và hai đêm tiếp theo thì vất vả vô cùng. Có đêm mới bắt đầu vượt dốc cao thì trời đổ mưa tầm tã. Chân người giẫm mãi vào một chỗ đất cứng cũng biến thành bùn nhão. Pháo lên dốc chỉ nhích từng tý một. Một nhịp hô "hai… ba này!" các chiến sĩ chỉ kéo được chưa đầy một gang tay.
Đồng chí Phạm Kiệt và đồng chí Phạm Ngọc Mậu đi theo khẩu 105 ly đầu đàn vừa động viên anh em, vừa nắm lấy dây mà kéo. Bộ đồ dạ trên mình đồng chí Phạm Kiệt đã đẫm nước mưa và lấm bê bết, áo lót cũng ướt lạnh, nước mưa hoà với mồ hôi.
Đêm hôm ấy kéo từ tối tới sáng mới xê dịch được bảy, tám mét, và chỉ có khẩu đi đầu là qua được dốc, còn các khẩu khác phải nằm lại bên này.
Thường ngày thì kéo pháo từ chập tối cho đến 4, 5 giờ sáng là nghỉ. Nhưng hôm nay thấy tình hình trời mù sương, rất có thể tranh thủ kéo đến 6, 7 giờ sáng. Đồng chí Phạm Kiệt cùng đồng chí Phạm Ngọc Mậu thống nhất với nhau lại cho tiếp tục kéo. Trước hết là phải khua các ban chỉ huy dậy. Các đồng chí nói:
- Báo cáo đường vừa dốc vừa trơn khó đi lắm, anh em mệt cả.
Hai đồng chí tiếp tục phổ biến lệnh mới và giải thích, động viên thêm. Chỉ chốc lát, rừng cây hai bên rùng rùng chuyển động. Các chiến sĩ ai vào vị trí nấy, sẵn sàng đợi lệnh. Đồng chí Phạm Kiệt nói với anh em của một đơn vị gần đó:
- Ngày giờ gần hết mà chúng ta đi chưa được nửa đường. Chúng ta làm nhiệm vụ kéo pháo vào trận địa chỉ có hai con đường: một là quyết chiến, quyết thắng, khó khăn không lùi, hai là nửa chừng bỏ dở.
- Quyết chiến. quyết thắng!
Anh em đồng thanh hô vang. Đồng thời tiếng hò "hai… ba, này!" hùng dũng, rộn ràng lại vang lên. Anh em kéo một mạch qua dốc đúng 8 giờ sáng. Bốn khẩu 105 ly và ba khẩu cao xạ bị tụt lại sau đã vượt lên kịp những khẩu đi trước.
Anh em nghỉ ngơi đâu vào đấy, đồng chí Phạm Kiệt và đồng chí Phạm Ngọc Mậu mới bẻ lá rừng, lót ổ nằm. Đồng chí Ba, cần vụ của đồng chí Phạm Kiệt, thường những đêm kéo pháo, có lệnh nghỉ cứ giục các Thủ trưởng đi ngủ.
Đồng chí Phạm Kiệt bảo đồng chí ấy: "Đồng chí cũng ngủ để lấy sức chứ". Đồng chí ấy nói: "Tôi có nhiệm vụ gác cho đồng chí ngủ". Mỗi lần như vậy đồng chí Phạm Kiệt giao hẹn năm phút phải đánh thức dậy. Cứ thế mỗi đêm chợp mắt được vài ba lần bất chấp cả sên, vắt, muỗi.
Đồng chí Phạm Kiệt chỉ có một mảnh vải Quảng vừa dùng để làm chăn, làm chiếu, vừa làm màn. Biđông, súng lục, gậy, tôi xếp bên mình. Những ngày đầu có bộ đồ dạ cũng đỡ lạnh nhưng sau này, xong đợt công tác kéo pháo, chiếc áo dạ của đồng chí đã rách nát. Sức khoẻ qua mấy đêm kéo pháo vẫn bình thường.
