Có nguyên nhân tự nhiên, nhưng cũng có bàn tay của con người khiến vẻ đẹp hoàn hảo của 7 công trình dưới đây chỉ còn trong kí ức.
1. Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp)
© Jean-Claude Cohen / KCS / East News © Laurent Salmon / KCS / East News
Ngọn lửa lớn bất ngờ bùng phát vào tối 15/4/2019 đã khiến chóp tháp của Nhà thờ đứt gãy và rơi xuống, mái vòm bằng gỗ độc đáo cũng bị thiêu hủy một phần. Sau thảm kịch, dù số tiền quyên góp để sửa chữa đã vượt qua con số 1 tỷ Euro, thế nhưng các chuyên gia nhận định để phục dựng Nhà thờ Đức Bà như ban đầu là vô cùng khó khăn vì cấu trúc phức tạp.
Trải qua 8 thế kỉ thăng trầm, Nhà thờ Đức Bà là địa điểm văn hóa, tôn giáo, du lịch nổi tiếng của thế giới. Đây còn là "cái rốn" của thủ đô Paris cả về mặt vị trí địa lí lẫn ý nghĩa lịch sử. Nhà thờ Đức Bà rồi sẽ được phục dựng trở lại, nhưng với người dân thủ đô, có những mất mát về giá trị tinh thần sẽ không thể bù đắp được.
2. Hai cổng tò vò trên bãi biển Legzira (Ma-rốc)
© marmat66 / Instagram © Depositphotos.com
Hai cánh cổng tò vò nối tiếp nhau là một biểu tượng của bãi biển Legzira. Tuy nhiên, 1 cánh cổng đã sụp đổ vào tháng 9/2016, để lại những đống gạch vụn đầy tiếc nuối.
Vài tháng trước khi công trình tự nhiên này đổ xuống, người dân đã báo cáo về những vết đứt gãy và đá vụn rơi ra. Dù vậy, đã không có những biện pháp bảo vệ phù hợp. Hai cánh cổng sinh đôi - nay chỉ còn 1 đứng trơ trọi trước biển.
3. Đền Pel trấn giữ thành phố cổ Palmyra (Syria)
© EAST NEWS © AFP / EAST NEWS
Palmyra là thành phố quan trọng bậc nhất vào thời xa xưa của Syria, còn Pel là ngôi đền chính yếu tọa lạc trong thành phố. Nhưng nó đã bị phá hủy do chiến tranh ở Syria vào năm 2015.
Ngôi đền có giá trị tôn giáo vô cùng thiêng liêng, được xây dựng vào thế kỉ 1 sau Công nguyên. Trải qua hàng ngàn năm, những gì còn lại của đền Pel hiện giờ chỉ là 2 cột trụ mọc lên giữa đống đổ nát.
Và đó là 2 trong số hơn 1.000 cây cột trong thành phố cổ phải gánh chịu 500 quả bom rải xuống trong cuộc xung đột dai dẳng. Chẳng biết còn bao nhiêu cây cột có thể trụ vững được nữa.
4. Vườn quốc gia cây Joshua, bang California (Mỹ)
© Depositphotos.com © dianas_wonderland / Instagram
Năm 2018, vườn quốc gia cây Joshua vẫn là nơi chốn lý tưởng, được mệnh danh thiên đường giữa bang California - nơi sinh sống của hệ sinh thái sa mạc độc đáo, các loài thực vật đa dạng.
Nhưng đến tháng 1/2019, trong 35 ngày đóng cửa của chính phủ, việc giám sát và bảo vệ vườn quốc gia này tạm thời bị bỏ dở. Sau hơn 1 tháng quay lại, người ta bàng hoàng vì mọi thứ tàn lụi quá nhanh.
Nhiều người dân vô ý thức đã chặt cây lấy gỗ, đốt rừng, phá hủy các tuyến đường, vẽ bậy lên các biển báo hướng dẫn du khách... Hậu quả là, một người bảo vệ của vườn quốc gia cho biết sẽ cần 200 - 300 năm để khu vực này có thể phục hồi từ cuộc phá hủy diễn ra trong vài tuần!
