Chi tiết bất ngờ về vụ tên lửa sắp đâm Mặt Trăng: Không phải của Trung Quốc, vậy của ai?

Trang Ly |

Sau nhiều ngày im lặng, Trung Quốc đã lên tiếng...

Wang Wenbin, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (MOFA) tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh ngày 21 tháng 2 năm 2022. Ảnh: MOFA

Wang Wenbin, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (MOFA) tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh ngày 21 tháng 2 năm 2022. Ảnh: MOFA

TRUNG QUỐC LÊN TIẾNG

Sau nhiều ngày giữ im lặng, cuối cùng đến ngày 21/2/2022, phía Trung Quốc cũng lên tiếng xoay quanh sự việc nhà thiên văn học người Mỹ Bill Gray cho rằng: Phần tên lửa sắp đâm vào Mặt Trăng là của Trung Quốc.

Cụ thể, Reuters cho biết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/2 đã bác bỏ báo cáo của Mỹ rằng một phần tên lửa đẩy đã qua sử dụng được dự báo sẽ rơi xuống phía xa của Mặt Trăng vào tháng tới là mảnh vỡ từ một sứ mệnh Mặt Trăng của Trung Quốc thực hiện vào năm 2014.

Theo Wang Wenbin, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (MOFA), khẳng định phần tên lửa đẩy đã qua sử dụng sắp đâm vào Mặt Trăng KHÔNG PHẢI từ sứ mệnh Chang'e 5-T1 của Trung Quốc thực hiện cách đây 8 năm.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh ngày 21/1/2022, ông Wang Wenbin nói: "Theo sự giám sát của Trung Quốc, tầng trên của tên lửa sứ mệnh Chang'e 5-T1 đã rơi qua bầu khí quyển của Trái Đất một cách an toàn và đã cháy hoàn toàn. Những nỗ lực trong lĩnh vực hàng không vũ trụ của Trung Quốc luôn tuân thủ luật pháp quốc tế".

Ông Wang Wenbin nói thêm: "Chúng tôi cam kết nghiêm túc bảo vệ tính bền vững lâu dài của các hoạt động ngoài vũ trụ và sẵn sàng trao đổi và hợp tác sâu rộng với tất cả các bên", CGTN thông tin.

Thêm tin cậy vào tuyên bố của Trung Quốc là dữ liệu từ Phi đội Kiểm soát Không gian số 18 của Lực lượng Vũ trụ Mỹ cho thấy giai đoạn tên lửa Trung Quốc thực sự đã tái nhập khí quyển vào tháng 10/2015, SpaceNews cho biết.

Điều này đặt ra câu hỏi: Vậy vật thể sắp đâm vào Mặt Trăng là gì? Của nước nào?

Chi tiết bất ngờ về vụ tên lửa sắp đâm Mặt Trăng: Không phải của Trung Quốc, vậy của ai? - Ảnh 2.

Tên lửa đẩy Trường Chinh 3C/E được phóng đi từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương hồi tháng 10/2014. Ảnh: AP

Chuyến đi kéo dài gần một thập kỷ của tên lửa đẩy bị nghi ngờ (Trường Chinh 3C/E) đã khơi lại cuộc thảo luận về các mảnh vỡ không gian và việc ai chịu trách nhiệm pháp lý khi theo dõi rác trôi nổi bên ngoài bầu khí quyển của Trái Đất.

Sự phủ nhận của Trung Quốc cho thấy sự khó khăn trong việc theo dõi các vật thể (nhân tạo và tự nhiên) trong không gian sâu của các nhà khoa học vũ trụ hiện đại. Điều này, bật lên những thách thức trong việc theo dõi rác vũ trụ. Xa hơn là việc theo dõi không chính các vật thể (thiên thạch, tiểu hành tinh...) khi chúng tiếp cận Trái Đất.

