Vào tháng 3/2022, hãng tin Reuters dẫn bản án của Tòa án Liên bang Hoa Kỳ về việc 2 cựu binh sẽ nhận tổng cộng 58 triệu USD từ 3M.
Những người này nằm trong số hơn 280.000 cựu binh và quân nhân đang tại ngũ đã kiện 3M về một sản phẩm của họ - Combat Arm Earplugs (nút bịt tai chiến đấu) bị lỗi và làm hỏng thính giác của những người lính.
Trong 2 người thì cựu binh Luke Vilsmeyer đã nhận nhiều tiền hơn - lên tới 50 triệu USD - người cáo buộc rằng do sử dụng Combat Arms Earplugs Version 2 do 3M sản xuất từ năm 2006 đến 2017, anh đã bị mất thính lực vĩnh viễn.
Vậy những nút bịt tai này hoạt động như thế nào mà khiến lính Mỹ mất thính lực?
Vào đầu những năm 2000, hàng nghìn lính Mỹ đã nhận được Combat Arms Earplugs - đặc biệt là những người được triển khai tới Iraq và Afghanistan.
Nút bịt tai này gồm 2 đầu và được 3M tuyên bố là có 2 tùy chọn giảm âm thanh tùy thuộc vào cách người lính đeo chúng. Nếu người lính đeo đầu có màu xanh ô liu - nút tai được cho là sẽ chặn tất cả các âm thanh bên ngoài.
Và nếu chọn đầu màu vàng, nút tai được cho là sẽ giảm đáng kể tiếng ồn lớn như tiếng nổ trên chiến trường, nhưng nhưng vẫn cho phép người đeo nghe thấy mệnh lệnh hoặc âm thanh phát ra khi đối phương tiếp cận.
Nếu nút bịt tai hoạt động hiệu quả như 3M nói thì vì sao các cựu binh Mỹ lại theo đuổi vụ kiện?
Được biết lý do mà các cựu binh nêu ra là nút tai có "lỗi thiết kế nguy hiểm có thể khiến chúng lỏng ra trong tai người đeo".
Cụ thể do thân nút tai quá ngắn nên "rất khó để đưa sâu vào ống tai của một số người đeo" và "đầu không được nhét vào của nút tai dễ bị ép vào ống tai của một số người đeo và gập lại về phía sau. Hình dạng ban đầu của nó bị thay đổi và khiến việc bịt tai bị nới lỏng".
Nguy hiểm hơn, khi nút bịt tai bị lỏng trong trường hợp này - ngay cả người đeo hoặc những người khác nhìn vào nó cũng khó nhận biết.
Được biết hiện 3M vẫn tiếp tục kinh doanh mặt hàng Combat Arms Earplugs trong cả thị trường quân lẫn dân sự tuy nhiên các phiên bản mới chỉ có 1 đầu.
Cần lưu ý rằng việc trang bị các nút bịt tai chủ yếu diễn ra tại Mỹ và ở đa phần các nước khác, cả các lực lượng vũ trang lẫn thị trường dân sự vẫn trung thành với các bịt tai kiểu chụp truyền thống.
Có thể lấy ví dụ cụ thể như binh lính Nga thường được trang bị tai nghe chủ động GSSh-01 6M2 thuộc bộ quân trang Ratnik.