Chỉ trích gay gắt FTA với Trung Quốc hủy hoại kinh tế, Maldives đòi "xé" thỏa thuận thương mại

Hải Võ |

Maldives có thể từ bỏ Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc nhằm bảo vệ quan hệ thương mại với các nước khác.

Maldives tố FTA với Trung Quốc làm tổn hại kinh tế

Bộ trưởng Kinh tế Maldives Fayyaz Ismail đánh giá, FTA giữa Trung Quốc và Maldives - được thiết lập dưới thời cựu Tổng thống Abdulla Yameen - sẽ làm cản trở quan hệ thương mại giữa đảo quốc này với các quốc gia khác.

FTA với Trung Quốc được Quốc hội Maldives thông qua năm 2017. Báo Economic Times (Ấn Độ) cho hay, thỏa thuận gây tranh cãi này được tổ chức ký kết giữa ông Yameen với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến công du Bắc Kinh của cựu Tổng thống Maldives vào cùng năm.

Phát biểu trong một chương trình của đài phát thanh nhà nước, Bộ trưởng Ismail nói hiệp định kể trên ngay từ đầu đã không nên được ký kết. Ông chỉ trích FTA với Trung Quốc đã làm tổn hại nền kinh tế Maldives.

"Quan điểm cá nhân của tôi là FTA [Trung Quốc-Maldives] là không thể chấp nhận và không nên được ký kết," ông Ismail nói, cho biết bản thân từng chỉ trích gay gắt thỏa thuận này khi còn là một nghị sĩ Quốc hội.

Thuế suất lớn hơn áp lên hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác, trong khi các mặt hàng Trung Quốc được miễn thuế, nhiều khả năng sẽ làm gián đoạn quan hệ thương mại của Maldives với các nước - Bộ trưởng Kinh tế Ismail chỉ ra.

"Các liên hệ thương mại đã thiết lập theo thời gian sẽ bị hủy hoại nếu chúng ta tiếp tục xúc tiến FTA [với Trung Quốc], đồng nghĩa chúng ta không còn 'đường lui'. Quan hệ thương mại với Singapore, Dubai hay Ấn Độ đều sẽ trở nên vô ích. Tất nhiên tất cả doanh nghiệp sẽ lựa chọn sản phẩm Trung Quốc nếu hàng hóa sẵn có và giá thấp hơn," ông nói.

Bộ trưởng Tài chính Maldives Ibrahim Ameer thì tuyên bố thỏa thuận với Trung Quốc là "không tồn tại".

Chỉ trích gay gắt FTA với Trung Quốc hủy hoại kinh tế, Maldives đòi xé thỏa thuận thương mại - Ảnh 1.

Cây cầu hữu nghị Trung Quốc-Maldives kết nối thủ đô Male với đảo Hulhule (Ảnh: Xinhua)

Cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc

Theo chính phủ Maldives, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của đảo quốc này, song ngư dân lại không được hưởng lợi từ FTA với Bắc Kinh. Trong khi đó, các mối liên hệ giữa Maldives với Ấn Độ đã có nhiều chuyển biến từ sau khi ông Ibrahim Mohamed Solih đắc cử tổng thống năm 2018.

Các dự án hạ tầng do New Delhi bảo trợ đã được xúc tiến nhanh chóng. Ấn Độ cũng nhiệt tình hỗ trợ Male ứng phó với tình hình dịch Covid-19 bùng phát, với gói tín dụng 250 triệu USD được công bố vào tháng 9 nhằm giúp Maldives phục hồi kinh tế.

Hồi tháng 8, Ấn Độ cam kết cung cấp khoản vay 500 triệu USD cho các dự án hạ tầng tại Maldives, nâng tổng mức viện trợ tài chính cam kết của New Delhi đối với đảo quốc này lên mức 2 tỷ USD kể từ khi Tổng thống Maldives Solid nhậm chức.

Sức ép thực hiện nghĩa vụ trả các khoản nợ quốc tế đã đè nặng lên Maldives thời gian qua khi nền kinh tế nước này suy thoái dưới tác động của dịch Covid-19, trong đó có các khoản vay lớn từ Trung Quốc.

Ông trùm kinh doanh Ahmed Siyam hồi tháng 8 đã gấp rút trả lãi khoản vay 127.5 triệu USD từ Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (Exim Bank of China), giúp xoa dịu nỗi lo của người dân đảo quốc về nguy cơ sập "bẫy nợ" của Trung Quốc. Dù vậy, vụ việc được cho là tín hiệu cảnh báo về rủi ro liên quan đến nhiều tỷ USD mà Maldives đã vay mượn từ Bắc Kinh, chủ yếu từ thời chính quyền tiền nhiệm.

Theo Nikkei Asian Review, chính quyền Yameen đã lao vào các chương trình hạ tầng quy mô khổng lồ của Trung Quốc. Ông này đồng ý cho Bắc Kinh thuê một hòn đảo gần thủ đô với giá ưu đãi và chào mời nhà thầu Trung Quốc tham gia loạt dự án xây dựng hàng nghìn căn hộ, một đường cao tốc mới, một cây cầu dài hơn 1.5km, một trạm bơm nhiên liệu cho máy bay, cùng nhà ga hành khách tại cảng hàng không quốc tế.

Số lượng dự án hạ tầng được triển khai nhiều và nhanh chưa từng thấy tại Maldives dưới thời ông Yameen. Các nguồn tin của Nikkei cho hay, nhiều dự án được xây dựng với các điều khoản mật, không đấu thầu và có mức giá cao - làm dấy lên nghi vấn về tình trạng tham nhũng.

Cựu Tổng thống Yameen bị bắt vào năm 2019 với cáo buộc hoạt động rửa tiền.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại