Trong những ngày dịch bệnh phức tạp, hàng quán không mở như thế này, cơm nhà chính là sự lựa chọn tuyệt vời nhất.
Đây cũng là cơ hội để nhiều gái đảm trổ tài nấu nướng khiến thiên hạ trầm trồ, dù có thể mâm cơm của họ chẳng có gì quá cầu kỳ phức tạp. Loạt mâm cơm của cô vợ trẻ tên Hà Ngân Trang (SN1991), đến từ Hà Nội này chính là ví dụ.
Ngân Trang hiện đang là một HLV dinh dưỡng cá nhân. Công việc của Ngân Trang là thiết lập chế độ ăn và tập luyện lành mạnh cho các học viên muốn tăng cân, giảm cân và duy trì cân nặng tiêu chuẩn đảm bảo sức khoẻ.
Hơn ai hết, Ngân Trang hiểu ý nghĩa của những bữa ăn, đó là lý do dù rảnh hay bận thì Trang vẫn sẽ vào bếp, ngày chưa chồng cũng vậy mà giờ có thêm con nhỏ vẫn thế.
Những mâm cơm của Ngân Trang không cầu kỳ nhưng vẫn bắt mắt
"Mình rất thích nấu ăn, bố mẹ mình làm công nhân viên chức khá bận nên mình đã tự nấu ăn cho cả nhà từ cấp 2, đó là lí do mình thích lĩnh vực dinh dưỡng. Mùa dịch có rất nhiều hạn chế về thực phẩm và hạn chế đi lại mua bán nên việc đa dạng các món ăn cũng gặp chút khó khăn.
Tuy nhiên mình vẫn cố gắng thay đổi cách chế biến dù cùng 1 loại nguyên liệu để mọi người trong gia đình luôn cảm thấy ngon miệng", Ngân Trang chia sẻ.
Đối với cô vợ này, nấu ăn không chỉ giúp người ta no bụng mà còn có thể giúp người ta giải tỏa stress, cân bằng lại cảm xúc. Mâm cơm nhà cũng mang ý nghĩa tương tự, nó có thể thắt chặt tình cảm gia đình thêm trọn vẹn, khiến mọi thành viên đều cảm thấy hạnh phúc hơn.
Thông thường, Ngân Trang thường mất 30-45 phút để hoàn thành một mâm cơm với mức chi phí phải chăng là 80-120k. Điều Trang chú trọng nhất trong mỗi bữa ăn là phân bổ các nhóm dinh dưỡng sao cho cả nhà ăn đủ lượng thức ăn cần thiết mà không bị dư thừa đồ ăn qua ngày hôm sau.
Là HLV dinh dưỡng cá nhân nên hơn ai hết, cô vợ này biết cách phân bố mâm cơm cho phù hợp nhất
Đặc biệt hơn, một trong những lý do khiến Ngân Trang yêu bếp hơn các cô vợ khác, đó là bởi mỗi lần Trang vào bếp đều có chồng phụ giúp. Chồng Trang là kĩ sư xây dựng, công việc rất bận nhưng chỉ cần có thời gian rảnh, anh sẽ giúp trông con hoặc trực tiếp phụ trong bếp với vợ.
"Mình cảm thấy việc cùng nhau vào bếp là hoàn toàn nên làm, như 1 cách thể hiện sự tôn trọng, yêu thương và chia sẻ giúp hâm nóng tình cảm gia đình. Bởi vì khi bếp ấm thì tình còn ấm!", Trang tâm sự.
Chồng thường là "trợ thủ" đắc lực của Trang trong bếp
Điều này khiến Trang càng thêm hạnh phúc và có động lực nấu nướng
Một vài mâm cơm khác của Ngân Trang
Ảnh: NVCC