Nhầm với trĩ
Ông Nguyễn Văn H (57 tuổi, quê Hải Hậu, Nam Định) bị rối loạn tiêu hoá mấy tháng nay nhưng ông nghĩ mình bị trĩ vì tiền sử mắc trĩ, khó tiêu hoá. Gần đây, ông cảm giác muốn đi đại tiện mà đi khó hơn bình thường nên đến bệnh viện tỉnh khám.
Tại Bệnh viện tỉnh, bác sĩ khám và cho nội soi đại trực tràng, kết quả chẩn đoán ông H bị trĩ nặng kèm theo u loét trực tràng nên giới thiệu lên tuyến trên.
Ông H lên tuyến trên kiểm tra một lần nữa và bác sĩ chẩn đoán ung thư đại trực tràng. Ông H. cho biết triệu chứng rối loạn tiêu hoá xuất hiện nhiều tháng nay nhưng ông chủ quan.
Hay bà Khổng Thị Minh (quê Thái Bình) cũng tưởng mình bị trĩ đi khám khắp nơi và lấy thuốc uống trĩ nhưng khi kiểm tra tại Bệnh viện Việt Đức bác sĩ chẩn đoán ung thư đại trực tràng. Bà Minh kể anh trai bà sống ở miền nam vài năm trước cũng bị ung thư đại trực tràng và qua đời. Khi biết mình mắc bệnh giống anh trai, bà Minh lo lắng.
Ung thư đại trực tràng ngày càng gia tăng nhanh chóng
Tại hội thảo ung thư Việt Pháp lần thứ 3 tổ chức mới đây, các chuyên gia về ung thư đã chia sẻ bệnh ung thư đại trực tràng hiện nay đang gia tăng và trẻ hoá hơn trước rất nhiều.
Nếu như trước đây, mỗi ngày chỉ 1, 2 ca nghi ngờ mắc ung thư đại trực tràng thì tại Bệnh viện K ngày nào các bác sĩ cũng phẫu thuật cho từ 12 – 15 ca ung thư đại trực tràng. Đây được xếp vào 1 trong 4 bệnh ung thư đứng đầu ở nam giới và nữ giới.
Thủ phạm là gì?
Từ thực tế điều trị, TS.BS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K cho biết, ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỉ lệ sống sau 5 năm lên tới trên 90%, tuy nhiên có tới 70-80% bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở nước ta được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, chủ yếu là giai đoạn 3-4 nên điều trị gặp nhiều hạn chế.
Cách ăn uống Tây hoá càng làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng
Theo TS Bình, ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh chủ quan, lầm tưởng với nhiều bệnh lý đường tiêu hoá khác. Nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng bệnh nặng và khi được hỏi thì mới biết đã chữa trĩ ở một số nơi và khi bệnh không đỡ mới tìm đến bệnh viện chuyên khoa. Lúc này ung thư đã tiến triển xa.
Dấu hiệu của ung thư đại trực tràng không khó nhận biết:
- Người bệnh có triệu chứng rối loạn tiêu hoá. Các triệu chứng này lúc đầu có thể là ợ chua, sau là đau tức vùng bụng, co thắt dạ dày trước hoặc sau khi ăn.
- Người bệnh đi ngoài phân nhỏ, phân dẹt. Có nguy cơ ruột gặp phải những vật cản như các khối u, polyp to khiến hình dạng và kích thước phân thay đổi.
- Đi ngoài ra máu, đây là triệu chứng khá phổ biến ở các bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Nguyên do khối u trong lòng ruột gây chảy máu.
- Đi đại tiện lúc táo bón, lúc phân lỏng và cảm giác đi ngoài không hết.
- Người bị mệt mỏi, giảm cân bất thường. Nếu giảm cân không rõ nguyên nhân cần cảnh giác dấu hiệu của ung thư.
"Hiện nay điều trị ung thư đại trực tràng bằng đa mô thức từ phẫu thuật, hoá trị, xạ trị tới nhắm đích. Tất cả các phương pháp điều trị ung thư này đều đang ngày càng phát triển và người bệnh không nên quá hoang mang khi mắc bệnh ung thư này" – TS Bình khuyến cáo.