Cả gia đình cô Noriah Bakar (36 tuổi) sinh sống ở thành phố Subang Jaya thuộc bang Selangor của Malaysia đã tự cách ly trong nhà từ tháng Tư năm nay.
Nhưng hồi tuần trước, cả chồng và 2 cậu con trai của cô Bakar đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Họ được chẩn đoán mắc biến thể Delta, giữa lúc Malaysia ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao kỷ lục.
Tính đến ngày 17/7, tổng số trường hợp nhiễm bệnh tại Malaysia đã lên đến 893.000 người.
Malaysia ghi nhận số ca mới mắc Covid-19 tăng cao kỷ lục do sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta. (Ảnh: Straits Times)
“Khi hay tin, chúng tôi gần như chết lặng vì chúng tôi chỉ ở trong nhà từ giữa tháng Tư. Chồng tôi chỉ ra ngoài 1 lần để đi lấy tài liệu. Tôi chỉ ra ngoài 2 lần trong 3 tuần qua để đi đặt lịch tiêm vắc-xin Covid-19 và mua bánh mỳ”, cô Bakar nói với Straits Times.
“Cuộc sống của chúng tôi phụ thuộc chính vào dịch vụ mua sắm trực tuyến, dù chi phí có đắt đỏ hơn. Do đó, chúng tôi không biết mình đã sai ở đâu để bị mắc bệnh”, cô Bakar nói thêm.
Vào ngày 13/7, Bộ trưởng Y tế Malaysia Hisham Abdullah cảnh báo số ca mới mắc Covid-19 ở nước này có thể tăng nhanh trong 2 tuần tới, do biến chủng Delta có khả năng lây lan dễ dàng trong không khí. Ngoài ra, các ca bệnh nhiễm biến chủng Delta cũng đã được ghi nhận ở hầu hết các bang của Malaysia.
Biến chủng Delta lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ có tốc độ lây nhiễm cao hơn biến chủng Alpha có nguồn gốc ở Anh lên tới 55%. Biến chủng Delta cũng có khả năng lây nhiễm cao hơn chủng virus corona đầu tiên ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc là khoảng 50%, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
“Dường như biến chủng Delta B.1.617.2 sẽ thay thế các biến chủng khác từng xuất hiện trên thế giới và nó đang gây ra mối quan ngại cực lớn”, Giáo sư Awang Bulgiba Awang Mahmud thuộc Nhóm chuyên trách đối phó dịch Covid-19 của chính phủ Malaysia nhấn mạnh.
Nhà dịch tễ học Kamarul Imran Musa cho hay, “càng làm thêm các xét nghiệm, càng phát hiện thêm các ca mới mắc Covid-19, virus dễ dàng truyền bệnh khiến số ca mới tiếp tục tăng”.
Để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, một số bang và khu vực ở Malaysia đã cho tăng cường hoạt động giám sát đi lại đối với người dân. Theo đó, người dân chỉ rời khỏi nhà trong trường hợp đi mua nhu yếu phẩm hoặc tới cơ quan y tế bao gồm các điểm tiêm phòng vắc-xin Covid-19.
Ông Bulgiba nhấn mạnh thêm, “Chiến lược ngăn chặn dịch lâu dài và duy nhất chính là tiêm phòng”.
Cũng theo ông Bulgiba, vắc-xin Covid-19 Pfizer-BioNTech/Comirnaty và AstraZeneca hiện có hiệu quả chống lại biến chủng Delta và Beta khi tiêm đủ 2 mũi. Do đó, những người tiêm 1 mũi sẽ không đạt được hiệu quả phòng bệnh tối ưu.
Các chuyên gia y tế Malaysia đã đề xuất nhiều cách giúp chính phủ Malaysia đẩy mạnh chương trình tiêm phòng như cắt giảm thời gian giữa 2 mũi tiêm xuống còn 4 tuần thay vì 9 tuần như trước đây. Ngoài ra, biện pháp tiêm lẫn 2 loại vắc-xin Covid-19 cũng đã được đề xuất.
Theo dữ liệu được chính phủ Malaysia thông báo, 50,2% dân số nước này đã được tiêm 1 mũi vắc-xin Covid-19.