Mặt hàng này là gạo. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2024, dù có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nhưng tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt 562.943 tấn, với kim ngạch trị giá 373,4 triệu USD, tương đương với tăng 9,9% về lượng và tăng 3,1% về trị giá so với tháng trước.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính chung trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 2,07 triệu tấn, với trị giá 1,37 tỷ USD, tương ứng với tăng 40% về lượng và 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Nhiều quốc gia trên thế giới như Philippines, Indonesia, Malaysia, Ghana, Pháp... đều nhập khẩu nhiều gạo của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024. Trong đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Philippines và Indonesia vẫn là 2 thị trường chính nhập khẩu nhiều gạo nhất của Việt Nam. Trong đó, chỉ trong 2 tháng đầu năm, Philippines đã chi tới 337 triệu USD để nhập khẩu 500.195 tấn gạo của Việt Nam. Con số này lần lượt tăng 24,4% về lượng và tăng 64,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Ở vị trí thứ hai là Indonesia với việc nhập khẩu 219.165 tấn gạo, trị giá 141,7 triệu USD, tăng 52,4% về lượng và gấp 2,1 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trên thực tế, Indonesia hiện đang chiếm tới 20,4% trong tổng khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta.
Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trong thời gian tới
Theo dự báo của các chuyên gia, giá gạo trên thế giới sẽ còn tăng vì nhu cầu của các thị trường lớn. Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) chỉ ra rằng, dự báo nhập khẩu gạo của Philippines sẽ lên mức kỷ lục là 4,1 triệu tấn trong năm 2024, tăng tới 200.000 tấn so với dự báo 3,9 triệu tấn trước đó.
USDA cho biết, sở dĩ Philippines tăng lượng gạo nhập khẩu là vì tình trạng khô hạn làm ảnh hưởng tới sản lượng lúa gạo nội địa.
Hơn nữa, theo thống kê từ Cục Thực vật – Bộ Nông nghiệp Philippines, từ tháng 1 đến ngày 14/3/2024, quốc gia này đã nhập tới 887.000 tấn gạo. Trong đó, lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam là 494.000 tấn, chiếm tới 55,7% thị phần. Việt Nam hiện đang là thị trường nhập khẩu gạo đứng đầu của Philippines, vượt qua các nước như Thái Lan (với 230.560 tấn), Pakistan (109.803 tấn).
Ngoài Việt Nam, Thái Lan và Pakistan, Philippines còn nhập khẩu gạo từ các nước như Myanmar (với 48.960 tấn), Campuchia (1.620 tấn), Nhật Bản (1.815 tấn)...
Tương tự, Indonesia cũng tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo thêm 1,6 triệu tấn lên mức 3,6 triệu tấn trong năm 2024. Nguyên nhân là vì sản xuất gạo ở quốc gia này bị thiếu hụt và việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm do thiếu nước canh tác. Việc này chịu ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023.
Hơn nữa, trên thực tế, nhiều quốc gia ở châu Phi đang chuyển hướng sang nhập khẩu gạo của Việt Nam, nhất là sau khi Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, áp đặt những biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu từ giữa năm 2023.
Mặt khác, theo USDA, sản lượng gạo tại các nước như Ấn Độ, Thái Lan dự báo sẽ giảm. Trong thời gian tới, giá gạo được dự đoán tăng trở lại vì Việt Nam và nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo đang bước vào vụ thu hoạch. Xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, vì có nguồn cung dồi dào từ vụ Đông Xuân và nhu cầu nhập khẩu tăng cao trên thị trường.
Trong năm 2023, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 8,13 triệu tấn, với kim ngạch trị giá 4,7 tỷ USD. Đây cũng là mức kỷ lục của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Trong đó, Philippines và Indonesia là hai thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ nhất và thứ hai của Việt Nam, với lần lượt hơn 3,1 triệu tấn và 1,15 triệu tấn.
Bài viết tham khảo nguồn: Mard, Customs, USDA