Là một nữ doanh nhân, đồng thời là người vợ, người mẹ trong gia đình, chị Phạm Hải Hà (Hà Nội) rất quan tâm đến việc chi tiêu hàng tháng.
Chị chia sẻ: "Tôi đã duy trì thói quen ghi chép tài chính, phân bổ chi tiêu từ 10 năm nay. Trước tiên, chị ghi chép những giao dịch thực sự, sau đó mới khái quát ra con số cho mỗi khoản mục, xác định ngân sách dự kiến mỗi tháng.
Nhờ cách chia tiền theo khoản mục, dù thu nhập hàng tháng có biến động, tôi vẫn hoàn toàn chủ động chi tiêu, với những khoản dùng để chăm lo cho sức khỏe, học tập, từ thiện và tiết kiệm. Các chị em nắm giữ "hầu bao" của gia đình vận dụng linh hoạt theo cách này hoàn toàn có thể yên tâm không lo "cháy túi" cuối tháng".
Chị Hải Hà chia sẻ một số khoản mục chi tiêu hàng tháng:
Khoản 1: Khoản ưu tiên đầu tiên là dành cho sức khỏe.
Chị Hải Hà xác định đó là đầu tư cho hiện tại và tương lai. Để không phải đến bệnh viện, không phải sử dụng thuốc, chị Hà sử dụng chi phí chủ yếu dành cho thực phẩm bổi bổ sức khỏe và thanh lọc cơ thể. Khoản chi cho sức khỏe của chị Hà không vượt quá 1 triệu đồng/tháng.
Khoản 2: Khoản dành cho từ thiện
Tùy theo sự vụ mỗi tháng, số tiền dành cho từ thiện sẽ trồi sụt khác nhau. Tuy nhiên, khoản chi này không vượt quá 5%/tổng thu nhập. Việc từ thiện của chị Hà chủ yếu dành cho những việc như: cúng dường liên quan Phật sự, trợ giúp sức khỏe người khác, hỗ trợ giáo dục, môi trường xanh, quyên góp xây dựng cầu đường, trường học.
Bạn nên ghi chép những giao dịch thực sự, sau đó mới khái quát ra con số cho mỗi khoản mục, xác định ngân sách dự kiến mỗi tháng.
Khoản 3: Khoản chi tiêu liên quan đến tình cảm gia đình
Đó là nuôi dưỡng tình yêu thương, nuôi dưỡng điểm tựa, giải trí... Những khoản chi này dao động theo từng tháng. Chị Hải Hà đưa ra lời khuyên: Bạn nên ghi chép thực tế để tìm được con số ngân sách mỗi tháng.
Khoản 4: Khoản chi cố định
Bao gồm các khoản chi tiêu nhà cửa (tiền học của con, tiền điện, nước, internet...), mua sắm đồ đạc, quần áo, giày dép, điện thoại, đi lại… Những khoản này gần như cố định, nên dễ kiểm soát.
Khoản 5: Khoản chi cho giải trí/du lịch/làm đẹp
Để cân bằng cuộc sống là khoản mục không nên thiếu. Khoản này chiếm không quá 10%/tổng thu nhập mỗi tháng.
Khoản 6: Tiết kiệm
Tiết kiệm là phần nhất định phải có, dự phòng cho tương lai. Nếu thu nhập cao, chị em nên trích khoảng 15% chuyển tài khoản tiết kiệm. Có một cách khác là tiết kiệm hàng ngày. Chị em có thể tiết kiệm theo cách truyền thống là bỏ ống tiết kiệm hoặc mở sổ tiết kiệm online.
Quan trọng nhất khi thực hiện khoản mục này phải làm đều đặn, nghiêm túc. Bạn sẽ ngạc nhiên về kết quả của việc tích tiểu thành đại.
Sử dụng app quản lý chi tiêu giúp bạn quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Ảnh minh họa
Từ chia tiền theo khoản mục, chị Phạm Hải Hà cho biết, chị sẽ thống kê, quan sát dòng tiền ra vào mỗi ngày, năng lực tài chính từ từ nâng cấp và bạn sẽ làm được nhiều việc lớn hơn, từ quản lý chi tiêu cá nhân hiệu quả.
Để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, hiện nay có nhiều ứng dụng (app) quản lý ngân sách chi tiêu để bạn lựa chọn. Đây là những app miễn phí, bạn nên tải về điện thoại thông minh để cập nhật việc chi tiêu ở bất cứ thời điểm nào.
Chị Hải Hà chia sẻ thêm, nhờ có những app này, chị có thể biết chính xác mỗi giao dịch, số tiền còn dư trong ví mà không cần mở ra đếm, có thể biết được chính xác khoản thu – chi. Đồng thời, chị cũng được cảnh báo khi khoản nào đó vượt quá ngân sách dự kiến để điều chỉnh lại cho phù hợp.