Bóng đá Việt Nam có một luật bất thành văn: thua là bị... chửi. Chửi ít hay nhiều, còn phụ thuộc vào độ nổi tiếng của đội tuyển nhận thất bại.
Sau thành công của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á, báo chí khu vực gọi Việt Nam "là lá cờ đầu của Đông Nam Á" trên địa hạt bóng đá trẻ.
Những lời ngợi khen, tung hô của bạn bè quốc tế là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua với sự bùng nổ về mặt số lượng, chất lượng của hàng loạt trung tâm đào tạo trẻ. Được khen nhiều, kể ra cũng... sướng. Nhưng phải biết mình đang đứng ở đâu.
U16 Việt Nam sớm dừng bước ở giải U16 Đông Nam Á.
Hãy trở lại với câu chuyện ở giải U16 châu Á hai năm trước. Khi ấy, thầy trò HLV Đinh Thế Nam gây tiếng vang lớn khi đánh bại U16 Australia 3-2 để giành vé vượt qua vòng bảng. Về lý thuyết, U16 Việt Nam khi ấy đã ở tương đối gần tấm vé dự U17 World Cup ("chỉ" cần lọt vào bán kết), nhưng về thực tế, các cầu thủ lại cách ngưỡng cửa ấy khoảng cách rất xa.
Giải đấu năm đó, U16 Việt Nam thua U16 Nhật Bản 0-7, thua U16 Iran 0-5. Đó mới là những trận đấu cho thấy rất rõ chỗ đứng của bóng đá trẻ Việt Nam trên bản đồ bóng đá châu lục.
Vì thế, kỳ vọng U16 Việt Nam chạm đến giấc mơ U17 World Cup ở giải năm nay là kỳ vọng vô lý, không dựa trên bất cứ dẫn chứng lịch sử nào. Biết rằng không ai đánh thuế giấc mơ, nhưng khoác lên mình những cầu thủ còn chưa đến tuổi "bẻ gẫy sừng trâu" tấm áo quá rộng là một tội ác.
U16 Việt Nam đã thua. Ghi một bàn, thủng lưới bảy lần, không thắng được trận nào. Những con số gây thất vọng, song một thất bại ở giải đấu trẻ, chỉ nên đơn thuần nhìn nhận là một thất bại.
Giải đấu năm nay nên là động lực để HLV Vũ Hồng Việt cùng các cầu thủ tiếp tục cố gắng, chứ đừng xem như một "vết thương" mãi không lành. Trải nghiệm tại giải U16 châu Á là cơ hội để ngẫm nghĩ, sửa sai, quyết tâm làm lại, khi chặng đường phía trước vẫn còn rất dài.
Tất nhiên, nếu nghĩ thất bại càng nhiều, càng dễ thành công, thì Brunei hay Timor Leste đã lên tầm... "vua Đông Nam Á" từ lâu. Quan trọng là học được gì từ thất bại, mà nói về khía cạnh này, bóng đá trẻ Việt Nam đang làm rất tốt.
U23 Việt Nam của những Công Phượng, Xuân Trường đứng lên từ bài học "đắng ngắt" tại SEA Games 29 (bị loại ở vòng bảng). Không được người Thái "dạy dỗ" bài học tâm lý trong trận thua đau đớn hôm ấy tại Malaysia, liệu có một U23 Việt Nam "rũ bùn đứng dậy sáng lòa" với sự lỳ lợm và tinh thần quật cường khiến cả châu Á phải nể phục?
U19 Việt Nam của Quang Hải, Tiến Dũng giành vé đi U20 World Cup không lâu sau thất bại rất đậm trước U19 Thái Lan hay U19 Australia. U16 Việt Nam cũng lên ngôi vô địch Đông Nam Á, hai năm sau trận thua khó nuốt trôi trước U16 Australia trên loạt luân lưu.
Thành tích giải trẻ mang ý nghĩa khích lệ, chứ không nên bị nhìn nhận như thước đo phát triển. Một hạt giống tốt có thể "chết yểu" khi được gieo trồng trên mảnh đất cằn cỗi.
Ngược lại, một hạt giống bình thường đủ sức vươn mình thành tán cây khỏe mạnh, chỉ cần được gieo trên mảnh đất màu mỡ và chăm sóc đúng cách. Mảnh đất ấy, chính là giải vô địch quốc gia với vô số vấn đề còn tồn đọng.
Song song với V-League, cả guồng quay bóng đá nước nhà phải chuyển mình đi lên, nhằm tạo được hệ sinh thái lành mạnh cho những nhành cây đâm chồi, nảy lộc.
Nhiều thế hệ trẻ tỏa sáng rồi vụt tắt như ngôi sao băng vì không chịu nổi sự đả kích sau mỗi thất bại và luôn sống dưới sức ép của bệnh thành tích. Đó là bài học mà bóng đá Việt Nam phải nhớ, nhớ kỹ hơn nhiều so với bài học thất bại của U16 Việt Nam.
Mọi cầu thủ đều mơ ước gặt hái vinh quang từ khi còn trẻ, nhưng với họ, thất bại ở lứa tuổi này cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Ryan Giggs từng khẳng định rằng, mọi trải nghiệm đều có ý nghĩa riêng, giúp định hướng sự nghiệp cầu thủ theo lối đi đúng đắn, dù đó là thành hay bại.
Trong buổi họp báo ra mắt cương vị mới tại trung tâm bóng đá trẻ PVF, huyền thoại Paul Scholes cũng nhân mạnh: "Tuổi 25 là độ tuổi lý tưởng nhất để đánh giá sự phát triển của các cầu thủ". Trước 25 tuổi, mọi thất bại đều có thể chấp nhận. Nói cách khác, bóng đá trẻ đầy rẫy những sai số. Đội tuyển trẻ này vừa giành được thành công năm nay, năm sau đã thua bẽ bàng là chuyện bình thường.
Những đứa trẻ ở tuổi 15, ăn chưa no, lo chưa tới, đã phải gánh vác trách nhiệm với núi non. Dành cho chúng những lời cay đắng, liệu có công bằng?