5. Tượng điêu khắc Mỹ nhân ngư ở thủ đô Copenhagen (Đan Mạch)
© Depositphotos.com © AFP / EAST NEWS
Bức tượng do Edvard Eriksen đúc bằng đồng vào năm 1909, đến năm 1913 thì hoàn thành. Nó nhanh chóng trở thành điểm hút khách bậc nhất của thủ đô Copenhaghen dù chỉ cao 1,25m.
Nhiều du khách ngạc nhiên với kích thước nhỏ nhắn của nàng tiên cá. Nhưng với người Đan Mạch, bức tượng có ý nghĩa tinh thần to lớn, ví như bước ra từ truyện cổ tích của nhà văn Hans Christian Andersen.
Trong những năm gần đây, tượng Mỹ nhân ngư lại gánh chịu nhiều "chấn thương" nặng nề như bị sứt phần đầu, gãy tay, bị sơn màu vấy bẩn... Những kẻ phá hoại có thể vì mục đích phản đối chính sách, hoặc say xỉn, nhàm chán, gây rối, tâm thần... Nhiều người hi vọng rằng trong tương lai, giới chức sẽ có biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ biểu tượng văn hóa của thủ đô.
6. Hồ Mackenzie, bang Tasmania (Úc)
© Depositphotos.com © Rob Blakers / Wikimedia Commons
Trong hai tháng đầu năm 2016, bang Tasmania chịu đựng nhiều đợt cháy rừng trên diện rộng. Giữa lúc đó, khói và tàn tro kéo đến Mackenzie - một hồ nước đẹp như tranh vẽ. Rất nhiều cây cỏ bị tàn phá, trong đó có loài thông bút chì cổ xưa bị tuyệt diệt.
Theo thống kê, tổng cộng 20 nghìn ha diện tích vùng hoang dã của bang Tasmania bị ảnh hưởng. Nhưng "còn chồi nảy cây" - nhiều thực vật ở đây đã phục hồi tái sinh, khiến mọi người nuôi hi vọng. Dù vậy, sẽ phải mất rất lâu nữa hồ Mackenzie mới xanh ngắt tràn đầy sức sống như xưa. Ngoài ra, khi tình trạng khô hạn ngày càng trầm trọng qua từng năm, nguy cơ cháy rừng tái diễn là rất đáng lo ngại.
7. Những hòn đá Brimham Rocks ở hạt Bắc Yorkshire (Anh)
© ianrossin / Instagram © beaschof / Instagram
Rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới đã bị du khách tàn phá, nhưng dân Anh vẫn rất bàng hoàng khi tảng đá trường tồn 320 triệu năm bị đạp vỡ trong vài giây! Cụ thể, vào tháng 6/2018, một số thiếu niên đứng trên những hòn đá thăng bằng của Brimham Rocks, khiến nó vỡ nát thành hàng trăm mảnh.
Brimham Rocks vốn là những khối đá xếp chồng lên nhau một cách kì diệu từ hàng triệu năm trước, khi khủng long còn chưa thống trị Trái Đất.
(Ảnh: The Sun)
Bên cạnh việc đạp nát những hòn đá "độc nhất vô nhị" của tự nhiên, các du khách còn thẳng tay viết, vẽ bậy lên đá khiến báo chí Anh nhiều lần bày tỏ sự tức giận.
Nhìn lại 7 công trình tàn phai ở trên đây: ta thấy tất cả đều diễn ra quá bất ngờ! Chỉ sau 1 đêm, 1 ngày hay vài tuần, các biểu tượng trăm năm của cộng đồng địa phương đều có thể bị phá hủy. Đó cũng là một lời cảnh tỉnh gửi đến tất cả chúng ta rằng di sản dù kiên cố, vững chãi đến mấy cũng không thể vĩnh hằng. Hãy cố gắng gìn giữ và trân trọng trước khi nó biến mất.
(Theo Brightside)