Riêng đồng chí Phạm Ngọc Mậu vì đi núi, leo dốc nhiều, nên bị trẹo xương đầu gối và giãn gân, thỉnh thoảng phải nắn, xoa bóp mới đi tiếp được.
Đêm thứ năm, thứ sáu, đi vào tới khu vực tương đối an toàn, có đỉnh núi cao che khuất. Địch bắt đầu đánh hơi thấy, chúng bắn đại bác tới nhưng đạn chỉ bay vèo vèo trên cao rồi nổ dưới vực sâu. Tinh lẫn chiến sĩ rất tốt, pháo nổ ầm ầm, lửa đạn tung toé, nhưng nhịp hô "hai...ba, này!" vẫn không dứt quãng.
Đèn pin vẫn lấp loé soi sáng bước chân chiến sĩ giữa rừng khuya âm u. Chúng tôi kéo trên một mạch bảy đêm thì pháo đã vào được trận địa thứ nhất an toàn.
Pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.
Tưởng nhiệm vụ như vậy là đã hoàn thành, nhưng bỗng đồng chí Phạm Ngọc Mậu nhận được điện của Đại tướng, lệnh cho kéo pháo ra để thực hiện phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Rồi đồng chí Hoàng Văn Thái lại trực tiếp đến phổ biến tỉ mỉ thêm. Thế là lại giải thích động viên anh em kéo pháo ra.
Kéo vào đã gian khổ, nhưng cũng chưa gian khổ bằng lần này. Địch đã phát hiện được đường kéo pháo. Đại bác của chúng bắn xối xả cản đường quân ta. Hằng ngày, máy bay địch ném bom napan đốt cháy rừng núi, đồi tranh. Bộ đội ta đã biểu lộ một khí phách dũng cảm cao độ, vượt qua lưới lửa của địch, quyết tâm đưa pháo ra.
Việc chỉ huy càng phải khẩn trương, nhạy bén hơn trước. Các cỗ pháo được ngụy trang cẩn thận. Trên những đồi trống cứ gặp đám cây cỏ xanh xanh nào là anh em bám lấy. Đêm nào cũng có thương vong.
Có lúc đạn địch rơi giữa hàng quân, một số đồng chí ngã xuống nhưng anh em vẫn ghìm chặt pháo, không hề nao núng buông tay. Khi đạn đại bác nổ rền, ánh lửa loé sáng soi rõ nét mặt hao gầy nhưng đầy vẻ kiên quyết của chiến sĩ và cán bộ ta. Tất cả trăm người như một, không ai lo lắng đến tính mạng của mình mà chỉ lo giữ gìn pháo.
Tấm gương sáng chói của đồng chí Tô Vĩnh Diện, người chiến sĩ lấy thân mình chèn pháo, mãi mãi nêu cao truyền thống vẻ vang của quân đội nhân dân ta.
Sau bảy ngày đêm kéo pháo vào, tiếp theo tám ngày đêm kéo pháo ra, tất cả các khẩu pháo được đưa tới vị trí an toàn. Bom đạn của địch nổ dữ dội như vậy nhưng chiến sĩ ta vẫn bảo vệ được pháo nguyên vẹn, chỉ có một khẩu cao xạ bị xây xát thước ngắm.
Đồng chí Phạm Kiệt và đồng chí Phạm Ngọc Mậu về Sở Chỉ huy ở phía nam Mường Phăng gặp Đại tướng. Phải nói rằng qua một đợt kéo pháo, mới hiểu hết mọi khó khăn của công tác này. Hai đồng chí đã rút được kinh nghiệm chuẩn bị cho trận địa pháo, bố trí cỗ pháo, cụm pháo, hướng pháo, tổ chức kéo pháo và di chuyển pháo.
Dường như qua trường học thực tế vừa rồi đã giúp càng đồng chí có thêm rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Vừa gặp Đại tướng đã vui vẻ nói:
- Chào các "tướng" kéo pháo đã về! Được nghe báo cáo các đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ, tôi rất vui mừng. Hoan nghênh các đồng chí đã giành được thắng lợi. Đang chờ khao các đồng chí một bữa cơm ngon lành.
