Bị hóc miếng xúc xích trong bữa trưa tại trường, bé gái 2 tuổi ngưng tim, ngưng thở suýt mất mạng
Có lẽ những câu chuyện đau lòng liên quan đến tai nạn của trẻ nhỏ không còn mấy xa lạ với các bậc phụ huynh, điển hình như trẻ bị hóc nghẹn do thức ăn, đồ chơi, trẻ bị ngã do đùa nghịch, trẻ bị bỏng vì ngã vào nước nóng, bếp lửa...
Mới đây, trường hợp một bé gái 2 tuổi tên là Eden Langley bị hóc dị vật khi đang đi học trường mẫu giáo tại Anh lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tai nạn thường xảy ra với các bé.
Mẹ bé Eden là chị Laura Robinson cùng chồng là anh Kevin Langley đã trải qua những đêm ác mộng khi chứng kiến con gái bị hóc dẫn đến ngừng tim và may mắn thoát chết nhờ được các cô giáo tại trường sơ cấp cứu kịp thời.
Bé gái 2 tuổi đã may mắn thoát chết nhờ được các cô giáo sơ cứu hóc dị vật tại trường kịp thời.
Chị Laura vẫn nghẹn ngào khi kể lại câu chuyện kinh hoàng của con gái:
“Đầu tháng 3 vừa rồi, tôi và chồng bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của các cô giáo tại trường mầm non nơi con gái tôi đang theo học.
Các cô thông báo con tôi đang trên xe cấp cứu đến bệnh viện do bé bị hóc xúc xích trong bữa ăn trưa.
Sau khi tới bệnh viện, con gái tôi nhanh chóng được các bác sĩ phẫu thuật mở khí quản để lấy miếng xúc xích ra giúp khai thông đường thở cho con.
Các xét nghiệm máu cho thấy có thể con đã bị ngưng tim chỉ vài phút sau khi bị hóc.
Tính tới lúc lấy được dị vật ra khỏi họng thì Eden đã bị thiếu oxy khoảng 20 phút và các bác sĩ lo lắng con sẽ bị tổn thương não và cũng đề nghị kiểm tra lại xem liệu có còn dị vật nào lưu lại trong phổi bé hay không.
Nhưng thật may mắn, khoảng 2 giờ sau khi phẫu thuật, con đã dần hồi phục.
Tôi đặc biệt gửi lời cảm ơn tới các thầy cô giáo trong trường mẫu giáo của con, nhờ những kiến thức sơ cứu cho trẻ nhỏ và kịp thời phát hiện con tôi bị hóc sau đó áp dụng thao tác ép bụng đẩy dị vật và hồi sức tim phổi (CPR - kết hợp giữa việc thổi ngạt và ấn tim ngoài lồng ngực) nên bé nhà tôi đã may mắn thoát chết.”
Hóc dị vật là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây tử vong nhanh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (Ảnh minh họa).
Tại Anh, hóc dị vật dẫn đến nghẹt đường thở là nguyên nhân thứ 3 hàng đầu khiến trẻ tử vong. Còn tại Việt Nam, đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tai nạn cho trẻ nhỏ.
Bởi vậy, những gia đình có con nhỏ và các trường học cần trang bị cho mình những kiến thức sơ cứu cơ bản hoặc tham gia các khóa học hướng dẫn sơ cứu cho trẻ để có thể áp dụng nếu gặp bất cứ tình huống nguy hiểm nào.
Một số thao tác sơ cứu sống còn giúp cứu mạng trẻ khi bị hóc nghẹn
Đối với hóc dị vật thì thời gian chính là yếu tố quyết định đến sự sống còn của trẻ.
Bởi nếu được sơ cứu nhanh chóng kịp thời, đẩy dị vật ra khỏi đường thở và giúp đường thở của trẻ thông thoáng sẽ giúp cứu mạng trẻ.
Những thao tác này cần thực hiện thật nhanh trong vài phút đầu tiên ngay sau khi trẻ bị nghẹt đường thở, nếu chậm trễ thì mọi việc cứu chữa gần như vô nghĩa, trẻ có thể thoát chết nhưng vẫn để lại di chứng nặng nề ảnh hưởng suốt đời.
Để hạn chế tối đa tai nạn cho trẻ, rất nhiều các bài giảng, hội thảo, khóa học đã được tổ chức nhằm nâng cao kĩ năng sơ cứu cho trẻ dành cho các gia đình và trường học.
Cha mẹ cũng hãy lưu lại 1 số thao tác quan trọng sau đây nếu phát hiện trẻ bị hóc để có thể áp dụng khi cần.
Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Vỗ lưng - Ấn ngực
Đầu tiên là thao tác vỗ lưng để đẩy dị vật.
- Đỡ trẻ nằm sấp lên tay hoặc đùi của người sơ cứu, hướng đầu bé xuống thấp hơn ngực.
- Giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột.
- Dùng gót bàn tay còn lại vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.
Nếu bé vẫn không thể thở được, tiếp tục áp dụng ấn ngực.
- Bế trẻ xoay người lại, giữ đầu thấp hơn ngực.
- Đặt hai ngón tay vào giữa ngực (vùng thượng vị: trên rốn và dưới xương ức) và ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.
Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu trẻ vẫn chưa thì tiếp tục lặp lại động tác vỗ lưng và ấn ngực cho đến khi dị vật thoát ra ngoài hoặc xe cấp cứu tới.
Với trẻ trên 1 tuổi:
Nếu trẻ trên 1 tuổi, còn tỉnh và có thể đứng thì áp dụng phương pháp ép bụng (Heimlich)
- Để cho trẻ đứng phía trước còn còn người sơ cứu đứng phía sau, choàng 2 tay ra phía trước trên eo của bé.
- Một tay nắm thành nắm đấm, ngón trỏ đặt vào vị trí thượng vị, dưới xương ức của trẻ.
- Tay còn lại nắm chặt chồng lên tay kia rồi ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp.
Nếu dị vật không thoát ra, bé vẫn ngạt thở thì áp dụng ấn ngực, hà hơi thổi ngạt
- Đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh lồng ngực từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
- Trong tình huống trẻ vẫn hôn mê và không thở được thì hà hơi thổi ngạt 2 cái.
Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì cần thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn lồng ngực cho đến khi dị vật văng ra hoặc trẻ khóc, thở được, hồng hào hơn.
Với trẻ lớn trên 2 tuổi:
- Nếu bé vẫn tỉnh táo hãy đề nghị bé ho mạnh để đẩy dị vật ra ngoài.
- Cha mẹ tuyệt đối không dùng tay để đưa vào họng con trừ phi đã nhìn thấy dị vật và có thể lôi ra ngoài, nếu không sẽ chỉ đẩy dị vật vào sâu thêm, càng gây nguy hiểm hơn.
- Hỏi xem con có bị nghẹn không, nếu bé gật đầu là có hoặc không thể trả lời có nghĩa là bé cần trợ giúp.
Nguồn: mum/Parent