Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã tung ra một loạt biện pháp để giải cứu nền kinh tế Mỹ khỏi những tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19, từ thông báo hạ lãi suất khẩn cấp hôm 3/3, bơm thanh khoản vào thị trường cho đến hạ lãi suất xuống gần 0 và triển khai mua trái phiếu không giới hạn.
Vẫn được coi là định chế tài chính hùng mạnh nhất trên trái đất này, Fed hiện đã có bảng cân đối kế toán quy mô hơn 5.300 tỷ USD - tương đương GDP 1 quý trước khi khủng hoảng. Con số này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, mặc dù một phần sẽ được phân bổ vào các tài khoản phục vụ mục đích đặc biệt (SPV) nằm ngoài bảng cân đối kế toán, thay vì mua trực tiếp bởi Fed.
Dưới đây là một số bước đi mà Fed đã thực hiện cho đến nay.
Hạ lãi suất
Fed đã hạ lãi suất khẩn cấp 2 lần trong tháng 3, lần đầu tiên làm như vậy kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Ban đầu Fed giảm lãi suất 0,5% vào ngày 3/3 và lần thứ hai giảm 1% vào ngày 15/3, đưa lãi suất vay qua đêm áp dụng với các ngân hàng thương mại xuống gần 0.
Mục đích là để hạ chi phí đi vay cho các ngân hàng và sau đó tác động tới người tiêu dùng, đảm bảo người đi vay vẫn tiếp cận được với nguồn tín dụng trong suốt thời khủng hoảng.
Thị trường repo
Fed đã bắt đầu can thiệp vào thị trường tiền tệ kể từ mùa thu năm ngoái, khi tình trạng khan hiếm tiền mặt khiến lãi suất cho vay ngắn hạn tăng vọt. Các nhà hoạch định chính sách có dự định năm 2020 sẽ thu hẹp quy mô chương trình mua lại (repo). Tuy nhiên nền kinh tế bị đe dọa bởi dịch bệnh lại khiến Fed phải đảo ngược dự định, bơm tiền mặt không giới hạn cho thị trường cho vay qua đêm.
Ngày 31/1, Fed cũng thông báo mở rộng thỏa thuận repo với cả NHTW các nước, cho phép họ đổi trái phiếu Kho bạc Mỹ lấy các khoản vay bằng USD qua đêm.
Nới lỏng định lượng
Fed bắt đầu triển khai các gói nới lỏng định lượng từ năm 2008. Ý tưởng là thông qua việc mua các loại trái phiếu đa dạng với quy mô lớn - hầu hết là trái phiếu kho bạc và các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS), Fed sẽ cố định được lãi suất dài hạn cho các khoản vay thế chấp và vay mua ô tô ổn định ở mức thấp, giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp có đủ khả năng thực hiện những khoản mua sắm lớn.
Khi lãi suất được hạ xuống gần 0 ngày 15/3, Fed bắt đầu tái khởi động lại chương trình QE và hiện triển khai QE không giới hạn.
Cửa sổ chiết khấu
Trong những tuần gần đây, các ngân hàng đã đi vay trên công cụ cho vay cuối cùng của Fed với khối lượng lớn nhất kể từ 2009. "Cửa sổ chiết khấu" hiếm khi được sử dụng vì các ngân hàng lo ngại sử dụng công cụ này khiến họ trông yếu ớt. Nhưng các nhà hoạch định chính sách đã giảm lãi suất trên các khoản vay này xuống còn 0,25% và kéo dài thời hạn khoản vay từ 1 ngày lên 90 ngày.
Hợp đồng hoán đổi với NHTW các nước
Fed có thỏa thuận hoán đổi ngoại tệ với 5 NHTW lớn - NHTW Canada, NHTW châu u, NHTW Anh, NHTW Nhật Bản và NHTW Thụy Sĩ, theo đó cho phép cung cấp USD cho các định chế tài chính trong thời kỳ căng thẳng. Fed đã tăng tần suất hoạt động này từ hàng tuần lên hàng ngày.
Ngoài ra Fed có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ tạm thời với 9 nước khác, nhằm tăng nguồn cung USD trong bối cảnh nhu cầu tăng cao do nhiều nước có cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp niêm yết bằng USD.
Chương trình mua tài sản TALF
Thông qua các công cụ phục vụ mục đích đặc biệt (SPV), chương trình TALF sẽ mua rất nhiều tài sản được đảm bảo bởi các khoản vay ô tô, nợ thẻ tín dụng, nợ sinh viên và những khoản vay được bảo lãnh bởi chính phủ.
Mục tiêu là đảm bảo các ngân hàng và tổ chức cho vay khách có tiền mặt dồi dào để giữ đảm bảo không bị khan hiếm tín dụng trong khủng hoảng.
Chương trình mua lại thương phiếu (CPFF)
Đây là công cụ đã được sử dụng trong suốt khủng hoảng tài chính, để tiền có thể đến trực tiếp tay các doanh nghiệp lớn, để họ không sa thải nhân viên. Giống như TALF, Fed sẽ sử dụng SPV để mua thương phiếu - nguồn cung vốn ngắn hạn cho nhiều công ty.
Thị trường trở nên căng thẳng một phần là bởi lo ngại các công ty bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ không thể thanh toán các giấy chứng nhận nợ của họ.
Công cụ PDCF
Fed cung cấp các khoản vay ngắn hạn cho khoảng hơn 20 ngân hàng trên phố Wall được giao nhiệm vụ giao dịch trực tiếp với Fed. Các ngân hàng môi giới thứ cấp được tiếp cận khoản vay kỳ hạn lên tới 90 ngày.
PMCCF
Với chương trình này, Fed sẽ hành động như 1 chốt chặn cuối cùng cho các khoản nợ doanh nghiệp được phát hành bởi những công ty có mức xếp hạng cao. Bằng SPV, chương trình này giúp mua trái phiếu và phát hành nợ cho các công ty mà có thể giúp họ trang trải chi phí hoạt động. Các doanh nghiệp phải trả nợ cho PMCCF trong 4 năm.
SMCCF
Công cụ này gần giống với PMCCF, nhưng SPV sẽ mua trái phiếu doanh nghiệp và các quỹ ETF trên thị trường thứ cấp. Mục tiêu là ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp và để các công ty dễ huy động vốn hơn. Chỉ có những công ty được xếp hạng đầu tư được tham gia chương trình này.
MMFLF
Đây là công cụ mới được đưa vào sử dụng, nhằm giúp cho thị trường tiền tệ quỹ tương hỗ trị giá 3.800 tỷ USD hoạt động trơn tru kể cả khi nhà đầu tư ồ ạt rút tiền. Theo đó cung cấp các khoản vay kỳ hạn 1 năm trở xuống cho các định chế tài chính. Fed gián tiếp khuyến khích các ngân hàng mua tài sản từ các quỹ thị trường tiền tệ, làm giảm xác suất những quỹ này cần phải bán lỗ tài sản để đáp ứng nhu cầu rút tiền của nhà đầu tư.
Tham khảo Reuters