Hai đồng chí đáp:
- Báo cáo anh, nhiệm vụ gian khổ, khó khăn nhưng các chiến sĩ ta đã anh dũng làm tròn, pháo không bị hư hỏng, về đến nơi đến chốn. Tinh thần chiến sĩ rất tốt. Có nhiều gương hy sinh dũng cảm.
Đại tướng siết chặt tay hai người đồng đội:
- Chúng ta lại có thêm bài học quý để kéo pháo đợt hai phục vụ chiến dịch. Bây giờ các đồng chí đi tắm rồi nghỉ ngơi ăn cơm...
Sau đó, Bộ mở hội nghị bàn việc phân tán các khẩu pháo và làm hố nguỵ trang. Các chiến sĩ được phép nghỉ bốn, năm ngày. Hôm ấy là mồng 5 Tết. Có thể nói tin phấn khởi nhất trong ngày là khi biết khẩu pháo cuối cùng về tới vị trí đã định. Hai đồng chí cuốc bộ một mạch về chỗ nghỉ vừa 8 giờ sáng.
Trưa hôm ấy, bữa cơm Tết để dành lại mới ngon làm sao. Mười mấy ngày đêm đi với anh em, không lo mình chết mà chỉ lo pháo đổ, lo bom đạn của địch chặn mất đường, lo không hoàn thành nhiệm vụ. Tâm tư các chiến sĩ pháo binh, công binh, bộ binh cũng lo lắng như cán bộ. Thật là ăn không ngon, ngủ không yên.
Bữa cơm Bộ Chỉ huy khao các đơn vị kéo pháo khá thịnh soạn. Nơi này mổ lợn, nơi kia mổ bò. Riêng ở Sở Chỉ huy, anh em đã dựng được bàn ăn, có lót mê nứa, trải lá lên trên, có ống bương đựng thịt, có đũa gắp xinh xắn.
Đồng chí Phạm Kiệt sực nhớ lại những ngày kéo pháo, anh nuôi tất tả gánh cơm mắm chạy theo đơn vị; cơm nắm kèm theo ít thịt kho khô. Đường trơn như mỡ, nhiều hôm ngã đổ, nắm cơm vắt cứ lăn một mạch xuống vực sâu mất hút.
Về sau anh em có kinh nghiệm bỏ cơm vào giỏ, đậy nắp, cột lại thật chặt, có ngã thì cơm vắt cũng lăn tròn trong giỏ, không thể đổ ra ngoài. Còn nước uống thì nấu ngay tại chỗ trú quân, đổ vào bi đông. Mà hoàn cảnh đâu có cho phép nấu được nhiều, nên chỉ đủ thấm giọng.
Hơn nữa, giữa tiết mùa đông, nước hiếm, có hôm anh em phải moi những khe đá để hứng từng giọt. Mãi cho đến hôm ấy, mồng 5 Tết mới được ăn no, tắm thích. Đồng chí Phạm Kiệt ngồi ăn cùng đồng chí Phạm Ngọc Mậu. Nửa chừng thì Đại tướng đến thăm. Đồng chí nhắc lại:
- Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Các đồng chí đi bao nhiêu ngày hẳn tích luỹ được nhiều kinh nghiệm kéo pháo. Đợt sau bất định sẽ thành công lớn hơn.
Hôm ấy, ở Sở Chỉ huy có quay phim, chụp ảnh. Không khí bình tĩnh ở đây làm cho đồng chí Phạm Kiệt cảm thấy rõ ràng mặc dù thay đổi phương châm tác chiến, ra lệnh cho kéo pháo ra, Bộ Chỉ huy chiến dịch vẫn không thay đổi quyết tâm tiêu diệt Điện Biên Phủ.
Niềm tin tưởng ấy nhanh chóng lan ra khắp toàn quân. Và đối với các đồng chí tham gia kéo pháo năm ấy, cái Tết muộn ấy hứa hẹn một ngân liên hoan chiến thắng tưng bừng.
Giải phóng Điện Biên. Ảnh tư liệu.
Pháo ta đã nổ súng rồi!
