Chỉ trong 3 năm, THACO của tỷ phú Trần Bá Dương lên hàng loạt kế hoạch tỷ đô "tham chiến" từ cơ khí, bauxit, năng lượng, nông nghiệp đến bán lẻ

Nhuận Hoa |

Lấy công nghiệp ô tô làm trụ cột, THACO của tỷ phú Trần Bá Dương đặt tham vọng trở thành tập đoàn đa ngành có quy mô khu vực khi liên tục lên kế hoạch rót hàng tỷ USD vào loạt dự án, từ công nghiệp, năng lượng đến bán lẻ, nông nghiệp...

Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương, mới đây, tỉnh này đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần tập đoàn Trường Hải (THACO) về việc triển khai xây dựng một khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 26.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).

Dự kiến, bắt đầu từ năm sau, THACO sẽ tập trung nguồn lực để nghiên cứu dự án. UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các thủ tục đầu tư xây dựng dự án theo thẩm quyền của tỉnh và pháp luật.

"Đại gia" ô tô rót tỷ đô vào Bauxit, năng lượng, nông nghiệp và du lịch

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên ngày 21/11 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Tuệ - Giám đốc đầu tư THACO cũng đã nhận Biên bản ghi nhớ hợp tác “Nghiên cứu hợp tác đầu tư chỉnh trang đô thị, các dự án tổ hợp nhà máy tuyển Bauxit, chế biến Alumin, sản xuất nhôm, năng lượng tái tạo, sản xuất nông nghiệp và các dự án du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” với tổng mức đầu tư dự kiến 1,3 tỷ USD.

Trước đó, THACO đã đề xuất được khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án tổ hợp khai thác và chế biến quặng bô xít tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Theo đề xuất của Thaco khi đó, dự án tổ hợp này có tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng.

Dự án bao gồm: nhà máy tuyển quặng bô xít (quy mô 500ha, công suất 3,25 triệu tấn quặng tinh/năm); nhà máy chế biến alumin (quy mô 500ha, công suất 1,3 triệu tấn/năm); nhà máy sản xuất nhôm (quy mô 150ha, công suất 300.000 tấn/năm).

Khu vực khai thác mỏ có quy mô 107,66 km2, thuộc địa bàn các xã Lộc Tân, Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm), xã Đambri và phường Lộc Phát (TP. Bảo Lộc) với tổng trữ lượng là 573,1 triệu tấn quặng thô.

 Chỉ trong 3 năm, THACO của tỷ phú Trần Bá Dương lên hàng loạt kế hoạch tỷ đô tham chiến từ cơ khí, bauxit, năng lượng, nông nghiệp đến bán lẻ  - Ảnh 1.

Nhà máy chế biến alumin tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng

Thaco cho biết, vùng nguyên liệu này có thể đáp ứng được nhu cầu của dự án trong vòng 30 năm. Với trữ lượng đánh giá sơ bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn dồi dào, tập đoàn sẽ tiến hành khảo sát thăm dò mở rộng khai thác đảm bảo cho dự án hoạt động lâu dài.

Mục tiêu doanh thu tỷ đô mảng công nghiệp, bán lẻ

Năm 2021, thị trường đầu tư chứng kiến một thương vụ M&A đình đám là THACO độc quyền sở hữu thương hiệu siêu thị E-mart tại Việt Nam với thời gian 9 năm. Sau đó, THACO đã thành lập công ty THISO Retail (trực thuộc THISO) để tiếp quản hoạt động kinh doanh của Emart Việt Nam. Việc mua lại đại siêu thị của Hàn Quốc là một trong những mảnh ghép của mô hình “1 điểm dừng - nhiều tiện ích” tập đoàn đang theo đuổi.

Phát biểu tại Hội nghị khách hàng được tổ chức vào hồi 5/8, ông Chun Byung Ki, Tổng giám đốc THISO Retail, cho biết Emart Việt Nam đang khẩn trương triển khai kế hoạch khai trương thêm hai siêu thị trong năm 2022. Đó là, Emart Sala Thủ Thiêm (tháng 10/2022) và Emart Phan Huy Ích (tháng 12/2022). Đồng thời, đặt kế hoạch đạt 20 siêu thị trong 5 năm tới và đến năm 2026 mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD.

 Chỉ trong 3 năm, THACO của tỷ phú Trần Bá Dương lên hàng loạt kế hoạch tỷ đô tham chiến từ cơ khí, bauxit, năng lượng, nông nghiệp đến bán lẻ  - Ảnh 2.

Sang năm 2022, Emart cho biết đã và đang khẩn trương triển khai kế hoạch khai trương thêm hai đại siêu thị gồm Emart Sala Thủ Thiêm (từ tháng 10/2022) và Emart Phan Huy Ích (tháng 12/2022). Doanh số theo kế hoạch là 1.760 tỷ đồng/đại siêu thị.

CEO THISO Retail chia sẻ, Emart Việt Nam sẽ hiện thực hóa việc mở rộng hệ thống không chỉ tại TP.HCM mà khắp các tỉnh thành khác. Emart Việt Nam kỳ vọng thúc đẩy hợp tác với nhà cung cấp trong nước, cung cấp hơn 90% hàng hóa trong nước được bán tại siêu thị.

Tham gia vào cuộc chơi khốc liệt, kế hoạch mở 20 đại siêu thị trong vòng chưa đầy 4 năm với doanh thu 1 tỷ USD được ông Dương nói là " không quá tham vọng ".

Cũng trong tháng 8, Tổng công ty cơ khí và công nghiệp hỗ trợ THACO Industries cho biết có kế hoạch đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2025, trong đó xuất khẩu là 500 triệu USD.

 Chỉ trong 3 năm, THACO của tỷ phú Trần Bá Dương lên hàng loạt kế hoạch tỷ đô tham chiến từ cơ khí, bauxit, năng lượng, nông nghiệp đến bán lẻ  - Ảnh 3.

Trước đó, một kế hoạch tỷ đô nổi tiếng của Thaco chính là thương vụ bắt tay giải cứu bầu Đức. Vào năm 2019, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) công bố tại Lễ kỷ niệm hợp tác chiến lược THACO và HAGL thông tin THACO đã đầu tư vào HAGL Agrico gần 1 tỷ USD.

Sau một thời gian, hiện THACO sở hữu 27,6% cổ phần và đã điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của HAGL Agrico từ năm 2021 với tổng diện tích là 36.050 hecta tại Lào và Campuchia còn bầu Đức đã thoái toàn bộ vốn khỏi công ty nông nghiệp này. HAGL vẫn nắm 9,44% vốn của HAGL Agrico.

Tuy nhiên, "kế hoạch tỷ đô" của Thaco với mảng nông nghiệp được mua từ bầu Đức hiện vẫn chưa thu được trái ngọt.

 Chỉ trong 3 năm, THACO của tỷ phú Trần Bá Dương lên hàng loạt kế hoạch tỷ đô tham chiến từ cơ khí, bauxit, năng lượng, nông nghiệp đến bán lẻ  - Ảnh 4.

THACO Group hiện có 2 Tập đoàn (THACO AUTO và THAGRICO) cùng 4 Tổng công ty thành viên (THACO INDUSTRIES, THADICO, THILOGI, THISO). Năm 2022 được biết là năm thứ hai Thaco theo đuổi cấu trúc đa ngành, với mục tiêu doanh thu 107.633 tỷ đồng, trong đó, xuất khẩu là 533 triệu USD. Kết thúc nửa đầu năm, doanh thu hợp nhất của Thaco đã đạt gần 50.000 tỷ đồng và xuất khẩu hơn 178 triệu USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại