Nhà văn Vương Hiểu Ba (Trung Quốc) từng nói: "Khi bạn đã chứng kiến quá nhiều mưu mô ở thế giới bên ngoài, khi bạn kiệt sức vì những vất vả của công việc và những khó khăn của cuộc sống, bạn sẽ thấy rằng gia đình là nơi cuối cùng của bạn trên thế giới này". Có một gia đình đàng hoàng chính là thành công lớn nhất của đời người. Rất tiếc, không phải ai cũng được sinh trưởng trong một môi trường gia đình như mong muốn.
Mới đây, bài viết của một chuyên gia nuôi dạy con cái ở Trung Quốc về những "tục lệ nghèo nàn" của gia đình thu hút sự chú ý. Đây là những vấn đề ông nhìn thấy sau khi đi thăm họ hàng dịp Tết nguyên đán.
01. Gia đình trọng nam khinh nữ, ưu tiên con trai hơn con gái
Xã hội phát triển, nhưng tư tưởng "trọng nam khinnh nữ" vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của rất nhiều gia đình. Tư tưởng phong kiến này đã lỗi thời hàng chục năm nay nhưng nhiều phụ huynh vẫn coi đó như một "quy luật". Tết Nguyên đán là khoảng thời gian mọi người vui vẻ bên nhau. Nhưng ở nhiều nơi, phụ nữ chỉ có thể nấu nướng rồi ngồi "mâm dưới" ăn uống vì bị phân biệt đối xử.
Một bạn nữ cùng lớp của tôi khi đang yêu đã đến nhà bạn trai nấu một bữa ăn bằng cả tấm lòng nhưng sau đó, cô chỉ có thể đứng sang một bên đợi đám đàn ông trong gia đình ăn uống rồi mới được ngồi ăn. Cô và bạn trai chia tay. Thử nghĩ xem, ai muốn được gả vào nhà chồng như vậy?
Trong một xã hội mà nam nữ thiếu bình đẳng, chắc chắn sẽ tạo ra mâu thuẫn nội bộ trong gia đình. Những đứa trẻ trai ở những gia đình này thường cũng sẽ được o bế, đối xử ưu tiên hơn với bé gái. Chúng thường được chiều chuộng, thỏa sức ăn hiếp, quát tháo người lớn, bắt mọi người phải phục vụ mình. Trong khi đó, những bé gái bị xem nhẹ không khỏi thấy tự ti, ấm ức, sống thu mình, ít nói và tự ti.
Tình yêu của cha mẹ giống như một cái cân, mỗi đứa con ở một bên, giữ cho cân thăng bằng. Nếu tình cảm của cha mẹ nghiêng về một bên, cái cân lập tức đổ lệch, hai đứa trẻ sẽ phát sinh vấn đề.
02. Không ngày nào không có rượu, say xỉn không chỉ hại sức khỏe mà còn làm gương xấu cho con
Trong những ngày Tết, tụ tập nhau thì phải uống vài ly. Phong tục này tồn tại ở nhiều nơi. Trong tình trạng “chếnh choáng” men rượu, khó kiểm soát được bản thân không ít những vụ tai nạn đã xảy ra, gây những hậu quả đáng tiếc. Rồi chồng say xỉn, đánh mắng vợ, con cái thu mình không dám ló mặt ra vì sợ lãnh hậu quả.
Hành vi uống rượu của cha mẹ ảnh hưởng đến con cái, nhất là thiếu niên. Nghiên cứu cho rằng việc nhậu nhẹt dù là ở mức độ "lai rai" trước mặt trẻ em cũng có thể khiến chúng cảm thấy lo lắng, bối rối và làm rối loạn giấc ngủ của trẻ. Không chỉ vậy, những đứa con nhìn thấy cha mẹ bia bọt sẽ ít coi phụ huynh là hình mẫu để noi theo.
Cha mẹ cũng không nên cho con cái thoải mái tiếp xúc với rượu bia trước 18 tuổi, nên tránh trữ rượu bia quá nhiều trong nhà và nên giải thích với con rằng đồ uống có cồn tác động lớn đến não của trẻ chưa thành niên, vì não khi này vẫn đang trong giai đoạn hình thành.
03. Nịnh nọt bà con giàu có, thờ ơ với họ hàng nghèo khó
Có câu nói: "Nếu bạn nghèo ở thành phố bận rộn, không ai quan tâm đến bạn; nếu bạn giàu ở miền núi, bạn vẫn có họ hàng xa". Trong dịp Tết Nguyên Đán, nhiều người chỉ đến nhà họ hàng giàu có và quyền lực và từ chối kết giao với những người bà con nghèo. Điều này không hề hiếm.
Sự tương tác giữa con người với nhau là tương hỗ, không phải bạn lấy lòng ai sẽ cho bạn lợi ích. Nếu bạn sống không biết trước biết sau, chỉ xu nịnh vì lợi ích cá nhân thì sao trách con mình lớn lên vô tâm, ích kỉ, không biết nghĩ đến người khác?
Theo Tiến sĩ Kristina S. Brown – Trưởng khoa Gia đình và Đôi lứa thuộc đại học Alder (Mỹ), mối quan hệ giữa các anh chị em họ đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Theo bà, anh chị em họ trở thành nguồn lực bổ sung lớn (chủ yếu là về cảm xúc) ngoài gia đình cơ bản.
Ở thời hiện đại ngày nay, các mối quan hệ họ hàng được xây dựng dễ dàng nhờ các phương tiện mạng xã hội, các ứng dụng... Các bậc cha mẹ nên cùng con cái và các anh chị em trong đại gia đình gặp gỡ, tụ họp trong các dịp nghỉ, nhằm tăng cường những sự gắn kết tình cảm, thay vì chỉ chăm chăm lấy lòng người giàu mà bỏ qua bà con nghèo khó.