Giờ phút đợi chờ nổ súng đánh Him Lam, mở màn cho toàn chiến dịch mới hồi hộp làm sao. Dưới hầm Sở Chỉ huy Mường Phăng, ngọn đèn măng sông toả ánh sáng xanh loá xuống bàn làm việc của Đại tướng. Trên bàn trải rộng tấm bản đồ toàn chiến trường Điện Biên.
Đại tướng cầm chiếc bút chì, đứng dậy đi đi lại lại, có khi ngồi xuống chăm chú xem bản đồ. Máy điện thoại đặt trong hầm liên lạc trực tiếp với các đồng chí chỉ huy đại đoàn. Chuông đổ liên hồi.
Đồng chí Hoàng Văn Thái và đồng chí trực ban tác chiến luôn tay cầm máy nghe các nơi báo cáo tình hình. Tình hình ở Sở Chỉ huy hơi căng là do quân ta phải đánh chặn một đơn vị của địch ra phá trận địa mất một giờ nên trước đây quy định nổ súng là 16 giờ nay phải hoãn đến 17 giờ.
Các đơn vị pháo ngắm bắn trực tiếp vẫn tranh thủ tu bổ thêm trận địa. Một số đơn vị bộ binh đang triển khai. Đại tướng thỉnh thoảng lại cầm máy nói, hỏi một đồng chí nào đấy: "ĐKZ tới chưa? Còn bộ binh?"... Có khi lại hỏi đồng chí phụ trách quân báo: "Tình hình địch ra sao? Thấy nó đang di chuyển hả?".
Đồng chí Phạm Kiệt và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đồng chí Chủ nhiệm Chính trị mặt trận ngồi cạnh Đại tướng cũng mải miết giải quyết bao nhiêu công việc dồn dập tới giờ phút chót. Đồng chí Chủ nhiệm Chính trị mặt trận ngừng viết giây lát, đến hỏi tôi đồng chí Phạm Kiệt:
- Trạm tù hàng binh xong chưa? Anh đã có chỉ thị tuyệt đối không cho ai vào khu lòng chảo trước giờ nổ súng rồi chứ?
Đồng chí Phạm Kiệt báo cáo tình hình vừa nhận được. Không khí dưới hầm chỉ huy lúc này im ắng vô cùng. Bỗng Đại tướng cầm lấy máy nói, đứng thẳng lên, mắt nhìn ra cửa hầm, ra lệnh:
- Pháo chuẩn bị!
Đại tướng lại bắt liên lạc với Đại đoàn 312 đánh trận đầu:
- Các anh chuẩn bị, chỉ mấy phút nữa là pháo bắn.
Cuối cùng qua máy điện thoại, Đại tướng động viên pháo binh:
- Tích cực hoàn thành nhiệm vụ, bắn cho chính xác!
Nét mặt Đại tướng lúc này trầm tĩnh lạ thường. Ông cúi xuống xem đồng hồ rồi hạ lệnh cho pháo bắn. Bao nhiêu tháng trời ròng rã chuẩn bị, bao nhiêu dân công, chiến sĩ đổ ra mặt trận vượt qua bao nhiêu gian lao thử thách, chịu đựng mọi hy sinh cần thiết chỉ để có giờ phút quân ta nổ súng vào đầu quân địch, bắt đầu khai tử cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên.
Đại tướng vừa hạ lệnh xong. Một loạt tiếng nổ ầm ầm dội tới.
Pháo ta đã lên tiếng rồi.
Lúc ấy là 17 giờ ngày 13-3-1954!
Lúc sấm sét của quân đội ta đã giáng xuống đầu chúng thì chính tên giặc huênh hoang nhất là tên quan năm chỉ huy pháo binh ở Điện Biên phải tự kết liễu cuộc đời nhục nhã của hắn bằng một qua lựu đạn…
(Dựa trên Hồi ký của Thiếu tướng Phạm Kiệt, Nguyên Cục phó Cục Bảo vệ, phụ trách công tác bảo vệ trong chiến dịch Điện Biên Phủ)