Trước khi kết thúc buổi họp báo, ông Wang Wenbin nói: "Trung Quốc tuân theo luật pháp quốc tế về phát triển các vấn đề không gian, đồng thời tiến hành các cuộc tham vấn rộng rãi hơn với các bên liên quan".

Trước đó, theo một số quan sát độc lập thì một phần của tên lửa vũ trụ nặng 4 tấn này, dự kiến ​​sẽ đâm không chủ ý vào Mặt Trăng vào ngày 4/3/2022 với tốc độ hơn 9.000 km/giờ, được ông Bill Gray xác định là một giai đoạn của tên lửa Falcon đã qua sử dụng. Tên lửa này do SpaceX của tỷ phú Elon Musk phóng năm 2015.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông Bill Gray đăng tải thông tin 'đính chính' rằng, phần tên lửa sắp đâm vào Mặt Trăng đó là của Trung Quốc, không phải của SpaceX (Mỹ).

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) cùng thời gian đó cũng nêu phân tích của họ cho thấy vật thể này có khả năng là một giai đoạn tên lửa đẩy Trường Chinh 3C/E từ sứ mệnh Chang'e 5-T1 của Trung Quốc năm 2014.

Trung Quốc đã bị chỉ trích nhiều lần trong những năm gần đây vì các hoạt động liên quan đến các mảnh vỡ không gian. Gần đây nhất là việc tái nhập một cách mất kiểm soát tên lửa Trường Chinh 5B vào tháng 5/2021, may mắn không dẫn đến thương vong. Vào tháng 11/2021, các mảnh vỡ từ một cuộc thử nghiệm chống vệ tinh của Trung Quốc được thực hiện vào năm 2007 đã buộc Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) phải di chuyển để bảo vệ sự an toàn của phi hành đoàn bên trong.

SỨ MỆNH TIỀN THÂN

Vào tháng 10/2014, Trung Quốc đã phóng tên lửa Trường Chinh 3C/E 3 tầng để thực hiện sứ mệnh Chang'e 5-T1, tiền thân của sứ mệnh Chang'e 5 nổi tiếng hơn đã đưa một mẫu Mặt Trăng quý giá trở lại Trái Đất thành công vào tháng 12/2020.

Chi tiết bất ngờ về vụ tên lửa sắp đâm Mặt Trăng: Không phải của Trung Quốc, vậy của ai? - Ảnh 4.

Khoang tàu vũ trụ thuộc sứ mệnh Chang'e 5-T1 (2014) đã hạ cánh trở lại Trái Đất thành công.

Chang'e 5-T1 năm 2014 có nhiệm vụ kiểm tra khả năng tái nhập vào bầu khí quyển Trái Đất của khoang tàu vũ trụ. Kết quả: Khoang tàu vũ trụ đã hạ cánh trở lại Trái Đất cùng tháng đó thành công.

Nhờ sứ mệnh tiền thân Chang'e 5-T1 này, năm 2020, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trong lịch sử nhân loại (sau Mỹ và Liên Xô) mang được mẫu vật Mặt Trăng về Trái Đất nghiên cứu. Đây cũng là sứ mệnh trả mẫu Mặt Trăng đầu tiên trong 46 năm qua của thế giới kể từ sau khi sứ mệnh cuối cùng của Liên Xô thực hiện năm 1976.

Chang'e-5 là sứ mệnh thứ 6 trong một loạt sứ mệnh đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm khám phá Mặt Trăng. Quốc gia này đặt tham vọng xây dựng một căn cứ cho người ở trên Mặt Trăng.

Các mẫu đá Mặt Trăng do Chang'e-5 mang về có tuổi đời 2 tỷ năm, khiến chúng trở thành mẫu đá Mặt Trăng trẻ nhất mà các nhà khoa học có được. Các mẫu này cho thấy Mặt Trăng đã hoạt động trong thời gian dài hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.

Bài viết sử dụng các nguồn: Reuters, CGTN, Space News

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại