Gặp nghệ sĩ Chí Trung vào những ngày cuối tháng 9 khi anh đang tất bật chuẩn bị những khâu cuối của vở kịch Lời nói dối cuối cùng.
Bận rộn là vậy nhưng nhắc đến kịch Lưu Quang Vũ, những cảm xúc đắm say của “Táo Giao thông” lại trào dâng đầy nhiệt huyết.
“Chỉ có kịch của Lưu Quang Vũ mới làm tôi đắm say”
- Khi có thông tin đạo diễn Chí Trung dựng lại vở kịch “Lời nói dối cuối cùng”, nhiều người yêu kịch cho rằng Nhà hát Tuổi Trẻ đang lạm dụng quá đà tác phẩm của cố nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ. Anh chia sẻ gì về ý kiến này?
- Tôi xin khẳng định, Nhà hát Tuổi trẻ một năm dựng hàng chục vở kịch về nhiều đề tài đời sống xã hội khác nhau chứ không phải dựng đi dựng lại tác phẩm của Lưu Quang Vũ.
Mỗi năm, chúng tôi chỉ dựng một vở của anh Vũ mà thôi. Vì vậy, không thể nói Nhà hát Tuổi trẻ làm đi làm lại những tác phẩm đã cũ của anh ấy.
Hơn thế, giờ anh Vũ đã mất rồi, làm gì có tác phẩm nào mà chúng ta đòi những tác phẩm mới.
- Vì sao anh chọn kịch của Lưu Quang Vũ để phục dựng mà không phải những nhà biên kịch có tiếng khác?
- Thực ra từ năm 2012, tôi và Ban Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đã xác định sẽ phục dựng lại những vở kịch của Lưu Quang Vũ.
Và chính bản thân tôi cũng luôn tự nhận thấy, tôi chỉ rung động, chỉ thích những kịch bản của anh ấy mà thôi.
Tôi tự nhận mình là người ngạo mạn nên chỉ thích làm những gì bản thân mình cảm thấy hấp dẫn.
Chính vì lẽ đó, tôi làm Mùa hạ cuối cùng, Ai là thủ phạm, Lời thề thứ 9 và cảm thấy hạnh phúc khi mọi người đều dành tình cảm cho những vở kịch của anh ấy.
- Anh nghĩ sao khi những người yêu kịch của cố nhà thơ cho rằng, anh đang dùng tên tuổi Lưu Quang Vũ để lấy tiếng, để câu khách?
- Ai phát biểu điều này thì xin mời đến gặp tôi, tôi sẽ phát cho họ toàn bộ kịch bản của anh Vũ xem có ra được tiếng hay không?
Thậm chí, tôi mời họ uống nước, ăn cơm đầy đủ để xem họ có cảm nhận được hết cái hay không?
Tôi xin nhắc lại là tôi làm kịch của Lưu Quang Vũ là vì tôi thích, tôi rung động. Tôi không thích những kịch bản mà nội dung hời hợt, giả tạo, tình huống giả, con người giả.
Những thứ như vậy tôi không thể làm được.
- Có nhiều tin đồn nói rằng “Lời nói dối cuối cùng” từ chính kịch sẽ chuyển sang hài kịch, anh giải thích sao về vấn đề này?
- Trước khi phục dựng lại vở kịch này, tôi đã đến thắp hương mộ anh Vũ và tôi đã hứa sẽ giữ nguyên ý tưởng ban đầu của anh.
Vì vậy, Lời nói dối cuối cùng vẫn được giữ nguyên là chính kịch dù được dựng lại theo thể loại hài kịch.
Những yếu tố hài kịch sẽ làm cho Lời nói dối cuối cùng trở nên hấp dẫn và mang lại hiệu quả giải trí cao hơn cho khán giả.
Khoác lên “Lời nói dối cuối cùng” một màu sắc mới
- Khi nhận phục dựng lại “Lời nói dối cuối cùng”, nghệ sĩ Chí Trung đã gặp phải những khó khăn gì trong công tác thực hiện?
- Từ lúc anh Trương Nhuận (Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ) giao cho tôi đảm nhận vai trò đạo diễn vở kịch Lời nói dối cuối cùng, tôi đã rất trăn trở và băn khoăn. Lời nói dối cuối cùng là một vở kịch mang âm hưởng dân gian với ba nhân vật chính: Cuội, Bờm, Lụa.
Khó khăn lớn nhất đối với tôi khi nhận vở kịch này chính là yếu tố dân gian, mọi thứ đều có trong điển tích hết rồi, tôi không thể tự do sáng tạo theo ý mình và tôi thực sự cảm thấy bế tắc.
Và rồi như những vở kịch trước của anh Lưu Quang Vũ, tôi lại ngày đêm chiến đấu và cuối cùng tôi đã mã hóa thành công.
Kỳ thực khi làm việc với tác phẩm của anh Lưu Quang Vũ, tôi như được anh Vũ “nhập hồn” và tôi say mê hết mình với tác phẩm này.
Ngoài ra, còn vấn đề yếu tố nhạy cảm trong kịch của anh Vũ, cái đó cũng khiến tôi khá băn khoăn. Tuy nhiên, may mắn sau những lần duyệt lên duyệt xuống thì “Lời nói dối cuối cùng” đã vượt qua thử thách.
- Ai cũng biết, kịch của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ đòi hỏi rất cao ở diễn viên mà ở lần phục dựng này, anh lựa chọn một dàn nghệ sĩ trẻ, anh làm cách nào để họ cảm được cái hay của kịch Lưu Quang Vũ và để diễn tốt nhất hồn cốt của “Lời nói dối cuối cùng”?
- Đúng vậy. Ai yêu kịch của anh Lưu Quang Vũ đều biết rõ cái thâm thúy, cái hay của những điều anh viết. Do đó, để được chọn vào vở diễn của anh Vũ thì diễn viên đều phải là những người am tường nghề.
Tuy nhiên, trong nghệ thuật xảy ra cái quy luật “thầy già con hát trẻ”, vậy nên những người trẻ luôn được chọn cho những vai chính, vai trung tâm.
Họ còn trẻ tuổi nên vốn kiến thức nền chưa nhiều. Để giúp họ diễn xuất tốt, tôi buộc phải dùng chính những nỗi đau, chính những trải nghiệm cuộc sống đã qua của bản thân để kể lại cho họ.
Thêm vào đó, tôi cho họ xem những tư liệu về anh Vũ để họ hiểu được tác giả và điều đó giúp ích cho các diễn viên trẻ thể hiện tốt nhất vai diễn của mình.
- Vậy tự mình đánh giá về tác phẩm “Lời nói dối cuối cùng”, anh sẽ đánh thang điểm bao nhiêu?
- Anh Trương Nhuận thì cứ động viên tôi cố làm cho hay thêm nữa vì anh ấy đang đánh giá tác phẩm ở thang 7/10 điểm.
Tôi đã nói với anh là bản thân cố gắng hết sức rồi, riêng tôi, tôi còn đánh giá thang 6/10 điểm thôi.
Tuy nhiên, tác phẩm vẫn còn phụ thuộc vào khán giả và ngày 15/10 tới đây, chúng tôi mới chắc chắn Lời nói dối cuối cùng thang điểm bao nhiêu.
Ở 3 tác phẩm trước: Mùa hạ cuối cùng, Ai là thủ phạm, Lời thề thứ 9, tôi nghĩ anh Lưu Quang Vũ cũng rất hài lòng nên mới thành công được như thế.
Và tôi mong rằng, Lời nói dối cuối cùng cũng có một đêm diễn tốt đẹp và trọn vẹn như vậy.