Theo Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA), thị trường Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 5 triệu gói mì ăn liền, đứng thứ 5 thế giới. Nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền bắt đầu tăng trở lại sau khi chạm đáy vào năm 2015, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn.
Nhu cầu thị trường tăng trở lại giúp các doanh nghiệp trong ngành ‘thở phào’ nhẹ nhõm. Uniben, công ty sản xuất mì ăn liền mới nổi trong vài năm gần đây, đã đầu tư 1.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng thêm một nhà máy tại Hưng Yên để nâng cao năng lực sản xuất.
Với 2 thương hiệu chủ lực là Mì 3 miền và Mì Reeva, trong những năm gần đây, Uniben đã vươn lên trở thành một trong những nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất Việt Nam, bên cạnh Masan Consumer và Vina Acecook.
Chiến lược trọng tâm đi vào khu vực nông thôn, Unbien cho thấy kết quả khả quan khi năm 2017, công ty đạt doanh thu 2.652 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2016. Doanh thu của Uniben đã tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong năm trước đó.
Nhờ chi phí nguyên liệu và các yếu tố cấu thành giá vốn hàng bán giảm, lợi nhuận gộp của Uniben đã tăng gần 50% so với năm ngoái, đạt 790 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Uniben phải chi rất nhiều tiền cho quảng cáo và chiết khấu cho nhà phân phối. Năm 2017, công ty đã chi tới 700 tỷ đồng chi phí bán hàng, tăng gấp đôi so với năm 2015.
Năm 2016, công ty cho biết, hiện thương hiệu mì ăn liền của mình đang dẫn đầu thị trường nông thôn với gần 30% thị phần. Vẫn tìm được chỗ đứng trong bối cảnh khó khăn, Uniben cho thấy chiến lược phát triển bài bản.
Chi phí lớn cho hoạt động bán hàng khiến cho Uniben chỉ có lợi nhuận khiêm tốn trong vài năm qua. Năm ngoái dù doanh thu tăng trưởng và lãi gộp tăng cao nhưng lợi nhuận sau thuế của Uniben chỉ đạt 12 tỷ đồng. Trong những hai năm trước đó, công ty cũng chỉ ghi nhận lợi nhuận khoảng 4 tỷ đồng.
So với quy mô doanh thu khoảng 2.600 tỷ đồng, mức lợi nhuận trên chỉ tương đương với tỷ suất khoảng 0,5%, gần như thấp nhất trong ngành. Miliket, thương hiệu mì '4 con tôm' huyền thoại có quy mô doanh thu chỉ hơn 500 tỷ đồng năm 2017 nhưng lãi sau thuế trên 22 tỷ đồng (tỷ suất khoảng 5%).
Kết quả kinh doanh của Uniben cũng cho thấy thị trường mì trong nước đang cạnh tranh rất khốc liệt. Năm 2014, Kinh Đô sau khi bán mảng bánh kẹo của mình cho Mondelez International đã tuyên bố đầu tư 30 triệu USD để nhảy vào lĩnh vực mì ăn liền nhưng sau đó đã âm thầm rút lui.
Thương hiệu mì Đại Gia Đình mà Kinh Đô hợp tác với Saigon Ve Wong chỉ xuất hiện một thời gian ngắn trên thị trường mì ăn liền trước khi biến mất.
Trong khi đó, những tên tuổi cũ cũng đang đẩy mạnh sự hiện diện của mình tại thị trường nông thôn đồng thời tái cấu trúc sản phẩm. Masan Consumer đã tung ra một số sản phẩm mới như “mì Omachi cây thịt” và ngay lập tức thu được tín hiệu khả quan.
Với các động lực mới thúc đẩy tăng trưởng, lãnh đạo Masan Consumer kỳ vọng doanh thu từ ngành hàng thực phẩm tiện lợi (chủ yếu là mì gói) sẽ đạt khoảng 4.500 tỷ đồng đến cuối năm 2018.
Trong khi đó, Vina Acecook, doanh nghiệp đang chiếm thị phần mì ăn liền số 1 Việt Nam với 25 năm kinh nghiệm cũng nhanh chóng tung ra sản phẩm mới là mì ly cao cấp.
Nhà máy của công ty có thể đạt công suất tới 180 triệu ly mì Handy Hảo Hảo và các loại mì ly khác mỗi năm. Vina Acecook kỳ vọng lớn vào mì ly cao cấp và đặt mục tiêu daonh thu chiếm 20% tổng doanh thu của công ty từ mức 5% năm 2016.