Ngày 15/1, một tòa án Trung Quốc tuyên án Robert Lloyd Schellenberg từ 15 năm tù lên tử hình sau khi người này kháng án một bản án của tòa hồi tháng 12/2018.
Phiên tòa xét xử lại được chỉ thị sau khi các công tố viên nói có bằng chứng mới cho thấy Schellenberg đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động buôn lậu ma túy. "Bằng chứng rất phong phú và đáng chú ý, và các cáo buộc hình sự là có cơ sở", tòa án nói, cho biết Schellenberg có thể kháng án lên tòa án cấp cao Liêu Ninh trong vòng 10 ngày.
Cuối ngày 14/1, Bộ Ngoại giao Canada cập nhật khuyến nghị du lịch đối với Trung Quốc để cảnh báo người dân về "nguy cơ thực thi luật pháp tùy tiện của địa phương". Họ nói thêm: "Chúng tôi tiếp tục khuyên tất cả người Canada đi du lịch đến Trung Quốc thận trọng hơn."
Bản án dự kiến sẽ leo thang căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết Ottawa sẽ tiếp tục can thiệp mạnh mẽ vào vấn đề với Bắc Kinh.
"Là một chính phủ, điều đó cực kỳ đáng quan tâm đối với chúng tôi, cũng như đối với tất cả bạn bè và đồng minh quốc tế, khi Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng hình phạt tử hình tùy tiện như trong trường hợp này", ông Trudeau nói.
Cô của bị cáo Schellenberg, Lauri Nelson-Jones, cho biết nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của gia đình đã được xác nhận. "Lúc này, chúng tôi chỉ nghĩ đến Robert. Thật không thể tưởng tượng được những gì cậu ấy phải cảm nhận và suy nghĩ. Đây là một tình huống kinh khủng, đáng tiếc, đau lòng."
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Canada kể từ khi chính quyền Canada bắt giữ bà Mạch Vãn Chu (Meng Wanzhou), Giám đốc tài chính và Phó chủ tịch của tập đoàn Huawei và là công dân Trung Quốc theo yêu cầu của Mỹ. Các nhà phê bình cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng trường hợp Schellenberg để gây áp lực lên Ottawa.
Trong tuần Canada bắt giữ bà Meng, Trung Quốc cũng bắt giữ một cựu nhân viên ngoại giao Canada, Michael Kovrig, và một doanh nhân Canada, Michael Spavor. Một số người Canada khác cũng bị giam giữ và trục xuất .
Trong một bài viết, tờ Global Times của Trung Quốc phủ nhận có bất kỳ mối liên hệ nào giữa bản án của Schellenberg và vụ giám đốc Huawei. "Một số phương tiện truyền thông Canada và phương Tây ngay lập tức liên kết vụ này với vụ bà Meng và cho rằng Bắc Kinh đang gây áp lực lên Ottawa thông qua vụ án. Suy đoán vô lý này là một sự khinh miệt thô lỗ đối với luật pháp Trung Quốc".
Theo Global Times, dư luận Canada tuyên bố Trung Quốc đang chính trị hóa trường hợp của Schellenberg, nhưng những gì Canada đang làm mới là chính trị hóa luật pháp.
Schellenberg, một cựu công nhân mỏ dầu, bị giam giữ từ năm 2014 trong một vụ án ban đầu thu hút ít sự chú ý của công chúng. Tuyên bố của tòa án cho biết Schellenberg liên quan tới vụ buôn lậu 225kg methamphetamine sang Australia thất bại, bằng cách giấu thuốc trong lốp xe.
Tháng 12/2018, các nhà chức trách Trung Quốc ra lệnh tái thẩm và mời các phương tiện truyền thông nước ngoài đến, một điều hiếm thấy đối với các tòa án Trung Quốc, theo Guardian.
Sophie Richardson, giám đốc về Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: "Bắc Kinh sẽ phải trả lời với thế giới tại sao một vụ kiện cụ thể chống lại một công dân của một quốc gia cụ thể lại phải được xét xử vào thời điểm đặc biệt này."
Từng có người nước ngoài bị xử tử vì các tội liên quan đến ma túy ở Trung Quốc, nhưng vụ án Schellenberg đáng chú ý về thời điểm tái xét xử. William Nee, một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết: "Thậm chí sốc hơn sự vội vã của việc tái thẩm là cách chính quyền Trung Quốc cố tình thu hút sự chú ý đến vụ án. Khi họ thực sự mời báo chí quốc tế đến, điều đó rất bất thường và là một dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc tìm cách làm nổi bật vụ việc cho mục đích truyền tải thông điệp chính trị."
Các chuyên gia pháp lý cũng đặt ra câu hỏi về vụ án. Schellenberg bị giam giữ hơn một năm trước phiên tòa đầu tiên vào tháng 3/2016 và anh ta không bị kết án trong 32 tháng sau. Tuy nhiên, phiên tái thẩm đã được lệnh trong vòng 16 ngày kể từ khi có quyết định bổ sung.
"Nếu cho rằng công tố có kế hoạch đưa ra những cáo buộc mới nhằm giải thích cho việc áp dụng án tử hình, thời gian ngắn như vậy không đủ để chuẩn bị biện hộ" - Donald Clarke, giáo sư luật tại Đại học George Washington Trường luật và chuyên gia về luật Trung Quốc nói.
"Vụ án dường như củng cố quan điểm, từng được đặt ra sau các vụ giam giữ công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor, rằng Trung Quốc coi việc bắt giữ con tin là một cách chấp nhận được để ngoại giao", ông Clar Clarke viết.